Đồng bào các dân tộc là trung tâm trong phát triển du lịch cộng đồng

Từ những mô hình phát triển du lịch cộng đồng, đồng bào có thể sống, lao động, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ngay tại quê hương, đồng thời góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng Tây Nguyên.

Tiết mục biểu diễn cồng chiêng của người Gia Rai tại Làng du lịch cộng đồng Kép 2 (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Phương Liên

Tiết mục biểu diễn cồng chiêng của người Gia Rai tại Làng du lịch cộng đồng Kép 2 (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Phương Liên

Tỉnh Gia Lai có 44 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46,23% (dân tộc Gia Rai chiếm 30,37%, dân tộc Ba Na chiếm 12,51%, các dân tộc khác chiếm 3,35%). Cư dân ở Gia Lai gồm 2 bộ phận: Cư dân tại chỗ với 2 dân tộc Gia Rai, Ba Na và bộ phận cư dân mới đến gồm người Kinh và các dân tộc thiểu số khác. Đồng bào các dân tộc Gia Rai, Ba Na gắn với bản sắc văn hóa cồng chiêng, các sản phẩm thủ công truyền thống như: Dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc gỗ... và nền văn hóa ẩm thực phong phú. Đây là những điều kiện tiên quyết và cần thiết để phát triển loại hình du lịch cộng đồng.

Ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết, bước đầu trên địa bàn đã hình thành mô hình du lịch cộng đồng tại làng Ốp (thành phố Pleiku), làng Stơr, làng Mơ Hra (huyện Kbang), làng Ia Gri (huyện Chư Păh)... Chủ trương của tỉnh Gia Lai là thông qua phát triển du lịch cộng đồng để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc ở vùng nông thôn.

Thực tế những năm qua đã chứng minh tính đúng đắn của chủ trương này. Mô hình du lịch cộng đồng tại làng Kép 2 (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah) là một ví dụ. Chính thức hoạt động từ tháng 4/2023, đến nay, làng Kép 2 đã trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều hoạt động thú vị cho du khách như: Trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu ghè, cùng các cô gái Gia Rai lấy giọt nước, hóa trang thành ma bùn, tham gia đêm hội cồng chiêng... Mỗi năm, làng Kép 2 thu hút hơn 5.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Chị H’Uyên Niê, dân tộc Gia Rai là người khởi nguồn ý tưởng thành lập làng du lịch cộng đồng, nay là Phó Trưởng ban quản lý du lịch làng Kép 2. Chị Niê chia sẻ: Mô hình là tâm huyết của tất cả người dân trong làng, xuất phát từ mong muốn ai cũng có việc làm ổn định để phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo tồn được bản sắc văn hóa của người Gia Rai. Tại đây, dù là già trẻ, lớn bé, đàn ông hay phụ nữ đều có thể tham gia và có thu nhập. Những nghệ nhân lớn tuổi sẽ dệt, đan lát, hướng dẫn du khách trải nghiệm, truyền nghề cho người trẻ, còn các em nhỏ sẽ hóa thân thành các nhân vật, kể lại câu chuyện đời sống của dân tộc mình. Từ mô hình này, đồng bào có thể sống, lao động, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc ngay trên chính quê hương mình.

Tương tự, Câu lạc bộ dệt thổ cẩm tại làng Phung (xã Biển Hồ, thành phố Pleiku) được hình thành từ ý tưởng của bà Pêl, người dân tộc Gia Rai, một nghệ nhân dân gian chuyên về dệt thổ cẩm. Cách đây hơn 3 năm, thấy nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang ngày càng mai một, bà Pêl đã vận động 23 chị người dân tộc Gia Rai trong làng tham gia câu lạc bộ.

Chị Rơ Lan Han, con gái của bà Pêl cho biết: Tuy các thành viên câu lạc bộ chủ yếu tranh thủ làm vào chiều tối và ngày nghỉ, vì buổi sáng còn phải làm nông, nhưng hiện nay, họ đã sản xuất được nhiều sản phẩm với mẫu mã, hoa văn, họa tiết ngày càng đa dạng, được du khách ưa thích tìm mua. Nhờ vậy, thu nhập của các thành viên câu lạc bộ đã đạt trung bình 8-9 triệu đồng/người/tháng.

Ông Đưk, Trưởng làng Kép 2 đánh giá cao hoạt động của Câu lạc bộ dệt thổ cẩm làng Phung do bà Pêl làm Chủ nhiệm. Từ 23 thành viên ban đầu, nay câu lạc bộ đã tiếp tục truyền dạy nghề cho thêm 10 cháu gái trong độ tuổi từ 10 đến 15. Bà Pêl và câu lạc bộ đã góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình tại địa phương.

Khẳng định về ý nghĩa tạo ra nhiều sinh kế cho người dân sở tại từ những mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: Tỉnh luôn ưu tiên thực hiện các giải pháp để biến “di sản” thành “tài sản”. Tất cảc các kế hoạch, dự án, mô hình bảo tồn văn hóa dân tộc hay phát triển du lịch cộng đồng đều hướng đến đồng bào, lấy đồng bào các dân tộc làm trung tâm. Mục đích cuối cùng là vừa bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống, vừa tạo sinh kế cho bà con và góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 1103/KH-UBND ngày 10/5/2024 về phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Trong đó, nhấn mạnh mục đích phát triển du lịch cộng đồng dựa trên cơ sở vận dụng, khai thác, phát huy tối đa và có hiệu quả lợi thế từ nguồn tài nguyên thiên nhiên bản địa, nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, tiêu biểu là 2 dân tộc Gia Rai, Ba Na; kết hợp khai thác môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn, tạo thành sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ, thu hút du khách trong và ngoài nước đến Gia Lai ngày càng nhiều hơn.

Để thực hiện những mục tiêu này, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng theo hướng tăng cường giúp du khách được tương tác trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ. Đồng thời, xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với sự tham gia trực tiếp của người dân nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ sinh kế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân ở khu vực nông thôn.

Hy vọng, với quyết tâm chính trị rất cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai sẽ sớm đạt được mục tiêu đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng Tây Nguyên.

Phương Liên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dong-bao-cac-dan-toc-la-trung-tam-trong-phat-trien-du-lich-cong-dong-post484805.html
Zalo