Đông Anh vươn mình hướng tới đô thị

Huyện Đông Anh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) từ năm 2016, là một trong những địa phương tốp đầu trong xây dựng NTM của Hà Nội; phát huy kết quả đạt được, những năm qua huyện tập trung xây dựng huyện NTM nâng cao, kiểu mẫu gắn với đầu tư xây dựng huyện thành quận. Đông Anh phấn đấu đến năm 2025, 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; hiện, Đông Anh đang được xem xét để công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.

Nông thôn mới mang diện mạo đô thị

Với định hướng trở thành một quận của thủ đô, quá trình xây dựng NTM, huyện Đông Anh đã tập trung hoàn thiện các tiêu chí theo hướng tiệm cận với tiêu chí đô thị. Những năm qua, huyện đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, các công trình trường học, bệnh viện, trạm y tế được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Tổng nguồn lực huy động cho xây dựng NTM trên địa bàn huyện từ năm 2011 đến hết năm 2023 đạt khoảng 15.883 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện chú trọng phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp, các ngành nghề kinh doanh dịch vụ, thương mại, làng nghề để nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ đó, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.

Đông Hội là một trong những xã triển khai xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 và đã đạt chuẩn NTM năm 2014 (sớm hơn 1 năm so với kế hoạch). Với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân, xã đã tiếp tục đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2022. Đến nay, Đông Hội là một trong năm xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu của huyện Đông Anh. Diện mạo NTM mới mang hình hài đô thị đang dần hiện hữu rõ nét. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lương Văn Tú, những năm qua, địa phương chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt. Đến nay, nhiều công trình hạ tầng được hoàn thiện đã làm thay đổi diện mạo, điển hình như: đường giao thông, hạ tầng điện, trường học, trạm y tế đều đã được đầu tư đồng bộ; các công trình giao thông liên thôn, liên xã, các thiết chế văn hóa cơ sở, giáo dục cũng đều được tập trung toàn diện khi triển khai các tiêu chí dựa trên mục tiêu xây dựng NTM tiệm cận tiêu chí đô thị.

 Một góc nông thôn mới huyện Đông Anh. Ảnh: Huy Tuấn

Một góc nông thôn mới huyện Đông Anh. Ảnh: Huy Tuấn

Đặc biệt, tại xã Đông Hội hiện nay tất cả cấp trường đều đã đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, riêng trường THCS Ngô Quyền được định hướng chất lượng cao đã đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Song song với hệ thống cơ sở hạ tầng, xã Đông Hội còn tập trung phát triển các mô hình kinh tế, góp phần cải thiện đời sống cho nhân dân với mức thu nhập hiện đạt trên 80 triệu đồng/người/năm.

Tính đến hết quý III.2024, huyện Đông Anh đã có 23/23 xã đạt chuẩn NTM; 20/23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5/23 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, huyện đã đạt và cơ bản đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao và đang được Trung ương xem xét hồ sơ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện Đông Anh đang chỉ đạo, hướng dẫn các xã đầu tư, thực hiện các tiêu chí còn thiếu, đồng thời nâng cao các tiêu chí đã đạt; tập trung nguồn lực thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo bộ tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị, hướng đến mục tiêu xây dựng Đông Anh trở thành quận của thủ đô.

Không chỉ ở Đông Hội, diện mạo các xã trên địa bàn huyện Đông Anh đều có nhiều đổi thay tích cực với định hướng phát triển thành các phường trong tương lai. Đến nay, tỷ lệ chiếu sáng đô thị của huyện đạt hơn 95%, chiếu sáng nông thôn đạt 100%, hoàn thành tiêu chí chiếu sáng trong bộ tiêu chí đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận. Bên cạnh đó, toàn huyện đã triển khai tổng số 155 dự án trồng cây xanh và dự án thành phần có yếu tố cây xanh. Theo đó, tổng số cây trồng trên địa bàn huyện là 110.231 cây, đạt tỷ lệ 10,1m2 cây xanh/người. Đông Anh đã phát động và tổ chức tốt các phong trào thi đua; trong đó có phong trào “Tuyến đường nở hoa”, “Cổng nhà có hoa”, “Tường nhà có hoa”, “Điểm sinh hoạt cộng đồng xanh, sạch, đẹp và thân thiện với môi trường”. Những tuyến đường do các đoàn thể đảm nhiệm đã duy trì và phát huy được đoạn đường nở hoa, tuyến đường xanh, sạch, đẹp; các điểm sinh hoạt cộng đồng được chăm sóc trồng hoa, cây cảnh...

