Đồng bằng sông Cửu Long: Ứng phó triều cường

Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuất hiện nhiều đợt triều cường, trong khi đó, lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cũng được dự báo nhiều hơn so với cùng kỳ. Các địa phương trong vùng đã chủ động nhiều biện pháp ứng phó.

Triều cường gây ngập cục bộ một tuyến đường ở TP Bạc Liêu hồi tháng 8/2024. Ảnh: Thanh Tiến.

Triều cường gây ngập cục bộ một tuyến đường ở TP Bạc Liêu hồi tháng 8/2024. Ảnh: Thanh Tiến.

Theo đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, do ảnh hưởng của triều cường kết hợp sóng lớn, từ nay tới cuối năm các tỉnh, thành phố ven biển Nam Bộ có khả năng bị ngập úng tại các vùng trũng, thấp, vùng ven sông và vùng ngoài đê bao.

Nhiều đợt triều cường cuối năm

Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Bạc Liêu, từ đầu tháng 10 đến tháng 12/2024, vùng ven biển khu vực tỉnh Bạc Liêu sẽ xuất hiện 6 đợt triều cường. Cơ quan này cũng đồng thời cảnh báo nguy cơ gây ngập úng ở nhiều vùng trũng, thấp như dọc Quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Hòa Bình và thị xã Giá Rai...); một số tuyến đường thuộc TP Bạc Liêu trong thời gian qua xuất hiện triều cường.

Còn tại Kiên Giang, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh này nhận định, mực nước các trạm đầu nguồn sông Cửu Long từ tháng 9 đến tháng 10/2024 chuyển sang chế độ mùa lũ, trong giai đoạn này mực nướccao nhất ngày sẽ lên nhanh. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ khả năng vào giữa tháng 10. Tác động kết hợp giữa lũ và triều cường có nguy cơ gây ngập lụt, úng.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) gây mưa lớn ở thượng nguồn sông Mê Kông và bão số 4 gây mưa lớn ở vùng Trung Lào nên lượng nước đổ về hạ nguồn sông Mê Kông tiếp tục gia tăng. Khi nước từ thượng nguồn đổ về kết hợp với các đợt triều cường sẽ gây ngập cho dãy đô thị phía đông từ Quốc lộ 1 ra biển gồm Mỹ Tho (Tiền Giang), Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Ngã Bảy (Hậu Giang).

“Lượng nước sẽ đổ về ĐBSCL trong vài 3 tuần tới. Do đó, lượng nước đổ về ĐBSCL năm nay sẽ cao hơn cùng kỳ. Qua tháng 10, nước đổ về kết hợp những thời điểm triều cường sẽ gây ngập úng ở những vùng trũng, vùng đô thị ở ĐBSCL như mọi năm và diện tích ngập sẽ gia tăng hơn” - PGS.TS Lê Anh Tuấn - Cố vấn Khoa học tại Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ) nhận định.

Đài Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ cũng cảnh báo, từ tháng 9 đến tháng 11/2024, mực nước cao nhất trên sông Hậu và các kênh rạch trên địa bàn TP Cần Thơ ảnh hưởng bởi triều cường kết hợp với lũ trên thượng nguồn đổ về. Mực nước đỉnh triều cao nhất ngày trong các đợt triều cường ở mức xấp xỉ báo động III và cao hơn báo động III (2,0m) từ 20 - 30cm. Trong các đợt triều cường, mực nước lên cao gây ngập úng diện rộng tại các tuyến đường trũng thấp, ven sông của nội ô thành phố.

Mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập cục bộ một số tuyến đường ở TP Rạch Giá (Kiên Giang) vào tháng 7/2024.

Mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập cục bộ một số tuyến đường ở TP Rạch Giá (Kiên Giang) vào tháng 7/2024.

Chủ động các biện pháp ứng phó

Ông Lai Thanh Ẩn - Chi cục trưởng chí Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu cho biết, địa phương đã lên kế hoạch để chủ động ứng phó với các đợt triều cường từ đây đến cuối năm.

“Để chủ động ứng phó với 6 đợt triều cường Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Bạc Liêu đã đề nghị các đơn vị trực thuộc kiểm tra hệ thống cống; kiểm tra, gia cố bờ bao hạ lưu các cống dọc theo Quốc lộ 1. Đồng thời triển khai vận hành các cống Nhà Mát, Chùa Phật (TP Bạc Liêu); Cái Cùng (huyện Hòa Bình) và cống Huyện Kệ (huyện Đông Hải) để ngăn triều cường, chống ngập cho vùng Nam Quốc lộ 1, đảm bảo ngăn mặn an toàn cho diện tích lúa Thu Đông, Đông Xuân trong tiểu vùng giữ ngọt ổn định; vận động nhân dân gia cố bờ bao ao, đầm, ruộng muối... để bảo vệ sản xuất” - ông Lai Thanh Ẩn cho hay.

Ông Ấn cho biết, Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị Sở Giao thông vận tải tỉnh thường xuyên kiểm tra và xây dựng phương án phòng, chống triều cường tràn qua Quốc lộ 1 (tại các đoạn có cao trình thấp chưa được nâng cấp) và các tuyển tỉnh lộ để bảo vệ tiểu vùng giữ ngọt ổn định và hoạt động giao thông. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu tích cực phối hợp với UBND cấp huyện rà soát, xây dựng phương án phòng, chống đảm bảo cho giáo viên và học sinh điểm trường trước đây đã bị ngập và có nguy cơ bị ngập do triều cường, không bị gián đoạn trong việc dạy và học khi triều cường dâng cao.

