Đồng bào Cơ Tu ở Tà Lu khát vọng vươn cao từ du lịch kết hợp nghề truyền thống
Những tín hiệu đáng mừng từ du lịch cộng đồng kết hợp với nghề truyền thống, cộng với khát vọng vươn cao của tổ hợp tác dệt thổ cẩm, đang tạo sinh kế bền vững, mở ra cánh cửa thoát nghèo cho đồng bào Cơ Tu ở vùng cao Tà Lu (nay thuộc xã Đông Giang mới, Tp. Đà Nẵng).
Thời gian qua người dân ở xã Tà Lu cũ (nay thuộc xã Đông Giang mới) đã chú trọng gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, nhất là phát triển du lịch cộng đồng gắn với nghề dệt thổ cẩm.
Bà con có thêm thu nhập
Trong đó phải kể đến làng du lịch cộng đồng Đhrôồng với sự tham gia của 35 hộ dân đồng bào dân tộc Cơ Tu với 82 lao động thường xuyên. Khi đến đây, khách thăm quan được thưởng thức ẩm thực truyền thống, hòa mình cùng điệu múa tân tung da dá…Cộng đồng làm du lịch tại địa phương đã bước đầu được trang bị kiến thức chung về làm du lịch, nghiệp vụ đón tiếp khách, nghiệp vụ buồng phòng.

Với cách làm sinh động của làng du lịch cộng đồng Đhrôồngđã giúp bà con Cơ Tu có thêm thu nhập.
Trước đây, cuộc sống của đồng bào Cơ Tu nơi đây chủ yếu nhờ vào làm rẫy, đời sống khó khăn. Từ khi làm du lịch cộng đồng, bà con có thêm thu nhập, cuộc sống ổn định hơn.
Bà Pơ Loong Thị Mai, trú thôn Đhrôồng, chia sẻ, bà tham gia làm du lịch cộng đồng được vài năm nay. Việc tham gia làm du lịch không chỉ giúp gia đình bà có thêm thu nhập mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu như dệt thổ cẩm, nấu các món ăn truyền thống…
Bà Mai cho biết thêm, du khách đến với Đhrôồng sẽ cảm nhận được nét văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu như chế biến được món ăn, nước uống truyền thống.
Nhất là khi du khách lưu trú tại đây sẽ được thưởng thức các món ăn dân dã và tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng với những nhạc cụ, vũ điệu dân gian của người Cơ Tu. Ngoài ra, khách du lịch có dịp tìm hiểu nghề đan lát mây tre, dệt thổ cẩm, nói lý, hát lý, múa cồng chiêng.
Để kết hợp với du lịch cộng đồng, trong làng du lịch Đhrôồng đã thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đhrôồng với 30 phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia. Chị Briu Thị Hạnh, thành viên tổ hợp tác, cho biết cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã đổi thay khi sản phẩm của tổ hợp tác được khách du lịch mua làm quà lưu niệm khi đến tham quan làng du lịch.
Như chia sẻ của chị Hạnh, một tấm khố dệt bán ra thị trường có giá từ 800.000 - 1 triệu đồng, váy ngắn 500.000 đồng, tấm choàng đôi 1,2 triệu đồng.
“Dân làng cũng dệt những thứ khác làm quà lưu niệm như túi đeo, túi đựng điện thoại, túi đựng bút... Ngoài tham gia tổ dệt thổ cẩm, tôi còn là thành viên đội ẩm thực và đội văn nghệ phục vụ khách du lịch, từ đó thu nhập ngày càng tăng lên”, chị Hạnh nói.
Tổ hợp tác đưa nghề thổ cẩm vươn xa
Ngoài phục vụ tại chỗ, sản phẩm dệt thổ cẩm của Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đhrôồng còn quảng bá và làm theo đơn đặt hàng ở nhiều nơi. Đặc biệt, du khách trong và ngoài nước đặt chân đến Đhrôồng sẽ được trải nghiệm các hoạt động du lịch ẩm thực, múa trống chiêng, mua sản phẩm dệt.

