Đồng bằng sông Cửu Long có thể cạn kiệt cát vào năm 2035
Ngày 5/10, WWF đưa ra cảnh báo về hoạt động khai thác cát và xây dựng các đập thủy điện đang đe dọa vùng 'vựa lúa' của Việt Nam, khiến cho người dân, nông nghiệp và nền kinh tế khu vực này gặp nguy hiểm.
Đồng bằng sông Cửu Long, là một trong những khu vực đa dạng sinh học quý báu, nơi sông Mê Kông đổ ra Biển Đông, đóng vai trò quan trọng trong cung cấp lương thực và sinh kế cho hàng chục triệu người dân.
Các đập thủy điện ở phía trên dòng sông Mê Kông đang giảm dòng chảy của cát ở hạ lưu, là nguyên nhân chính khiến lượng cát dưới lòng sông suy giảm nhanh chóng, điều này rất quan trọng đối với khả năng phục hồi của đồng bằng sông Cửu Long.
Theo một báo cáo của WWF, việc gia tăng khai thác cát để phục vụ ngành xây dựng đang làm cạn kiệt tài nguyên nhanh chóng. Với tốc độ khai thác hiện tại ở mức 35-55 triệu m3/năm, "trữ lượng cát có thể được khai thác dưới lòng sông chỉ còn tồn tại được khoảng một thập kỷ," báo cáo của WWF cảnh báo.
Sepehr Eslami, một trong các tác giả của báo cáo, cho biết nếu cát cạn kiệt, các vùng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn sẽ tăng 10%, gây ra thiệt hại lớn cho sản xuất lúa ở khu vực nước ngọt của sông Mê Kông.
Eslami cho biết cạn kiệt cát cũng sẽ dẫn đến “xói mòn bờ sông nhiều hơn và thủy triều lớn hơn dẫn đến nguy cơ lũ lụt và xói mòn lan rộng hơn”. WWF cảnh báo rằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và mối đe dọa từ mực nước biển tăng cao, tình trạng cạn kiệt cát là một mối đe dọa hiện hữu đối với Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng có vùng trũng thấp và biến đổi nhanh nhất thế giới với trữ lượng lên tới 550 triệu m3 cát có thể khai thác.
Nghiên cứu cho thấy chỉ có 4 triệu m3 cát chảy xuống Đồng bằng vào năm ngoái, giảm trung bình 7 triệu m3 so với mức trước đây. Tuy nhiên, lượng cát được khai thác mỗi năm có thể còn nhiều hơn so với nghiên cứu được báo cáo, vì nghiên cứu không tính toán khối lượng khai thác vào ban đêm, khi có nhiều tàu nạo vét hoạt động trái phép.
Vào tháng 8, một lãnh đạo tỉnh An Giang đã bị bắt vì nhận hối lộ 50.000 USD từ một công ty khai thác cát. Công ty Trung Hậu 68, đã khai thác hơn 4,7 triệu m3 cát mặc dù chỉ được cấp phép cho 1/3 số lượng này.
Các ngôi nhà và cơ sở kinh doanh của người dân trên khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long đã biến mất dưới biển do xói mòn bờ biển, một phần lý do là sự cạn kiệt cát. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cho biết có gần 800 điểm xói mòn, trải dài trên tổng số 1.134 km bờ biển và bờ sông ở đồng bằng sông Cửu Long, kể từ năm 2016.
Mỹ Châu (theo AFP)