Còn tại Kiên Giang, UBND tỉnh cũng đã ban hành phương án phòng, chống ảnh hưởng của ngập lũ nội đồng kết hợp triều cường năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu Sở NNPTNT tỉnh vận hành hệ thống cống trên tuyến đê biển Hòn Đất - Kiên Lương, hệ thống cống ven sông Cái Bé, hệ thống đê bao Ô Môn - Xà No, đê bao vùng đệm U Minh Thượng để kịp thời tiêu úng do mưa lớn kết hợp triều cường và tiêu thoát lũ.

Triều cường gây ngập cục bộ một tuyến đường ở TP Cần Thơ vào năm 2023.

Triều cường gây ngập cục bộ một tuyến đường ở TP Cần Thơ vào năm 2023.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa các công trình thủy lợi, triển khai nạo vét các kênh, kênh hạ lưu các cống bị bồi lắng để khai thông dòng chảy trong vùng Tứ giác Long Xuyên, đảm bảo vận hành tốt hệ thống thoát lũ.

Tổ chức hướng dẫn nông dân thực hiện sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu, Thu Đông 2024 phù hợp với tình hình nguồn nước, tuân thủ khuyến cáo của các cơ quan chức năng, bảo đảm tận dụng tốt lợi thế do lũ mang lại. Phối hợp cùng các địa phương thường xuyên kiểm tra tình hình sản xuất trồng trọt ở các địa phương vùng ảnh hưởng lũ, tổ chức thu hoạch sớm các diện tích lúa vùng có khả năng chịu ảnh hưởng của lũ để tránh bị thiệt hại.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa các công trình thủy lợi, triển khai nạo vét các kênh, kênh hạ lưu các cống bị bồi lắng để khai thông dòng chảy trong vùng Tứ giác Long Xuyên, đảm bảo vận hành tốt hệ thống thoát lũ. Tổ chức hướng dẫn nông dân thực hiện sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu, Thu Đông 2024 phù hợp với tình hình nguồn nước, tuân thủ khuyến cáo của các cơ quan chức năng, bảo đảm tận dụng tốt lợi thế do lũ mang lại. Phối hợp cùng các địa phương thường xuyên kiểm tra tình hình sản xuất trồng trọt ở các địa phương vùng ảnh hưởng lũ, tổ chức thu hoạch sớm các diện tích lúa vùng có khả năng chịu ảnh hưởng của lũ để tránh bị thiệt hại.

UBND tỉnh Kiên Giang cũng yêu cầu các địa phương trong tỉnh rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao, khoanh vùng cụ thể các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của lũ nội đồng. Qua kiểm tra, kịp thời tăng cường gia cố, tôn cao các đoạn đê bao, bờ bao thấp, yếu có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở trong mùa mưa, lũ nhằm đảm bảo an toàn sản xuất. Bên cạnh đó, các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai nạo vét kênh mương kết hợp gia cố, đắp mới đê bao, bờ bao; duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi phòng, chống ngập lũ nội đồng theo kế hoạch đã được UBND cấp huyện phê duyệt trong năm 2024.

Để ứng phó với lũ kết hợp triều cường, UBND TP Cần Thơ yêu cầu các quận trung tâm (đặc biệt là quận Ninh Kiều) tổ chức kiểm tra các tuyến đường, kiểm tra các nắp hố ga trên vỉa hè, mặt đường để tránh hố sâu nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Khi triều xuống, nước rút, phải tổ chức kiểm tra thu gom rác tại các miệng cống thoát nước, cửa thu nước đảm bảo cho nước rút một cách dễ dàng, nhanh nhất, không bị ứ đọng, sớm đưa hệ thống giao thông trở lại bình thường.

UBND TP Cần Thơ cũng yêu cầu các quận trung tâm chỉ đạo các phường rà soát lại trụ chiếu sáng, đèn chiếu sáng và tín hiệu giao thông để tránh rò rỉ điện, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tổ chức rà soát toàn bộ các tuyến đường bị ngập sâu trên địa bàn, thực hiện cắm biển cảnh báo nguy hiểm (tạm thời), dây cảnh báo, đèn chớp cảnh báo tại những vị trí ngập sâu, các tuyến đường cặp kênh, mương, ao, hồ ngập sâu nguy hiểm khi triều cường dâng cao, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đồng thời, chủ động bố trí lực lượng và phương tiện để tham gia điều tiết giao thông.

Đối với quận, huyện còn lại, UBND TP Cần Thơ yêu cầu tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý ngay hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao. Chủ động phương án bơm nước tiêu úng để bảo vệ diện tích lúa Thu Đông, hoa màu, cây ăn trái và các cây trồng khác; Tổ chức rà soát, chỉ đạo thu hoạch diện tích lúa Thu Đông trước khi ảnh hưởng trực tiếp từ lũ chính vụ để đảm bảo an toàn đồng thời chỉ đạo xã nước lũ vào đồng sau khi thu hoạch.

Nhận định về các hình thái thời tiết thời gian tới, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, đối với khu vực Nam Bộ, từ tháng 10 đến tháng 12/2024, khu vực ven biển Đông Nam Bộ khả năng xuất hiện 7 đợt triều cường. Cụ thể: đợt 1 từ ngày 4-6/10; đợt 2 từ ngày 17-21/10; đợt 3 từ ngày 2-5/11; đợt 4 từ ngày 15-19/11 và đợt 5 từ ngày 1-6/12, đợt 6 từ ngày 13-17/12, đợt 7 từ ngày 29/12/2024-4/1/2025. Mực nước lớn nhất tại trạm Vũng Tàu có thể đạt 4,3m trong khoảng thời gian từ 14-16 giờ ngày 17/11. Các vùng trũng, thấp, ven sông và vùng ngoài đê bao khu vực ven biển phía Đông Nam bộ có khả năng ngập úng.

THANH TIẾN-NGUYÊN DU

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dong-bang-song-cuu-long-ung-pho-trieu-cuong-10291228.html
Zalo