Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo sát sao công tác ứng phó bão số 3 tại thành phố Nam Định

Tối 7/9, đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có buổi làm việc, đánh giá công tác ứng phó, xử lý tình huống trong bão số 3 tại thành phố Nam Định. Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; lãnh đạo UBND, các phòng, ban, đơn vị của thành phố.

Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Theo báo cáo của thành phố, công tác ứng phó, xử lý các tình huống, thiệt hại do bão số 3 gây ra được thành phố thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Toàn bộ 1.060 hộ với 2.226 người dân sinh sống tại các nhà thuộc diện nhà yếu, nguy hiểm được di dời kịp thời đến nơi tránh trú bão an toàn; được chính quyền các phường, xã quan tâm chu đáo, chuẩn bị đầy đủ chăn, màn, vật tư y tế, lương thực; được đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tài sản trong những ngày phải sơ tán.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nam Định phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nam Định phát biểu tại buổi làm việc.

Tại các trạm bơm, tổ vận hành máy đảm bảo ứng trực 24/24 giờ, duy trì ổn định hoạt động của các đầu máy bơm, đã chủ động bơm hút toàn bộ nước đệm và tích cực vận hành bơm tiêu thoát nước trong bão. Trong nội đô, về cơ bản không bị ngập lụt nghiêm trọng; đến 19 giờ 30 có một số trọng điểm ngập lụt cục bộ.

Tại các vùng sản xuất nông nghiệp được chủ động rà soát, khoanh vùng cụ thể diện tích sản xuất bị ảnh hưởng mưa bão ngập lụt và có phương án tiêu úng phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa và năng lực công trình. Đặc biệt, lực lượng chức năng của thành phố đã tích cực xử lý giờ đầu nhanh các sự cố cành, cây xanh đổ, gãy trên các tuyến phố để tránh xảy ra thiệt hại tính mạng, tài sản cho người dân và đảm bảo giao thông thông suốt. Theo thống kê chưa đầy đủ, tại thành phố Nam Định bão số 3 làm đỗ, gãy 158 cây xanh trên các tuyến phố, công viên, quốc lộ; 3 cột điện lưới, 3 cột đèn chiếu sáng, 30 biển báo giao thông; đổ 30m tường bao UBND xã Mỹ Trung; 1 đoạn tường bao Trường Mầm non Lộc Vượng...

Thành phố đã tích cực xử lý sớm sự cố cây xanh gãy, đổ để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Thành phố đã tích cực xử lý sớm sự cố cây xanh gãy, đổ để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Nếu tình hình mưa lớn kéo dài sẽ có nguy cơ tăng thêm diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng; gây nhiều khó khăn cho công tác ứng phó, khắc phục ảnh hưởng, thiệt hại sau bão về dọn dẹp cây xanh gãy, đổ, xử lý môi trường; đặc biệt các căn nhà yếu, nhà thuộc diện nguy hiểm đối diện với nguy cơ cao sạt sập...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Quốc Chỉnh ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền thành phố trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai ứng phó, xử lý ngay từ giờ đầu các tổn thất do bão số 3 gây ra. Đặc biệt biểu dương việc thành phố ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và Nhà nước, nhất là làm tốt công tác di dân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho những người dân phải sơ tán; đã tích cực xử lý cây xanh gãy, đổ để đảm bảo lưu thông và an toàn cho người dân; bảo đảm tiêu thoát nước hiệu quả. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu thành phố tiếp tục phát huy tinh thần quyết liệt, trách nhiệm, thực hiện hiệu quả các phần việc ứng phó, xử lý các tình huống, thiệt hại do bão số 3 gây ra. Trong đêm 7/9 thành phố tiếp tục bố trí nhân sự, bảo đảm trực 24/24 giờ, bám sát diễn biến tình hình mưa bão thực tế tại địa phương để kịp thời xử lý các tình huống bất thường có thể xảy ra. Tổ chức ứng trực 24/24 giờ để tiêu rút nước đệm, chủ động vận hành các trạm bơm tiêu, cửa xả đảm bảo tiêu thoát nước đô thị kịp thời.

Tuyến đường Mạc Thị Bưởi được xác định có nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng nhưng chỉ bị ngập úng cục bộ.

Tuyến đường Mạc Thị Bưởi được xác định có nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng nhưng chỉ bị ngập úng cục bộ.

Đặc biệt, khi bão tan, thành phố tiếp tục bố trí lực lượng và chỉ đạo các xã, phường huy động cán bộ, nhân dân tham gia dọn dẹp, khắc phục hậu quả bão số 3; quan tâm làm tốt việc dọn cây xanh gãy, đổ, vệ sinh, xử lý môi trường để nhân dân sớm trở lại cuộc sống bình thường. Ưu tiên xử lý cây gãy đổ ở quốc lộ, các tuyến đường trọng điểm có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn. Kiểm tra, đánh giá kỹ thực trạng ảnh hưởng của bão đến chất lượng an toàn các khu nhà yếu, nhà thuộc diện nguy hiểm, chỉ cho người dân trở về nhà khi đảm bảo an toàn; tiếp tục quan tâm động viên, chăm lo điều kiện vật chất cho các hộ dân phải di dời./.

Tin, ảnh: Thanh Thúy

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/tin-nong/202409/dong-chi-pho-bi-thu-thuong-truc-tinh-uy-chi-dao-sat-sao-cong-tac-ung-pho-bao-so-3-tai-thanh-pho-nam-dinh-2fd2ff0/
Zalo