Đồng bằng sông Cửu Long thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao
Là vùng đất giàu tiềm năng, Đồng bằng sông Cửu Long luôn quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tại địa phương.
Đặc biệt, các địa phương trong vùng chú trọng thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch cũng như tính chất từng ngành nghề, ưu tiên đối với các dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ cao, ứng dụng nền tảng số.
![Khu công nghiệp Long Giang ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Lâm Nguyên – TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_324_51436867/82b3029f39d1d08f89c0.jpg)
Khu công nghiệp Long Giang ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Lâm Nguyên – TTXVN
*Tích cực cải thiện môi trường kinh doanh
Bên dòng sông Tiền, tỉnh Tiền Giang hiện có ba khu công nghiệp đang hoạt động là Mỹ Tho, Tân Hương và Long Giang với tổng diện tích trên 814 ha, chiếm 24,31% tổng diện tích quy hoạch các khu công nghiệp. Nhờ có các giải pháp "trải thảm đỏ" thu hút đầu tư, đến nay, các khu công nghiệp tại tỉnh Tiền Giang thu hút được 112 dự án; trong đó, có 83 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2.800 triệu USD và trên 4.500 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho gần 90.000 lao động.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Tiền Giang, ngay từ đầu năm 2025, đơn vị chủ động triển khai kế hoạch và phương hướng thu hút đầu tư, chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư vào các khu công nghiệp do đơn vị quản lý. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư khi triển khai các dự án đầu tư đã được phê duyệt.
Ban Quản lý các khu công nghiệp Tiền Giang cũng kịp thời hướng dẫn, nhắc nhở các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động cần khẩn trương xây dựng nội quy lao động, thỏa ước lao động theo đúng quy định pháp luật cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp về tuyển dụng lao động và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.
Tại tỉnh Sóc Trăng, với phương châm “thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư chính là thành công của tỉnh”, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh. Thực tế, doanh thu các doanh nghiệp FDI năm 2024 đạt trên 4.867 triệu USD, vượt 8,17% chỉ tiêu cả năm và tăng 8,55% so năm trước. Doanh thu các doanh nghiệp DDI đạt trên 10.223 tỷ đồng, vượt 17,93% kế hoạch năm vả tăng 6,91% so năm trước.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu khẳng định, tỉnh đang hướng đến mục tiêu trở thành cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với lợi thế địa lý và chiến lược phát triển dài hạn, tỉnh đặt trọng tâm vào việc phát triển cảng biển Trần Đề, dịch vụ logistics, hạ tầng công nghiệp - đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, các dự án giao thông trọng điểm như cầu Đại Ngãi, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cũng đang được triển khai, hứa hẹn tạo cú hích mạnh mẽ cho thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ cho biết, trong năm 2024, trung tâm thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại; góp phần khá lớn cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo đó, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2024 ước đạt hơn 30.054 tỷ đồng, tăng 5,35% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó vốn ngoài nhà nước tăng 31,30%. Thành phố cũng thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án.
![Một góc quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_324_51436867/d0e54bc9708799d9c096.jpg)
Một góc quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
*Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư
Trong năm 2025, Ban Quản lý các khu công nghiệp Tiền Giang tiếp tục đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn với mục tiêu thu hút thêm tối thiểu 2 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 6 dự án FDI điều chỉnh, tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất hiện hữu với tổng nguồn vốn đầu tư 90 triệu USD.
Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo sức lan tỏa, nhất là hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ.
Ban Quản lý các khu công nghiệp Tiền Giang ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ cao, ứng dụng nền tảng số, thân thiện môi trường. Ngoài ra, tỉnh thu hút các dự án mới có giá trị gia tăng cao, sử dụng nguồn lao động chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh cũng như tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết, năm 2025, tỉnh tiếp tục ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ thu hút đầu tư, cơ cấu lại nền kinh tế và nhanh chóng khắc phục những tồn tại như: thủ tục hành chính rườm rà, giải ngân vốn chậm, giải phóng mặt bằng khó khăn, nguồn vật liệu san lấp... Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tái cơ cấu sản xuất và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Tỉnh Sóc Trăng khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường xúc tiến, quảng bá, khai thác có hiệu quả bền vững các loại hình và sản phẩm du lịch thế mạnh của tỉnh.
Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ Nguyễn Thị Kiều Duyên, năm 2025, trung tâm sẽ tiếp tục xúc tiến đầu tư, thương mại gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch Thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về xúc tiến đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ sẽ đa dạng hóa các phương thức, đặc biệt chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ. Thành phố sẽ chuẩn bị quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chính sách ưu đãi và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài việc duy trì quan hệ với các đối tác truyền thống, Cần Thơ sẽ mở rộng xúc tiến đầu tư sang các nước thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Đặc biệt, thành phố ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như công nghệ thông tin và truyền thông, kỹ thuật nano, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ; sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ và phát triển bền vững.