Động đất Myanmar: Hơn 3.100 người chết, nguy cơ dịch tả bùng phát
Theo công bố của chính quyền quân sự Myanmar ngày 4/4, trận động đất 7,7 độ Richter đã khiến tổng cộng 3.145 người thiệt mạng, 4.589 người bị thương và khoảng 221 người mất tích.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch tả và các bệnh truyền nhiễm khác tại các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất như thành phố Mandalay, Sagaing và thủ đô Naypyidaw. Theo thông báo chính thức của WHO, tổ chức này sẽ cung cấp khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 1 triệu USD, bao gồm túi đựng thi thể.
“Dịch tả là mối quan ngại lớn đối với tất cả chúng tôi”, Phó trưởng văn phòng WHO tại Myanmar, Elena Vuolo, chia sẻ với Reuters. Ngoài dịch tả, bà Vuolo cảnh báo rằng các bệnh ngoài da, sốt rét và sốt xuất huyết cũng có thể bùng phát do điều kiện sống tồi tệ sau thảm họa.
Theo The Guardian, khoảng một nửa số cơ sở y tế ở các khu vực chịu ảnh hưởng đã bị phá hủy, bao gồm nhiều bệnh viện ở thành phố Mandalay và Naypyitaw. Trong khi đó, nhiều người sống sót vẫn phải dựng trại ngoài trời trong điều kiện nắng nóng lên đến 38°C, do lo sợ dư chấn và các tòa nhà không an toàn. Một số bệnh viện cũng phải thiết lập các khu điều trị tạm thời ngoài trời.

Người dân dựng trại ngoài trời do lo sợ dư chấn. Ảnh: Getty
Những nỗ lực viện trợ có thể gặp thêm trở ngại khi cơ quan khí tượng Myanmar dự báo mưa lớn từ ngày 7/4 đến 11/4, đặc biệt ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất.
Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Myanmar, Titon Mitra, lo ngại rằng thời tiết xấu sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng của hàng chục nghìn người đang sống trong các trại tạm bợ và lều dựng tạm ngoài đường phố.
“Nếu mưa đổ xuống, chúng ta sẽ gặp một vấn đề thực sự nghiêm trọng”, ông Titon Mitra nói với Reuters, đồng thời nhấn mạnh mối lo về dịch bệnh lây qua nguồn nước.

Dịch bệnh nguy cơ bùng phát do điều kiện sống tồi tệ sau động đất. Ảnh: Getty
Trong ngày 5/4, Ngoại trưởng Myanmar Utama Haji Mohamad bin Haji Hasan sẽ tới thủ đô Naypyidaw cùng Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa để trực tiêp xem xét tình hình khắc phục hậu quả sau động đất và thảo luận về các biện pháp hỗ trợ nhân đạo.
Nhiều quốc gia cũng đã thể hiện sự đoàn kết với Myanmar kể từ khi thảm họa động đất xảy ra. Malaysia đã gửi 15 tấn hàng viện trợ thông qua Trung tâm AHA của ASEAN nhằm giúp Myanmar vượt qua thảm họa. Anh cam kết viện trợ thêm 6,5 triệu USD, nâng tổng số viện trợ của nước này cho Myanmar lên 19,5 triệu USD.
Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã cung cấp lương thực cho 24.000 người sống sót và dự kiến sẽ mở rộng hỗ trợ tới 850.000 người trong một tháng tới.