Huyện Cao Phong: Đồng bộ các giải pháp tạo điểm nhấn trong chất lượng giáo dục

Trong những năm qua, huyện Cao Phong không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), tạo nên những điểm nhấn quan trọng trong công tác giáo dục. Từ sự đồng bộ trong các giải pháp đến việc tập trung đầu tư nguồn lực, huyện ghi nhận nhiều kết quả đáng khích lệ.

Trong những năm qua, huyện Cao Phong không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), tạo nên những điểm nhấn quan trọng trong công tác giáo dục. Từ sự đồng bộ trong các giải pháp đến việc tập trung đầu tư nguồn lực, huyện ghi nhận nhiều kết quả đáng khích lệ.

Buổi học tại thư viện thân thiện của cô, trò trường Tiểu học thị trấn Cao Phong (Cao Phong).

Buổi học tại thư viện thân thiện của cô, trò trường Tiểu học thị trấn Cao Phong (Cao Phong).

Tăng cường nguồn lực phát triển giáo dục

Theo tinh thần Nghị quyết số 19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về việc tăng cường nguồn lực phát triển GD&ĐT giai đoạn 2023 - 2030, huyện Cao Phong đã triển khai kế hoạch nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra; thực hiện khảo sát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất các trường học trong giai đoạn 2018 - 2023. Kết quả cho thấy, quy mô trường, lớp đã được sắp xếp hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Trong giai đoạn này, toàn huyện còn 10 điểm trường lẻ (gồm 5 điểm trường mầm non và 5 điểm trường tiểu học và THCS). Những điểm trường này đang được điều chỉnh để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất.

Các trường học được quan tâm đầu tư nâng cấp, đảm bảo không gian sạch đẹp, hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học. Trong năm học 2023 - 2024, toàn huyện có 463/463 phòng học kiên cố, đảm bảo tỷ lệ 1 lớp/phòng học; 108 phòng bộ môn; 320 phòng chức năng; 7 trường có nhà đa năng và các công trình vệ sinh, nước sạch đảm bảo theo quy định. Trong năm học, huyện đã hoàn thành xây dựng mới 2 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đồng thời tiếp tục duy trì, nâng cao tiêu chuẩn cho 26/28 trường, đạt 92,9% về kiểm định chất lượng giáo dục và chuẩn quốc gia. Trong năm 2023, huyện đã chi 185 tỷ đồng cho sự nghiệp GD&ĐT, chiếm 38,8% tổng chi ngân sách địa phương, trong đó, 31 tỷ đồng dành riêng cho việc cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng giáo dục.

Bên cạnh kết quả đạt được, ngành Giáo dục huyện vẫn còn những khó khăn như: Thiếu cơ sở vật chất phòng học bộ môn và nhà đa năng; diện tích đất theo quy định còn thiếu ở một số trường; tình trạng thừa, thiếu giáo viên chưa được khắc phục triệt để; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng vẫn ở mức khá cao. Chất lượng giáo dục giữa các trường trong huyện cũng chưa đồng đều, đòi hỏi sự quan tâm, điều chỉnh từ các cấp quản lý để đảm bảo tính toàn diện trong giáo dục.

Nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên

Một trong những ưu tiên hàng đầu của huyện Cao Phong trong lĩnh vực giáo dục là nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên. Các chương trình bồi dưỡng, đào tạo được tổ chức thường xuyên, giúp giáo viên cập nhật kiến thức mới và áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Tính đến tháng 5/2024, huyện có 79 cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ trung cấp lý luận chính trị, 769 người đạt chuẩn trình độ đào tạo, chiếm 93,1%. 100% cán bộ quản lý đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục.

Năm 2023, Phòng GD&ĐT huyện hoàn thành 27/27 chỉ tiêu về nhiệm vụ trọng tâm và các nhiệm vụ đột phá do UBND huyện giao, trong đó vượt chỉ tiêu 11 nhiệm vụ, được Sở GD&ĐT và UBND huyện Cao Phong đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023, là đơn vị xếp thứ 1/10 huyện, thành phố. Việc đánh giá thi tuyển vào lớp 10 trong 3 năm liên tục Cao Phong đứng ở top 5 của tỉnh. Chất lượng giáo dục mũi nhọn trong năm học vừa qua cũng được coi là điểm nhấn trong đánh giá kết quả chuyên môn giáo dục của huyện. Huyện đạt 40 giải học sinh giỏi trong tổng số 70 thí sinh tham dự (trong đó có 3 giải nhất, 9 giải nhì).

Định hướng phát triển năm học 2024 - 2025

Bước vào năm học 2024 - 2025, huyện Cao Phong xác định đây là năm học quan trọng, đánh dấu sự hoàn thành các nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021 - 2025). Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 9 trong năm học này.

Huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Cụ thể như: Mở rộng quy mô trường lớp theo hướng chuẩn quốc gia, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội vào sự nghiệp GD&ĐT, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục... Chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, đảm bảo đủ số lượng, nâng cao về chất lượng để đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT.

Đẩy mạnh các phong trào thi đua, truyền thông giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của giáo dục. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD&ĐT để đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra...

Hồng Duyên

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/218/194179/huyen-cao-ph111ng-dong-bo-cac-giai-phap-tao-diem-nhan-tr111ng-chat-luong-giao-duc.htm
Zalo