Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra hệ thống đê sông, đê bối tại huyện Ý Yên
Chiều 10/9, đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đi kiểm tra hệ thống đê sông, đê bối tại huyện Ý Yên.
Theo báo cáo của huyện Ý Yên, do ảnh hưởng của mưa bão và xả lũ từ thượng nguồn, mực nước trên sông Đáy đang tiếp tục dâng cao khiến nhiều tuyến đê bối ở địa bàn các xã: Hồng Quang, Yên Khang, Yên Phúc có hiện tượng thẩm lậu, sủi mạch nước, rò rỉ trên thân đê. Đặc biệt, tuyến bờ bao trên các vùng bối Ninh Mật, Ngô Xá (xã Hồng Quang) đã xảy ra tràn cục bộ khoảng 200m. UBND xã Hồng Quang đã thông báo và thực hiện di dời người dân, tài sản vùng ngoài đê, trong bờ bao sản xuất vào phía trong đê.
Hiện nay, tại các vùng bối của huyện Ý Yên đang có dân cư sinh sống như: Yên Trị 12 nghìn người, Yên Đồng 900 người, Yên Nhân 686 người, Yên Phúc 3.945 người... Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Ý Yên đánh giá: Các tuyến đê bối này chỉ bảo đảm an toàn chống lũ ở mức báo động 2, nếu mực nước trên báo động 2 và tiếp tục lên cao phải di dời người dân, tài sản ở vùng bối đến nơi an toàn. Để bảo đảm an toàn cho người dân, UBND huyện đã chỉ đạo các xã huy động lực lượng, phương tiện để xử lý giờ đầu; tiếp tục phân công lực lượng thường xuyên ứng trực, kịp thời phát hiện các hiện tượng sự cố để báo cáo các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý bảo đảm an toàn hệ thống đê sông của huyện.
Sau khi nghe báo cáo và kiểm tra thực địa, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động ứng phó với sự cố trên tuyến đê sông, đê bối của huyện Ý Yên, nhất là các xã có tuyến đê bối. Đồng chí yêu cầu: Huyện Ý Yên, các xã có bối phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng, chống thiên tai với phương châm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân, giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tổ chức phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ và thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, báo cáo các cơ quan chức năng chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện, vật tư xử lý các tình huống có thể xảy ra ngay từ giờ đầu. Lực lượng tiền phương ứng trực tại các vị trí xung yếu, có nguy cơ ngập tràn trên tuyến đê bối cần chú ý bảo đảm an toàn. Tổ chức vận hành các phương án phòng, chống thiên tai đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhất là phương án di dời dân nếu có yêu cầu. Kiên quyết không để người dân, nhất là ngư dân tự ý ra các bãi ven sông đánh bắt thủy sản, mất an toàn.