Động đất lớn ở Myanmar:Bài học chủ động ứng phó thiên tai

Trận động đất mạnh 7,7 độ richter ngày 28-3 tại Myanmar đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản không chỉ riêng Myanmar, mà cả Thái Lan; đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo khu vực Đông Nam Á về việc cấp thiết cần triển khai các biện pháp sẵn sàng đối phó với những thảm họa tương tự.

Tính tới trưa 29-3, số người thiệt mạng tại Myanmar đã lên tới 1.002 và 2.376 người bị thương. Trận động đất làm sập nhiều cây cầu và tòa nhà tại Mandalay và thủ đô Naypyidaw của Myanmar. Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) ước tính, số người thiệt mạng có thể vượt 10.000. Ảnh hưởng động đất từ Myanmar, một tòa nhà cao tầng đang xây dựng ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) đã bị sập khiến ít nhất 6 người thiệt mạng, 22 người bị thương và 101 người mất tích. Các lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian, chính quyền Bangkok (Thái Lan) tuyên bố khu vực này là vùng thảm họa và tập trung lực lượng tìm kiếm những người còn mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Khách sạn Aungban tại Myanmar bị sập sau động đất. Ảnh: Aungban Philanthropic Group

Khách sạn Aungban tại Myanmar bị sập sau động đất. Ảnh: Aungban Philanthropic Group

Ngay sau khi thảm họa xảy ra, chính quyền quân sự Myanmar cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại 6 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do hạ tầng bị hư hại nghiêm trọng, mất điện và gián đoạn liên lạc. Chính quyền quân sự Myanmar đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp để đối phó với hậu quả của trận động đất. Người phát ngôn chính quyền quân sự Zaw Min Tun cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về máu cho các nạn nhân bị thương. Lời kêu gọi đã được cộng đồng quốc tế đáp lại nhanh chóng, các nước Đông Nam Á (ASEAN) và nhiều quốc gia đã bày tỏ sẵn sàng cung cấp viện trợ nhân đạo cho cả hai nước.

Trung Quốc sáng 29-3 đã cử một đội cứu hộ y tế gồm 37 thành viên từ tỉnh Vân Nam đến Myanmar mang theo các thiết bị hiện đại như hệ thống cảnh báo sớm động đất, vệ tinh di động và máy bay không người lái để hỗ trợ công tác tìm kiếm và cứu nạn. Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga gửi hai máy bay chở lực lượng cứu hộ tới Myanmar. Ấn Độ cũng thông báo đã điều một máy bay vận tải quân sự C-130 tới Myanmar mang theo đội tìm kiếm cứu hộ, đội y tế và các dụng cụ vệ sinh, chăn, các nhu yếu phẩm khác.

Liên hợp quốc quyết định viện trợ khẩn cấp 5 triệu USD hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả động đất, đồng thời tiến hành thu thập thông tin về mức độ thiệt hại để định hướng công tác ứng phó tiếp theo. Đây là điều hết sức cần thiết vì trận động đất này đã đặt ra những thách thức lớn về nhân đạo và tái thiết cho Myanmar. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng ngày đã kích hoạt hệ thống quản lý khẩn cấp và huy động trung tâm hậu cần ở Dubai chuẩn bị vật tư y tế cứu thương cho khu vực xảy ra thảm họa.

Theo giới chuyên môn, trận động đất lần này là hồi chuông cảnh báo đối với Myanmar nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung trong việc sẵn sàng các giải pháp ứng phó với thảm họa tương tự trong tương lai. Theo Văn phòng Giảm thiểu rủi ro thiên tai (Liên hợp quốc) và Trung tâm Điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN, nhiệm vụ trước mắt là tăng cường hệ thống cảnh báo sớm và giám sát địa chấn, đặc biệt ở những quốc gia có nguy cơ cao như Myanmar. Các nước trong khu vực có thể hợp tác với Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) hay Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương (PTWC) để nâng cao năng lực giám sát động đất.

Cũng theo các chuyên gia, nhiều công trình hạ tầng ở Myanmar và Thái Lan đổ sập chứng tỏ hệ thống xây dựng chưa đáp ứng tiêu chuẩn chịu động đất. Điều này đồng nghĩa các quốc gia Đông Nam Á cần cập nhật bộ quy chuẩn xây dựng để bảo đảm công trình có thể chịu được rung chấn lớn, đồng thời có chính sách cải tạo các công trình cũ, đặc biệt là bệnh viện, trường học theo hướng này. Việc triển khai lực lượng phản ứng nhanh, tương tự mô hình Đội Phản ứng thảm họa (JDR) của Nhật Bản là cần thiết bên cạnh các giải pháp nâng cao năng lực cho lực lượng cứu hộ về kỹ năng tìm kiếm người bị nạn, sơ cứu khẩn cấp và sơ tán dân cư.

Đáng chú ý, một nguyên nhân khiến số người thiệt mạng tại Myanmar tăng cao là do thiếu kiến thức ứng phó. Ở những quốc gia xảy ra động đất thường xuyên như Nhật Bản, kỹ năng an toàn được phổ biến đầy đủ, các nước Đông Nam Á cần học hỏi kinh nghiệm này, đưa giáo dục về thiên tai vào chương trình học và tổ chức diễn tập thường xuyên. Các nước cũng có thể khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia bảo hiểm thảm họa để giảm gánh nặng tài chính sau thiên tai.

Trận động đất ở Myanmar cũng cho thấy, Đông Nam Á còn nhiều việc phải làm để bảo đảm an toàn cho cơ sở hạ tầng và người dân trước các thảm họa thiên tai.

Hoàng Linh (Theo USGS, UNDRR, The Guardian)

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dong-dat-lon-o-myanmar-bai-hoc-chu-dong-ung-pho-thien-tai-697327.html
Zalo