Huyện đã thực hiện xong nạo vét, kè ao, tách nước thải và trồng cây xanh đối với 92 ao hồ; đang thi công 71 ao hồ. Từ cải tạo các ao hồ đã tạo thêm điểm vui chơi, sinh hoạt cộng đồng, cảnh quan môi trường được cải thiện, ngày càng văn minh, hiện đại, góp phần từng bước nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng, cải tạo gần 800km đường trục xã, thôn, ngõ xóm và đường trục nội đồng; xây dựng, cải tạo 117 nhà văn hóa thôn; xây mới 8 trung tâm văn hóa xã. Đông Anh cũng đã hỗ trợ cải tạo, xây dựng hơn 1.000 nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo… với tổng kinh phí 53,4 tỷ đồng… Từ năm 2020, trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo.

Sức mạnh từ đoàn kết, sáng tạo

Những thành quả đạt được trong quá trình xây dựng NTM của huyện Đông Anh trong suốt thời gian qua xuất phát từ sự quyết tâm, quyết liệt trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ với những cách làm bài bản, sáng tạo; theo đó, Đông Anh đã chủ động nghiên cứu, kịp thời xây dựng các chương trình phát triển với lộ trình, cách làm phù hợp, sáng tạo. Đặc biệt, đã ban hành Bộ tiêu chí hợp nhất để đầu tư xây dựng huyện thành quận và huyện NTM nâng cao. Trong đó, huyện lấy tiêu chí cao nhất trong các bộ tiêu chí xây dựng quận, xây dựng NTM nâng cao để thực hiện.

Nổi bật trong những cách làm sáng tạo của huyện là Huyện ủy đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề: “Quyết tâm, phấn đấu hoàn thành “5 có 3 không” tại các thôn làng, tổ dân phố trên địa bàn huyện trong năm 2022” và “Quyết tâm thực hiện “5 có 3 không” và hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Đông Anh năm 2023 và các năm tiếp theo”. Cụ thể “5 có” đó là: có quy hoạch; có nhà văn hóa; có sân bóng đá; có công viên mini, các điểm sinh hoạt cộng đồng và có quy chế quản lý, sử dụng bảo đảm đạt hiệu quả; có điểm đỗ xe kết hợp trồng cây xanh. Còn “3 không”, đó là: không vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng và trật tự văn minh đô thị; không ô nhiễm môi trường về nước thải, khí thải, rác thải; không có hộ nghèo.

Bên cạnh những cách làm sáng tạo của cấp ủy, chính quyền, tinh thần đoàn kết là một trong những yếu tố quan trọng tạo sức mạnh nội sinh để Đông Anh hướng tới mục tiêu trở thành quận trong tương lai không xa. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đặng Minh Thắng, giai đoạn 2019 - 2024, MTTQ các cấp từ huyện đến cơ sở tại địa bàn đã tích cực triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”. Trong 5 năm qua, toàn huyện đã huy động hơn 17,1 tỷ đồng từ các nguồn lực để xây dựng NTM, trong đó người dân ủng hộ trên 2 tỷ đồng, hiến 15.514m2 đất, đóng góp 11.188 ngày công để xây dựng công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh.

Hiện nay, huyện Đông Anh đang được các cấp có thẩm quyền xem xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Theo đó, Ủy ban MTTQ các cấp của huyện Đông Anh đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân để giữ vững, duy trì và nâng các chỉ tiêu, tiêu chí về NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu làm căn cứ để các cấp có thẩm quyền xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Đây là điều kiện quan trọng để Đông Anh tiếp tục vươn mình trở thành một quận của thủ đô.

(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội)

Đào Cảnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dong-anh-vuon-minh-huong-toi-do-thi-post397351.html
Zalo