Nhờ gắn với du lịch cộng động mà sản phẩm của Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Đhrôồngngày được nhiều người biết đến.
Hiện tại, ngoài các sản phẩm truyền thống, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đhrôồng cũng đào tạo, tập huấn để sản xuất những sản phẩm có mẫu mã theo đơn đặt hàng như khăn chạy bàn, vỏ gối, khăn choàng, túi vải thổ cẩm, túi đựng rượu…Hướng đến thị trường du lịch, tổ hợp tác xây dựng biểu tượng, phát triển thương hiệu tại chỗ và lập các điểm ký gửi, các thị trường bán sỉ tại Hội An, Hà Nội…
Theo chị Bơling Thị Treng, thành viên của tổ hợp tác, sản phẩm khi làm ra đã được khách hàng đặt mua, đặc biệt là du khách nước ngoài. Các sản phẩm của nhóm dệt Cơ Tu ở thôn Đhrôồng bắt đầu được biết đến tại các hội chợ, triển lãm ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng...Sản phẩm của Tổ đã được một vài cơ sở bán hàng lưu niệm tại Hội An, Đà Nẵng đặt hàng. Một số chủ sạp vải ở TP Hội An, Đà Nẵng tự thiết kế mẫu mã, yêu cầu tổ hợp tác làm theo mẫu đó.
Các thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Đhrôồng cho rằng nghề dệt thổ cẩm muốn phát triển được thì phải gắn với du lịch, mở được các điểm trưng bày quảng cáo sản phẩm truyền thống này ở các đô thị lớn.
Việc này sẽ là động lực đưa Đhrôồng thành điểm thu hút các tour du lịch miền núi như vùng đất Tà Lu. Lúc đó, sản phẩm dệt của Tổ hợp tác Đhrôồng sẽ trở thành hàng lưu niệm mang đậm tính văn hóa của người Cơ Tu, đứng vững và vươn ra thị trường trong và ngoài nước.
Nói về truyền thống nghề dệt thổ cẩm, Chị Zơrâm Thị Hải, thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Đhrôồng, kể rằng từ xa xưa những người con gái Cơ Tu khi còn ở với cha mẹ đã được hướng dẫn cách dệt thổ cẩm. Khi đến tuổi trưởng thành, mọi cô gái đều phải biết dệt những hoa văn cườm như: Khố, váy, áo adoót, tấm choàng, tấm địu trẻ, xà lùng…
Theo chị Hải, nghề dệt thường gắn liền với người phụ nữ và được lưu giữ, truyền từ đời này sang đời khác. Chính vì vậy, mỗi sản phẩm của tổ hợp tác là cả một quá trình dày công đan dệt với nhiều công sức tỉ mỉ, sáng tạo và chứa đựng những nét đẹp trong tâm hồn, tính cách của người Cơ Tu.
Tạo ra sinh kế bền vững
Chị Zơrâm Thị Hải nói rằng việc học nghề dệt thổ cẩm từ những người phụ nữ Cơ Tu thế hệ trước và truyền lại cho con cháu đời sau, những tấm vải thổ cẩm hoàn mỹ đòi hỏi phải trải qua rất nhiều công đoạn. Do sản phẩm dệt được làm hoàn toàn thủ công với những công cụ thô sơ, nên chỉ những người phụ nữ mới có đủ kiên trì để làm được.

Việc gắn nghề truyền thống với du lịch cộng đồng giúp đồng bào Cơ Tu ở Tà Lu có được sinh kế bền vững.
Có thể thấy nỗ lực bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của tổ hợp tác nêu trên để duy trì, phát huy làng nghề truyền thống và gắn kết với phát triển du lịch của đồng bào Cơ Tu ở Tà Lu rất đáng để khích lệ và nhân rộng. Cách làm này không chỉ góp phần duy trì và bảo tồn nghề truyền thống, phát huy hiệu quả kinh tế mà còn tạo sinh kế bền vững cho đồng bào.
Từ việc gắn nghề truyền thống với tiềm năng du lịch cộng đồng bắt đầu được đánh thức trên vùng cao Tà Lua, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đhrôồng đã phát huy được lợi thế của sản phẩm du lịch bản địa, mang lại lợi ích thiết thực cho những tổ viên tham gia sản xuất. Với những tín hiệu tích cực ban đầu, khả năng mở rộng và phát triển mô hình của tổ hợp tác là tương đối khả quan.
Rút kinh nghiệm từ những mô hình làng nghề truyền thống trước đây, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đhrôồng đã được đánh giá, điều nghiên thông qua quá trình khảo sát, tổ chức các lớp đào tạo về hoạt động của mô hình tổ hợp tác, kỹ năng hoạt động nhóm, kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh theo nhóm…
Và ngay từ thời gian đầu, Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam (cũ) đã phối hợp với địa phương tích cực thực hiện các bước chuẩn bị về nhân lực, công tác quản lý, tư vấn xây dựng lập hồ sơ thủ tục để tiến tới thành lập tổ hợp tác này.
Việc phát triển các mô hình kinh tế hợp tác có sự kết hợp giữa nghề truyền thống và du lịch cộng đồng nhằm tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Cơ Tu ở Tà Lu nói riêng cũng là mối quan tâm lâu nay của Liên minh HTX Việt Nam.
Từ mối quan tâm như vậy, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam (cũ) và nay là Liên minh HTX Tp. Đà Nẵng (mới) đã, đang và sẽ tiếp tục có những hoạt động hỗ trợ cụ thể để nghề dệt thổ cẩm kết hợp du lịch cộng đồng ở Tà Lu ngày càng phát triển vững vàng trong thời gian tới theo mô hình kinh tế hợp tác. Có như vậy, chắc chắn sinh kế của đồng bào Cơ Tu sẽ càng thêm bền vững, thoát khỏi cảnh nghèo khó, đồng thời đưa nghề dệt thổ cẩm vươn xa.