Đông Anh: 'Sợi dây' kết nối từ lễ hội truyền thống

Lễ hội truyền thống không chỉ là 'hồn cốt' của đời sống văn hóa người dân Đông Anh, mà còn là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa di sản và phát triển.

Lễ hội là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của con người. Đó không chỉ là kết tinh “hồn cốt” của sinh hoạt văn hóa trong đời sống làng xã, mà còn là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa di sản và phát triển.

Là một vùng văn hóa với bề dày lịch sử lâu dài, Đông Anh ngày nay còn lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, phản ánh sự phong phú và đa dạng trong thiết chế văn hóa của cư dân nông nghiệp cũng như chiều sâu của đời sống văn hóa tâm linh.

Theo thống kê, hiện Đông Anh còn tới 93 lễ hội, hầu khắp các xã của huyện đều có lễ hội, có những lễ hội lớn mang tính chất vùng. Tính chất "dày đặc" ấy phản ánh một nền văn hóa có chiều sâu, có sự bảo lưu và truyền nối mạnh mẽ qua các thế hệ.

Các lễ hội có sự phân bố khác nhau ở các vùng trong huyện, phản ánh quy mô của các thôn làng trong một xã, đồng thời cho thấy sự trù mật của các thôn làng truyền thống cùng các di tích của làng đó. Sự phân bố này cũng thể hiện các vùng lễ hội truyền thống trước kia ở Đông Anh, đến nay vẫn còn được bảo lưu như: vùng Nhội - Râm (xã Thụy Lâm), vùng Cổ Loa với "bát xã hộ nhi", vùng Cối Giang (xã Đông Hội, xã Mai Lâm), vùng Kẻ Dộc (xã Dục Tú). Các không gian phân bố lễ hội cho thấy tính chất đậm sâu trong văn hóa của từng khu vực thuộc huyện Đông Anh.

Lễ rước vua giả tại đền Sái, làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Lễ rước vua giả tại đền Sái, làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Phần lớn lễ hội ở Đông Anh là lễ hội lịch sử phản ánh công trạng của các vị thần trong cuộc kháng chiến chống xâm lăng, đặc biệt trong thời kỳ Hùng Vương, An Dương Vương và cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Nhiều huyền tích chiến thắng của các vị thần được tái hiện trong các lễ hội như cách để tôn vinh lòng yêu nước, sức sồng bền bỉ của tinh thần quật khởi trong các cuộc chống ngoại xâm. Như hội làng Xuân Nộn (xã Xuân Nộn) diễn lại tích kéo rắn miêu tả sự giúp sức của thần linh cho Vũ Định Đại Vương, một vị tướng cuối thời Hùng Vương, chống giặc phương Bắc. Lễ hội làng Bầu (xã Kim Chung) có hoạt động đóng thuyền rước Tiên Chúa nhắc nhớ về truyền thuyết xưa khi công chúa Tiên Dung - con gái Vua Hùng thường đi dạo chơi trên sông. Hội làng Thụy Hà (xã Bắc Hồng) tái hiện chiến công của thần Cao Sơn trên cánh đồng Rộc qua nghi lễ “rước đám rậm” - một hình thức diễn xướng dân gian đặc sắc với các cảnh đánh giặc theo truyền thuyết. Lễ hội đền Sái (xã Thụy Lâm) rước kiệu An Dương Vương và Thanh Giang sứ phản ánh huyền tích xây dựng thành Cổ Loa với biết bao gian nan, vất vả và cuối cùng cũng hoàn thành nhờ vào sự giúp đỡ diệt trừ yêu quái phá thành của vị thần. Đặc biệt là lễ hội Cổ Loa là một lễ hội lớn ở kinh đô của An Dương Vương xưa cũng thể hiện dấu ấn lịch sử về thời đại này, trong lễ rước kiệu về Đền Thượng thờ vua có sự tham gia của “bát xã hộ nhi” phản ánh sự liên kết giữa các làng với huyền tích An Dương Vương dời đô về đây, dựng nên tám làng đầu tiên của vùng kinh đô.

Lễ hội gieo cầu làng Viên Nội, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Lễ hội gieo cầu làng Viên Nội, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Bên cạnh các tích truyện, huyền tích được diễn trong lễ hội liên quan đến lịch sử, có thể nhận ra những tính chất của lễ hội nông nghiệp hay liên quan đến nông nghiệp trong các lễ hội truyền thống ở Đông Anh. Như trong hội làng Lương Quy (xã Xuân Nộn) có các trò chơi dân gian như thi thổi cơm, thi bổ cau têm trầu, kéo nước, xay thóc, giã gạo, kéo lửa để nấu cơm đều liên quan đến đời sống thôn làng với nghi thức của nông nghiệp, nông thôn. Lễ hội Rước mã ở làng Quan Âm (xã Bắc Hồng), còn gọi là lễ Cầu mát, cũng mang tính chất cầu mùa vụ, cầu mưa thuận gió hòa cho công việc nhà nông. Hội làng Xuân Trạch (xã Xuân Canh) có nghi thức rước nước từ ngã ba sông Hồng - sông Đuống với lời cầu mong mùa màng bội thu. Những câu chuyện về các nghi lễ trên tồn tại từ lâu trong ký ức của người dân cho thấy tính chất sâu sắc trong đời sống văn hóa tâm linh của cư dân nông nghiệp.

Bên cạnh đó, lễ hội truyền thống ở Đông Anh có nhiều hình thức diễn xướng dân gian độc đáo. Hội đình Đường Yên có tục kén rể diễn lại toàn cảnh thánh bà thử tài các chàng trai để kén rể cho con gái với nhiều màn thử tài sôi động, hấp dẫn, thu hút hàng trăm lượt người tham dự. Hội đền Sái với tục rước vua giả, được xem là một trong những lễ hội độc đáo nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ. Kiệu chúa được con cháu tung hô “ông chúa Trò”, màn ướm gươm tức chém tinh gà trắng ở sau đền Thượng rồi rước vua về dinh với màn diễn tích gọi cửa khi vào thành - đây là màn diễn xướng dân gian độc đáo ở vùng cố đô. Đặc biệt, nhiều lễ hội còn duy trì tục kết chạ, đây là truyền thống bao đời của cư dân nông nghiệp từ khi hình thành làng xã. Tục kết chạ thể hiện sự đoàn kết tương trợ, tương thân, tương ái. Hai làng kết chạ cùng suy tôn làng bên là anh, nhận mình là em, không phân biệt ngôi thứ, tuổi tác, khi anh khó khăn thì em hỗ trợ (chủ yếu về canh nông, thủy lợi).

Lễ hội là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của con người.

Lễ hội là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của con người.

Cũng như nhiều địa phương khác, gắn đặc thù phát triển, việc tổ chức lễ hội tôn vinh tổ nghề ở một số làng cũng được tổ chức rất đặc sắc. Tại làng Thiết Úng, xã Vân Hà thờ tổ nghề chạm khắc là Lỗ Ban, hàng năm mở hội với cuộc thi khéo tay nghề, dòng họ nào được giải thì năm đó làm ăn phát đạt, thịnh vượng, quan trọng hơn cả là giáo dục cho thế hệ trẻ biết ơn tổ tiên sinh thành đã ban cho làng một nghề mà không phải nơi nào cũng có.

Lễ hội truyền thống không chỉ là “hồn cốt” của đời sống văn hóa người dân Đông Anh, mà còn là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa di sản và phát triển. Mỗi nghi lễ, mỗi tích trò đều mang trong mình một tầng sâu văn hóa. Cũng từ những lễ hội ấy, Đông Anh đang có một lợi thế vàng để phát triển công nghiệp văn hóa - lĩnh vực đang được xem là một trong những động lực tăng trưởng mới của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, nhất là khi du lịch tâm linh đã và đang trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Do vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị lễ hội ở Đông Anh đang trở nên ngày càng quan trọng, trong đó việc tổ chức lễ hội một cách quy mô, an toàn, trật tự, văn minh và tôn vinh di sản là rất cần thiết. Trong những năm qua, huyện Đông Anh đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống, đồng thời thích ứng với xu hướng phát triển hiện đại.

Mỗi nghi lễ, mỗi tích trò đều mang trong mình một tầng sâu văn hóa.

Mỗi nghi lễ, mỗi tích trò đều mang trong mình một tầng sâu văn hóa.

Đông Anh xác định mục tiêu từng bước xây dựng mô hình “Lễ hội truyền thống - đậm đà bản sắc - thích ứng thời đại”, tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt, góp phần xây dựng Đông Anh trở thành đô thị thông minh, văn minh, giàu bản sắc trong tương lai gần.

Phát triển công nghiệp văn hóa từ lễ hội không có nghĩa là “thương mại hóa” di sản, mà là tổ chức lại, khai thác đúng cách - để giá trị được lan tỏa, để di sản trở thành tài sản chung, để văn hóa truyền thống không chỉ là ký ức mà là nguồn lực phát triển.

Mạnh Quốc - Hữu Thắng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dong-anh-soi-day-ket-noi-tu-le-hoi-truyen-thong-204250525184000769.htm
Zalo