Đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực đưa trẻ mầm non trở lại trường
Một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã cho trẻ mầm non trở lại trường. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ.
GD&TĐ - Một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã cho trẻ mầm non trở lại trường. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ.
Hài hòa giải pháp
Đến nay, học sinh lớp 1 - 12 tỉnh An Giang đã trở lại trường học trực tiếp. Theo kế hoạch của sở GD&ĐT, từ ngày 7/3, tất cả khối lớp (trong đó có mầm non) tổ chức dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Theo Sở GD&ĐT An Giang, với sự chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, phối hợp chặt chẽ, ngành GD-ĐT đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu vừa đảm bảo chất lượng giáo dục, vừa phòng chống hiệu quả Covid-19 trong năm học 2021 - 2022. Thời gian học sinh trở lại trường học trực tiếp được ấn định cụ thể cho từng khối lớp nhằm bảo đảm an toàn.
Theo bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, trong quá trình tổchức dạy học trực tiếp, an toàn tính mạng, sức khỏe của học sinh phải được đặt lên hàng đầu. Nhà trường phải hài hòa giữa các giải pháp đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Việc tổ chức dạy học trực tiếp trên cơ sở tự nguyện của phụ huynh học sinh. Do đó, các cơ sở giáo dục tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến, qua truyền hình hoặc qua các hình thức phù hợp khác song song với dạy trực tiếp.
“Điều này gây không ít khó khăn, đòi hỏi tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo điều hành tại các cơ sở giáo dục. Nhà trường cần giữ mối liên hệ chặt chẽ với phụ huynh, theo dõi, quản lý sức khỏe của học sinh. Cần sự đồng hành, chia sẻ của phụ huynh với những khó khăn của nhà trường trong giai đoạn hiện nay…”, Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang chia sẻ.
Từ ngày 21/2, trẻ 5 tuổi và học sinh các khối lớp từ lớp 1 - 12 tỉnh Bạc Liêu được đến trường học trực tiếp. Theo Sở GD-KH&CN Bạc Liêu, tỉnh lưu ý các trường tổ chức phân luồng, giãn cách học sinh. Đối với các trường mẫu giáo, mầm non, giáo viên cần lưu ý đến dịch tễ không chỉ của trẻ, mà cả phụ huynh. Vì trẻ còn quá nhỏ nên khó khăn cho việc lấy mẫu test nhanh. Khi trẻ có biểu hiện bệnh phải báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất.
Theo bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở GD-KH&CN Bạc Liêu, ngành Giáo dục phối hợp với Y tế xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch cũng như các kịch bản ứng phó với từng tình huống dịch Covid-19 trong trường học. Khi học sinh trở lại trường, các trường chủ động hơn trong việc ứng phó với dịch bệnh.
Học sinh cấp tiểu học và mầm non địa bàn tỉnh Cà Mau trở lại trường học trực tiếp từ ngày 14/2. Qua khảo sát, có hơn 46% phụ huynh trẻ mầm non và hơn 80% phụ huynh học sinh tiểu học đồng ý cho con trở lại trường.
Không chủ quan nhưng cũng không quá lo lắng, sợ hãi
Từ ngày 7/2, học sinh mầm non và phổ thông địa bàn TP Cần Thơ trở lại trường học trực tiếp. Theo bà Thiệu Thị Kim Chi, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT), bên cạnh việc điều chỉnh kế hoạch chương trình phù hợp với thực tế; chú ý với các em lớp lá (lớp 5 tuổi) chuẩn bị một số kỹ năng cũng như tâm thế sẵn sàng vào lớp 1.
Các cơ sở giáo dục mầm non phải dành 2 tuần đầu cho trẻ làm quen lại môi trường, giáo dục cho trẻ kỹ năng và thói quen vệ sinh cá nhân... Nhà trường tiếp tục vận động tuyên truyền phụ huynh đưa trẻ đến trường trên tinh thần tự nguyện. Giáo viên tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non khi trở lại trường.
Trao đổi công tác đảm bảo an toàn cho trẻ đến trường, cô Ngô Thị Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), cho biết: Nhà trường tổ chức đo thân nhiệt, sát khử khuẩn và kiểm tra định kỳ sức khỏe cán bộ, nhân viên, giáo viên. Đặc biệt lưu ý thực hiện 5K trong suốt thời gian hoạt động tại trường. Qua 3 lần tiến hành tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa học sinh đến trường, có gần 300/340 phụ huynh đồng ý cho trẻ trở lại trường.
Hơn 2 tuần trở lại trường, cấp mầm non ở tỉnh Đồng Tháp dần đi vào ổn định. Với những nỗ lực của địa phương, ngành Giáo dục, tỷ lệ học sinh mầm non đến trường học trực tiếp ngày càng tăng, đạt từ 60 - 94%. Cùng với việc đón học sinh trở lại trường, công tác vận động học sinh tiếp tục ra lớp đối với cấp mầm non đang được các đơn vị tập trung thực hiện.
Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, các trường ở Đồng Tháp không tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập trung, chưa cho khai thác căng tin, việc học bán trú tùy theo tình hình thực tế và phải được sự cho phép của đơn vị quản lý... Theo chia sẻ của các giáo viên, một số phụ huynh chưa mạnh dạn cho học sinh đến trường vì không có thời gian đưa rước. Ngoài ra cũng có phụ huynh vẫn muốn cho các em tiếp tục học trực tuyến. Các trường đã làm tốt công tác chuẩn bị, tuy nhiên cũng rất hồi hộp trong tổ chức cho trẻ và học sinh đến trường vì đa phần các em chưa được tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, sau khi trẻ trở lại trường, kết quả rất phấn khởi khi nhiều phụ huynh đã mạnh dạn cho con em đi học.
Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, từ ngày 24/2, học sinh khối lớp 3, 4 và trẻ mầm non dưới 5 tuổi đã đến trường. Với công tác phòng dịch Covid-19, các trường không được chủ quan nhưng cũng không nên quá lo lắng, sợ hãi mà phải hết sức bình tĩnh. Đặc biệt chú ý đến công tác phòng, chống dịch bệnh với học sinh tiểu học, trẻ mầm non, các nhóm trẻ tư thục, bởi đối tượng này chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và ý thức, kỹ năng phòng bệnh chưa cao. Do đó, các trường phải thường xuyên nhắc nhở, giáo dục học sinh những kỹ năng phòng, chống dịch bệnh.
Thông điệp của tỉnh Cà Mau là “an toàn mới đi học và đi học phải bảo đảm an toàn”. Từng đơn vị trường học phải có phương án cụ thể ứng phó, nắm chặt tình hình phòng chống dịch Covid-19 của đơn vị. Tạo sự tin cậy, yên tâm cho phụ huynh, học sinh để chủ trương đi học trở lại của địa phương nhận được sự đồng thuận, đồng hành và ủng hộ của toàn xã hội. - Ông Nguyễn Minh Luân (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau)