Đồng bào Mông rộn ràng đón tết
Khi những bao thóc đầy nhà, bắp ngô treo đầy bếp, những gốc sắn đã căng nứt đất trên nương, cũng là lúc những cánh hoa đào bắt đầu khoe sắc, báo hiệu một mùa xuân mới đã về. Trong tiết trời se lạnh, khắp các bản vùng cao, đồng bào dân tộc Mông rộn ràng chuẩn bị đón tết cổ truyền.
Đồng bào dân tộc Mông ở Sơn La chiếm trên 15% dân số toàn tỉnh. Theo phong tục, tết của đồng bào dân tộc Mông bắt đầu từ ngày 25/11, các gia đình bắt đầu mổ lợn, giã bánh dày để làm lễ tạ ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho mọi người có sức khỏe dồi dào, đem mọi điều may mắn đến và cầu cho mưa thuận, gió hòa, cây cối xanh tốt, mùa màng bội thu. Người Mông quan niệm, bánh dày được làm từ gạo nếp có hình tròn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời là nguồn gốc sinh ra vạn vật, muôn loài trên trái đất nên không thể thiếu trong mâm cơm cúng trời đất, tổ tiên ngày tết.
Những ngày này, lên các xã vùng cao Tà Xùa, Hang Chú, Xím Vàng, Hồng Ngài của huyện Bắc Yên, chúng tôi được hòa mình vào không khí đón tết của đồng bào Mông. Bên bếp lửa hồng xua đi cái lạnh giá, thưởng thức bát rượu ngô thấy lòng ấm lại. Tết của người Mông không giống như Tết Nguyên đán, bà con không đón giao thừa, họ quan niệm tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng một (tức là đêm 30/11 sang 1/12 âm lịch), là mốc đánh dấu bắt đầu một năm mới. Trong mấy ngày tết, đàn ông dậy từ sớm làm hết mọi việc thay phụ nữ. Vì đàn ông là trụ cột của gia đình, nên tất cả mọi công việc trong nhà ngay từ đầu năm mới, phải chịu trách nhiệm để giữ được nề nếp cho cả năm. Trong 3 ngày tết, người Mông có tục dán giấy đỏ lên các công cụ lao động hằng ngày và để dưới bàn thờ như một sự tri ân những công cụ đã luôn theo mình trong lao động, sản xuất suốt năm qua.
Ông Hờ A Dua, Chủ tịch UBND xã Hang Chú, cho biết: Năm nay, ngoài các hoạt động văn hóa, thể thao, xã tổ chức lễ hội “Về miền đá cổ Hang Chú”, để nhân dân khắp nơi đến tìm hiểu, chiêm ngưỡng cảnh quan, thu hút khách du lịch, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao với nhân dân trong xã. Qua đó, tăng thêm tình đoàn kết và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông.
Năm 2024, anh Mùa A Chỉa, bản Hang Chú, là một trong những hộ nghèo của bản, được nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng để xóa nhà tạm. Anh Chia phấn khởi, nói: Được sự giúp đỡ thêm ngày công của bà con trong bản, gia đình đã dựng được ngôi nhà gỗ 3 gian. Năm nay, gia đình ăn tết to hơn, vui hơn.
Với phương châm mọi người, mọi nhà đều có tết, huyện Bắc Yên đã thành lập các đoàn công tác, cùng các xã đi thăm hỏi, động viên, trao quà tết cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, người già neo đơn, động viên bà con tích cực lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa.
Cũng như ở Bắc Yên, tết cổ truyền của đồng bào Mông ở trung tâm 6 xã vùng cao Co Mạ huyện Thuận Châu năm nay, không khí chuẩn bị tết cũng rộn ràng. Phụ nữ thêu dệt những bộ quần áo, váy mới cho các thành viên trong gia đình, đàn ông thì đi mua sắm, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ lễ để thờ cúng tổ tiên.
Các xã vùng cao ở Thuận Châu, từ Long Hẹ, đến Co Mạ, sang Co Tòng, Mường Bám nay đã đổi thay. Các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước được triển khai hiệu quả, cơ sở hạ tầng của xã được xây dựng khang trang, người dân tích cực đưa các loại cây, con giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất, đời sống bà con ngày càng ổn định và nâng lên. Tết của đồng bào Mông Co Mạ năm nay vui hơn, nhà nhà náo nức chăm lo cái tết đủ đầy.
Ông Thào A Súa, quyền Chủ tịch UBND xã Co Mạ, phấn khởi nói: Xã chỉ đạo Ban quản lý các bản, tuyên truyền, vận động bà con ăn tết tiết kiệm. Đặc biệt, không còn các hủ tục lạc hậu, thay vào đó là bà con duy trì phong tục tập quán, các nghi lễ truyền thống và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như múa khèn, thổi sáo, đàn môi, hát ống, ném pa pao, tu lu, thi giã bánh dày, tạo không khí vui tươi, đoàn kết.
Chia tay bà con đồng bào Mông vùng cao, chúng tôi gặp những chàng trai, cô gái xúng xính trong trang phục rực rỡ. Những trái pa pao trao qua, gửi lại, tiếng khèn Mông trầm bổng, vang vọng như chào đón, vẫy gọi mọi người xích lại gần nhau. Hương vị bánh dày thơm dẻo gạo nếp nương, tất cả đã tạo nên một bức tranh nơi rẻo cao ấm no, hạnh phúc.