Đồng bộ giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số Xanh cấp tỉnh

Năm 2023, Lạng Sơn có chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) xếp thứ 62/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tụt 60 bậc so với năm 2022. Để cải thiện và nâng hạng chỉ số này trong năm nay và những năm tiếp theo, các cấp, ngành trong tỉnh đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo định hướng xanh và phát triển bền vững.

Chỉ số PGI lần đầu tiên được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào năm 2022. Đây là công cụ chính sách hữu ích nhằm hỗ trợ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đồng thời đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như: mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp (DN) tại địa phương; trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của DN; mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương...

Chỉ số thành phần giảm điểm

Năm 2022, Lạng Sơn xếp thứ 2 trong cả nước (sau tỉnh Trà Vinh) về chỉ số PGI. Với mục tiêu duy trì và nâng cao chỉ số PGI của tỉnh nằm trong tốp 30 tỉnh, thành phố có chỉ số PGI dẫn đầu cả nước vào những năm tiếp theo, ngày 1/6/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số PGI năm 2023 và những năm tiếp theo. Theo đó, các sở ngành, đơn vị phụ trách đầu mối các chỉ số thành phần đã xây dựng và triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để cải thiện, nâng cao chỉ số này. Tuy nhiên, theo số liệu do VCCI công bố (tháng 5/2024), tỉnh Lạng Sơn không còn nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chỉ số Xanh cấp tỉnh tốt nhất.

Công nhân Chi nhánh Cấp thoát nước thành phố Lạng Sơn vận hành hệ thống thiết bị tại nhà máy xử lý nước thải thành phố Lạng Sơn

Công nhân Chi nhánh Cấp thoát nước thành phố Lạng Sơn vận hành hệ thống thiết bị tại nhà máy xử lý nước thải thành phố Lạng Sơn

Được biết, từ năm 2023 VCCI đã không còn xếp hạng chỉ số PGI đối với các tỉnh, thành phố nằm ngoài top 30. Tuy nhiên, căn cứ vào dữ liệu thống kê và đánh giá của VCCI, có thể tính toán điểm số PGI của tỉnh Lạng Sơn năm 2023 đạt 17,33 điểm, xếp thứ 62/63 tỉnh, thành phố của cả nước.

Theo đó, trong 4 chỉ số thành phần có 3 chỉ số giảm điểm, 1 chỉ số tăng điểm. Cụ thể, chỉ số thành phần “giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai” đạt 4,84 điểm (giảm 0,53 điểm so với năm 2022), xếp hạng 58/63; chỉ số “đảm bảo tuân thủ” đạt 4,14 điểm (giảm 1,32 điểm so với năm 2022) xếp hạng 60/63; chỉ số “thúc đẩy thực hành xanh” đạt 3,6 điểm (giảm 0,97 điểm so với năm 2022), xếp hạng 57/63 và chỉ số “chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ” đạt 4,75 điểm (tăng 2,8 điểm) xếp hạng 51/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Có thể thấy, các điểm số chỉ số thành phần đều thấp hơn nhiều so với mức trung vị cả nước. Về thứ hạng, cả 4/4 chỉ số thành phần đều giảm so với năm 2022 và xếp gần cuối trong bảng xếp hạng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau khi thí điểm năm 2022 và trên cơ sở tham vấn các chuyên gia, chính quyền địa phương, các chỉ số đánh giá về PGI đã được điều chỉnh toàn diện vào năm 2023. Trong 45 chỉ tiêu đánh giá PGI năm 2023, có 32 chỉ số được thay thế và làm mới hoàn toàn. Vì vậy các giải pháp các sở, ngành của tỉnh triển khai theo Kế hoạch số 124/KH-UBND vẫn chưa thực sự có hiệu quả trong việc đánh giá chỉ số PGI năm 2023. Điều này dẫn tới điểm và thứ hạng PGI của tỉnh giảm mạnh.

Cùng với đó, cơ quan chủ trì nghiên cứu đã sử dụng thêm dữ liệu thống kê từ Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê, tuy nhiên, một số dữ liệu chưa đánh giá được hoàn toàn bản chất về nỗ lực của địa phương trong việc cải thiện PGI. Đồng thời với việc chỉ số được đổi mới trên 70% chỉ tiêu đánh giá, DN cũng chưa nắm bắt được thông tin và sự so sánh đối với các tỉnh, thành khác, vì vậy việc đánh giá chưa được khách quan, đầy đủ...

