Đồng bằng sông Cửu Long dồn lực cho năm học nhiều đổi mới
Ngành GD các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học mới bằng việc rốt ráo cải thiện CSVC, nâng chất đội ngũ GV...
Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ
Thầy Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ) cho biết: Đây là năm học tiến tới những kỳ thi quan trọng theo hình thức kiểm tra, đánh giá năng lực người học. “Điều đó đồng nghĩa nhà trường nói riêng và ngành Giáo dục nói chung đứng trước cơ hội đổi mới cũng là thách thức mới; giúp chúng ta bứt phá với sự chuẩn bị kỹ lưỡng thời gian qua”, thầy Hùng phấn khởi nói.
Cùng quan điểm, thầy Cao Tấn Lĩnh - Hiệu trưởng Trường PTDTNT TP Cần Thơ (TP Cần Thơ) chia sẻ: Năm học này, tập thể lãnh đạo, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường tập trung thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, nhà trường tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, quản lý tốt nền nếp học sinh; quản lý tốt đời sống vật chất tinh thần, chú trọng các hoạt động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh nội trú.
Đồng thời, nhà trường tiếp tục ổn định chất lượng giáo dục đại trà, đầu tư phong trào mũi nhọn với các môn học có điều kiện. “Với niềm yêu nghề, tâm huyết, toàn thể giáo viên, nhân viên nhà trường đoàn kết, tập trung trí tuệ cùng nhau thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra”, thầy Lĩnh nhấn mạnh.
Tại TP Cần Thơ, năm học 2024 - 2025 có hơn 249 nghìn trẻ, học sinh, học viên các cấp học; 448 cơ sở giáo dục, trong đó 170 trường mầm non, 167 trường tiểu học, 71 trường THCS, 30 trường THPT công lập và 10 trường tư thục.
Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết, ngành Giáo dục thành phố quyết tâm thực hiện tốt kế hoạch năm học với chủ đề “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”.
Theo đó, ngành sẽ chú trọng xây dựng đội ngũ, đảm bảo đủ số lượng giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018, sắp xếp, rà soát phân công giáo viên để đảm bảo không thiếu thừa cục bộ ở các điểm trường; tăng cường xây dựng trường chuẩn quốc gia…
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT; nâng cao chất lượng, đảm bảo số lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống đối với nhà giáo và học sinh; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.
Cùng đó, ngành tiếp tục tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động mở rộng hợp tác với cơ sở giáo dục - đào tạo từ các quốc gia phát triển; chú trọng chuyển đổi số trong đổi mới quản lý, dạy và học.
Tiếp sức học sinh khó khăn
Là địa phương cách xa đất liền, năm học mới, huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ công tác giáo dục. Ông Võ Hồng Phú - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kiên Hải cho biết, phòng đã phối hợp với Ban Quản lý dự án tham mưu cho UBND huyện Kiên Hải đầu tư xây dựng 12 phòng học, 6 phòng chức năng, sửa chữa 6 phòng học với kinh phí 16,6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trang thiết bị giáo dục được quan tâm đầu tư tương đối đầy đủ, đảm bảo đáp ứng theo yêu cầu chương trình giáo dục. Toàn huyện Kiên Hải có 8 trường (3 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 1 trường THCS và 1 trường Tiểu học & THCS có lớp mầm non). Hiện, huyện Kiên Hải tập trung mọi nguồn lực để huy động toàn bộ trẻ trong độ tuổi được đến trường.
Với Kiên Giang, năm học mới có hơn 347 nghìn học sinh các cấp. Ngành Giáo dục tỉnh đề ra 16 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2024 - 2025. Ông Trần Quang Bảo - Giám đốc sở GD&ĐT thông tin, sở đang tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp tổ chức huy động học sinh, học viên ra lớp thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo các chỉ tiêu được giao. Ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên.
Tương tự, tại Hậu Giang, để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục đặt ra 11 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó có việc tiếp tục rà soát, tham mưu điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về giáo dục - đào tạo nhằm thể chế hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Thông tin về năm học mới, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang cho hay, ngành Giáo dục đang tập trung rà soát lại trường lớp, cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng các cơ sở dạy học; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, quan tâm vấn đề đào tạo giáo viên.
Sở cũng tiếp tục nâng cao chất lượng các cấp học trong đó có giáo dục mầm non, phổ cập tiểu học và xóa mù chữ. Hậu Giang sẽ huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, ưu tiên phân bổ ngân sách để xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, đổi mới Chương trình GDPT 2018; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính toàn ngành…
“Để thực hiện tốt công tác vận động học sinh ra lớp, sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận động chăm lo, hỗ trợ trò có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo không để em nào vì khó khăn không thể đến trường”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang nhấn mạnh.
Từ nay đến cuối năm 2024, ngành Giáo dục tỉnh tập trung nguồn lực, quyết tâm tổ chức, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm; hoàn thành dự án mua sắm trang thiết bị dạy học lớp 3, 4, 7, 10 và thiết bị khoa học tự nhiên (THCS); phòng học bộ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ (THPT) theo Chương trình GDPT 2018. - Ông Trần Quang Bảo (Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang)