Đồng bộ cải cách và phát triển thị trường vốn để kích hoạt động lực mới cho nền kinh tế

Việt Nam đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ, nơi hạ tầng hiện đại, thị trường vốn hiệu quả và các ngành kinh tế mũi nhọn tạo nên thế chân kiềng cho một mô hình tăng trưởng bền vững và hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Củng cố thị trường vốn dài hạn

Khi nền kinh tế toàn cầu đang bước vào chu kỳ chuyển dịch sâu rộng, Việt Nam đứng trước yêu cầu không chỉ tăng trưởng nhanh mà còn phát triển bền vững - cả về nền tảng nội lực và tiềm lực kinh tế. Phát biểu tại sự kiện Investor Day, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Khối Đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Dragon Capital Việt Nam nhấn mạnh rằng nội lực là yếu tố then chốt. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân chính là trụ cột cần được trao cơ hội và tạo điều kiện để đóng vai trò trung tâm trong tiến trình phát triển. Các yếu tố ngoại sinh, dù có thể mang lại những động lực ngắn hạn, vẫn luôn tiềm ẩn bất ổn, trong khi nền tảng nội tại chính là điểm tựa duy nhất cho sự bứt phá dài hạn.

Ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Khối Đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Dragon Capital Việt Nam phát biểu tại Investor Day 2025.

Ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Khối Đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Dragon Capital Việt Nam phát biểu tại Investor Day 2025.

Nhận định này được đặt trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước tái định vị chiến lược phát triển, với trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tận dụng các thành tựu về công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Những định hướng này không dừng lại ở tầm nhìn, mà đang được cụ thể hóa bằng hàng loạt kế hoạch, giải pháp triển khai trong 5 - 10 năm tới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa thì cần có một điều kiện mang tính quyết định chính là năng lực vận hành của thị trường vốn.

Thị trường vốn, theo đánh giá của chuyên gia từ Dragon Capital, là huyết mạch trong việc huy động nguồn lực xã hội, chuyển hóa ý tưởng và kế hoạch thành hiện thực, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang hướng mạnh vào các lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn như hạ tầng, công nghệ và đô thị hóa.

Bà Đặng Nguyệt Minh – Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu của Dragon Capital cho rằng, Việt Nam đang hướng tới một hệ thống hạ tầng hiện đại đạt chuẩn quốc tế, với mục tiêu cụ thể đến năm 2030–2040 là phát triển đồng bộ các tuyến cao tốc, đường sắt đô thị, sân bay quốc tế và cảng biển nước sâu.

“Một trong những điểm nhấn chiến lược là tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, dự kiến dài 1.541 km, tổng mức đầu tư khoảng 67 tỷ USD, với kỳ vọng kết nối hai vùng kinh tế trọng điểm trong thời gian chỉ 5 tiếng di chuyển” – bà Minh cho biết.

Không chỉ là một dự án giao thông đơn thuần, tuyến đường sắt này, theo ông Tuấn, có tiềm năng tạo ra cú hích chuyển hóa cấu trúc phát triển vùng và thúc đẩy lan tỏa tăng trưởng. Giai đoạn xây dựng có thể tạo ra hàng trăm nghìn việc làm mỗi năm, tăng thêm 1% tăng trưởng GDP và đóng góp hơn 30 tỷ USD vào giá trị ngành xây dựng. Khi đi vào vận hành, tuyến cao tốc sẽ giảm đáng kể chi phí logistics - hiện chiếm tới 18% GDP, qua đó trực tiếp cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong xuất khẩu và công nghiệp chế biến.

Sự thay đổi này cũng mở đường cho các cấu trúc đô thị mới hình thành. Ở miền Bắc, sự kết nối sẽ thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh quanh Hà Nội, trong khi tại miền Nam, hành lang từ TP.Hồ Chí Minh qua Long Thành đến Phan Thiết có thể trở thành trục tăng trưởng du lịch và dịch vụ trọng điểm. Những thay đổi này không chỉ mang tính vật lý, mà còn tạo điều kiện để tái định hình lại không gian kinh tế quốc gia, nâng tầm kết nối liên vùng và nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực.

Cải cách mở đường tăng trưởng

Bên cạnh câu chuyện hạ tầng, Việt Nam đang hướng tới một chiến lược phát triển kinh tế dựa trên các cụm ngành trọng điểm. Theo bà Minh, từ góc nhìn nghiên cứu và thực tiễn, các chuyên gia phân tích từ Dragon Capital nhận thấy Chính phủ đang tập trung vào năm lĩnh vực trụ cột: công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo, năng lượng, công nghệ sinh học và y dược tiên tiến.

Đây đều là những ngành có khả năng tạo ra chuỗi giá trị mới, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và gắn kết sâu hơn vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Nổi bật trong số này là công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo - những lĩnh vực mà Việt Nam đang có lợi thế về nhân lực và đang nhận được sự quan tâm của các tập đoàn công nghệ quốc tế.

Các diễn giả ở đầu cầu TP.Hồ Chí Minh chia sẻ tại Investor Day 2025.

Tuy nhiên, để các ngành mũi nhọn thực sự phát huy vai trò dẫn dắt, bà Minh cho rằng, việc xây dựng và mở rộng các cụm liên kết ngành là yếu tố cần thiết. Không chỉ tạo ra hiệu ứng lan tỏa theo chiều ngang, các cụm này còn giúp tăng hiệu suất theo chiều sâu nhờ kết nối giữa nghiên cứu, sản xuất và dịch vụ hỗ trợ.

Quan trọng hơn, đây chính là bước đệm để đạt được mục tiêu lớn hơn mà Bộ Chính trị đã đặt ra - đến năm 2030, Việt Nam cần có ít nhất 20 doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu này đánh dấu sự thay đổi tư duy về vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia.

“Sự đồng thuận giữa nhà nước và khu vực tư nhân đang tạo ra một động lực phát triển mới. Nhiều tập đoàn lớn không chỉ tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh truyền thống mà còn tiên phong trong các lĩnh vực mới, thể hiện sự cam kết đồng hành cùng Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng” - bà Minh khẳng định.

Để thúc đẩy quá trình này, vai trò điều phối và cải cách thể chế của Nhà nước là không thể thay thế. Theo chuyên gia từ Dragon Capital, những cải cách gần đây thể hiện quyết tâm cao trong việc tinh gọn bộ máy hành chính và nâng cao hiệu lực điều hành. Các đề xuất như sắp xếp, tổ chức lại một số bộ, ngành, cũng như nghiên cứu quy hoạch lại đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn đang được các cơ quan chức năng xem xét thận trọng, trên tinh thần cải cách hành chính đồng bộ và hiện đại hóa nền công vụ.

Cùng với đó, tốc độ ban hành luật pháp và các cơ chế đặc thù trong thời gian qua cũng được đẩy mạnh, góp phần tháo gỡ nhanh các điểm nghẽn pháp lý, tạo hành lang thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Một ví dụ cụ thể là các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc pháp lý đối với các dự án đầu tư công và đầu tư tư nhân đang được triển khai đồng bộ. Theo thông tin được đưa ra tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, hiện có khoảng 2.200 dự án bị ách tắc, với tổng giá trị đầu tư ước tính lên tới 235 tỷ USD. Nếu được khơi thông, nguồn lực này sẽ tương đương khoảng 50% GDP - đủ để tạo cú hích lớn cho tăng trưởng trong trung hạn.

Thu Hương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dong-bo-cai-cach-va-phat-trien-thi-truong-von-de-kich-hoat-dong-luc-moi-cho-nen-kinh-te-179931.html
Zalo