Ngoài ra, từ thực tế nhận thấy, tỉnh cũng chưa có đầy đủ các chính sách liên quan đến kinh tế xanh, phát triển xanh, đầu tư xanh và bảo vệ môi trường. Hiện nay, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh mới ở đầu của giai đoạn triển khai, chưa được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; mặt khác nguồn lực và điều kiện kinh tế của tỉnh vẫn chưa đảm bảo để triển khai các nội dung này.

Ông Đinh Trọng Cảnh, Giám đốc Công ty TNHH Huy Hoàng (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Là một trong những DN hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, đơn vị đã được chính quyền, các sở, ngành của tỉnh quan tâm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, công ty cũng như các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường vẫn gặp nhiều khó khăn như: việc đầu tư xây dựng trạm trung chuyển rác, mở rộng diện tích bãi chôn lấp rác, đấu thầu thu gom rác… Chúng tôi mong muốn, thời gian tới, chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh sẽ quan tâm hơn nữa đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường; thực hiện kéo dài thời gian đấu thầu thu gom rác thải; ưu tiên hỗ trợ đào tạo tập huấn và triển khai các chương trình, dự án liên quan. Đặc biệt, chính quyền tỉnh, các huyện, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyên việc thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Bởi theo Luật BVMT 2020 quy định, từ 31/12/2024, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và gia đình. Có như vậy mới góp phần giữ gìn vệ sinh, cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao chỉ số PGI của tỉnh.

Tìm hướng cải thiện, nâng cao điểm số

Trước thực tế điểm và thứ hạng PGI của tỉnh giảm mạnh, các huyện, thành phố, các sở, ngành của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ hiện đang xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao chỉ số PGI trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Hữu Lũng là huyện đang triển khai nhiều dự án khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong đó có dự án Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn mới khởi công. Quá trình phát triển công nghiệp nói chung và các khu, cụm công nghiệp nói riêng sẽ tạo ra nhiều thách thức lớn về ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, nước thải và khí thải công nghiệp.

Ông Bùi Quốc Khánh, Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng cho biết: Với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến người dân và các DN quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác quản lý đối với hoạt động thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Cùng đó, huyện quan tâm thu hút, ưu tiên các DN kinh doanh, sản xuất sử dụng công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ cao theo hướng sản xuất xanh đầu tư vào các lĩnh vực trên địa bàn huyện. Đặc biệt, huyện sẽ tăng cường quản lý, giám sát công tác vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn khi các dự án đi vào hoạt động… Từ đó, hạn chế sự cố môi trường xảy ra, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn.

Ông Nguyễn Hữu Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để khắc phục những hạn chế tồn tại, nâng cao chỉ số PGI của tỉnh, thời gian tới, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch. Trong đó, phân công rõ nhiệm vụ cho từng sở, ngành, địa phương gắn trách nhiệm của người đứng đầu đối với từng nhiệm vụ, từng chỉ tiêu cụ thể; tập trung hướng tới cải thiện điểm số các chỉ số thành phần năm 2023 bị giảm điểm và duy trì, nâng cao điểm số chỉ số thành phần tăng điểm. Các cơ quan được giao là đầu mối chỉ đạo và triển khai các chỉ số thành phần phải chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh về các chỉ tiêu được giao.

Đồng thời, sở cũng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, đầu tư xanh. Cùng đó, tạo điều kiện tốt nhất để các DN, nhà đầu tư tìm được cơ hội khác biệt xây dựng và phát triển DN ngày càng lớn mạnh, bền vững; thúc đẩy liên kết vùng; thu hút đầu tư có chọn lọc, khai thông các điểm nghẽn, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định về bảo vệ môi trường; tăng cường hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, DN, người dân trong việc xây dựng, hoạch định và thực thi các chính sách, quy định về bảo vệ môi trường; tăng cường các hoạt động đầu tư xanh tại DN... Qua đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PGI, huy động và phát huy được tối đa nguồn lực đầu tư tư nhân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

PGI là tập hợp cảm nhận của DN và truyền tải “tiếng nói” của cả cộng đồng DN về chất lượng quản trị môi trường tới chính quyền các cấp. Do vậy, ngành chức năng tỉnh, các đơn vị đầu mối phụ trách các chỉ số thành phần cần nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong thực hiện các giải pháp. Qua đó, góp phần đưa Lạng Sơn trở lại top 30 tỉnh, thành phố trên cả nước có chỉ số Xanh cấp tỉnh đứng đầu cả nước trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

LIỄU CHANG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/dong-bo-giai-phap-cai-thien-nang-cao-chi-so-xanh-cap-tinh-5013600.html
Zalo