Đồng bằng sông Cửu Long: Siết chặt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm
Càng gần đến Tết Nguyên đán 2025, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm càng tăng cao. Tại ĐBSCL, tình trạng giết mổ heo, gà, vịt, chim… tự phát, không có giấy phép, không đảm bảo vệ sinh diễn ra nhan nhản; trong khi đó công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của chính quyền, ngành chức năng nhiều nơi còn bỏ ngỏ. Thực tế trên làm gia tăng mối lo ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh phát sinh.
Ngang nhiên giết mổ trên đường
Tại chợ Sa Đéc (phường 2, TP Sa Đéc, Đồng Tháp) có 2 điểm nuôi nhốt, mua bán gia cầm sống (gà, vịt, chim các loại…) gần nhau với số lượng lên đến hàng trăm con mỗi ngày. Không chỉ kinh doanh, tiểu thương ở 2 điểm này còn ngang nhiên giết mổ gia cầm sống khi khách có nhu cầu.
Quan sát tại đây, chưa đầy 1 giờ chúng tôi thấy có gần chục con gà được tiểu thương giết mổ (cả gà mua tại chỗ và gà do khách mua ở nơi khác đem đến). Việc cắt cổ, nhúng nước sôi, vặt lông, sơ chế nội tạng… diễn ra ngay trên nền nhựa đường. Nước làm gà và huyết (một số khách không lấy) được tiểu thương đổ tràn ra đường, bốc mùi hôi thối. Thấy khách mua gà không chịu nổi mùi hôi, phải mang khẩu trang, bà T. (nhà đối diện điểm giết mổ gia cầm) cho hay: “2 điểm giết mổ gia cầm này tồn tại từ lâu, hoạt động không có giấy phép, rất mất vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh thế nhưng chưa bao giờ thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý”.
Tại TP Cần Thơ, trên đường Mậu Thân, đoạn giao với đường Nguyễn Thị Minh Khai (gần chợ Xuân Khánh, quận Ninh Kiều) cũng tồn tại 1 điểm mua bán - giết mổ gia cầm không phép. Ngoài giết mổ gia cầm theo yêu cầu của khách, tại đây còn sơ chế sẵn gia cầm sống, bày bán trên đường nhưng không che đậy, ruồi nhặng bu đen, không đảm bảo an toàn vệ sinh. Không chỉ gà, vịt, các điểm kinh doanh gia cầm dọc quốc lộ 63 (huyện U Minh Thượng) và quốc lộ 80 (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) còn ngang nhiên mua bán, giết mổ chim cò, động vật hoang dã như nhím, gà rừng, heo rừng…
Triển khai phần mềm quản lý kiểm dịch
Trong năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh Long An đã xây dựng và triển khai ứng dụng phần mềm quản lý kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, cấp các loại giấy chứng nhận kiểm dịch và phần mềm in biên lai, hóa đơn thu phí, lệ phí tích hợp vào Cổng thông tin Dịch vụ hành chính công của tỉnh và cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp tỉnh.
Trong khi đó, tại các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh…, công tác kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm ở thời điểm cận tết được ngành thú y địa phương cho biết được thực hiện quyết liệt. Song, ghi nhận tại nhiều chợ truyền thống, điểm bán lẻ gần các khu công nghiệp, thịt heo bán ra không có dấu kiểm dịch.
Kiên quyết xử lý nghiêm
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Long An, trung bình mỗi ngày số lượng giết mổ toàn tỉnh khoảng 6.162 con heo, 214 con trâu bò, 84.355 con gia cầm… Toàn tỉnh Long An hiện có 43 cơ sở giết mổ. Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản thành lập lại 15 trạm chăn nuôi và thú y cấp huyện trực thuộc chi cục theo đúng Luật Thú y.
Để nâng cao năng lực quản lý hoạt động kiểm soát giết mổ, nhất là ở thời điểm cuối năm, cận tết, tỉnh Long An triển khai sử dụng một số ứng dụng công nghệ thông tin như sử dụng 2 ứng dụng công nghệ thông tin do cơ sở giết mổ hỗ trợ để thực hiện quản lý kiểm soát sản phẩm động vật sau giết mổ và in, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển tại 6 cơ sở. Đồng thời tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định về kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; đặc biệt là việc lạm dụng chất cấm, chất tăng trọng, thuốc an thần, bơm nước vào cơ thể gia súc trước khi giết mổ, tham mưu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
Ông Đoàn Đình Toàn, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Cà Mau) cho biết, với tình hình dịch tả heo châu Phi vừa bùng phát tại địa phương, ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Hiện đang vào mùa tết, nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng cao nên cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận chuyển heo và sản phẩm từ heo ra vào vùng có dịch bệnh.
Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đã thành lập Đội kiểm tra liên ngành 2419. Dự kiến, đội tổ chức kiểm tra 16 ngày/đêm đối với phương tiện vận chuyển, cơ sở sản xuất kinh doanh, giết mổ động vật; cơ sở sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Ngoài ra còn thực hiện kiểm tra đột xuất theo ý kiến chỉ đạo của cấp trên và thông tin phản ánh của quần chúng nhân dân. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau (Đội trưởng Đội kiểm tra liên ngành 2419) cam kết: “Quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, chúng tôi sẽ cương quyết xử lý nghiêm, mục đích cuối cùng là để đảm bảo sức khỏe cho người dân”.
Theo ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, hiện toàn tỉnh có 44 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Mỗi cơ sở giết mổ đều có nhân viên trạm thú y trực tại chỗ, giám sát việc giết mổ, đảm bảo chất lượng đầu vào, đầu ra của thực phẩm. Các cơ sở đã thực hiện bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Chất thải trong quá trình giết mổ được vệ sinh, thu gom để xử lý theo quy định.
Tăng cường ngăn chặn heo lậu vào các tỉnh phía Nam
Bộ NN-PTNT vừa ban hành các văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh Bình Phước, Đồng Tháp, Tây Ninh, An Giang, Long An và Kiên Giang cùng các cơ quan chức năng liên quan, đề nghị ngăn chặn tình trạng heo lậu vận chuyển vào địa bàn các tỉnh ở phía Nam.
Cụ thể, Bộ NN-PTNT đề nghị tăng cường kiểm soát nhập khẩu heo theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương cần huy động nguồn lực để kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép heo và các sản phẩm động vật qua biên giới.
Bộ NN-PTNT cũng đề nghị lực lượng chức năng triển khai chuyên án điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển trái phép. Trong đó, đề nghị bộ đội biên phòng và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo sớm chấm dứt tình trạng này; lực lượng quản lý thị trường cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động lưu thông hàng hóa, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn bán trái phép.
Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép heo và các sản phẩm bột xương thịt, protein động vật qua biên giới Tây Nam vào Việt Nam diễn ra phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây lan các dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm.
PHÚC HẬU