Donald Trump không loại trừ khả năng dùng vũ lực để chiếm Kênh đào Panama và Greenland

Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đã từ chối loại trừ khả năng sử dụng hành động quân sự hoặc kinh tế để theo đuổi việc mua lại Kênh đào Panama và Greenland, một phần trong chương trình nghị sự mà ông đã thúc đẩy kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 5/11/2024.

Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu tại Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida, ngày 7/1/2025. Ảnh: Reuters.

Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu tại Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida, ngày 7/1/2025. Ảnh: Reuters.

Donald Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1, cũng đã đưa ra ý tưởng biến Canada thành một tiểu bang của Hoa Kỳ, đồng thời cho biết ông sẽ yêu cầu các đồng minh NATO chi tiêu quốc phòng cao hơn và hứa sẽ đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Hoa Kỳ.

Chỉ còn hai tuần nữa là nhậm chức, Donald Trump đã bắt đầu vạch ra một chính sách đối ngoại quyết liệt mà ít quan tâm đến các cân nhắc ngoại giao hoặc mối quan ngại của các đồng minh.

Khi được hỏi tại một cuộc họp báo ở khu nghỉ dưỡng của mình tại Florida liệu ông có thể đảm bảo với thế giới rằng ông sẽ không sử dụng biện pháp quân sự hoặc kinh tế khi cố gắng giành quyền kiểm soát Kênh đào Panama và Greenland hay không, Trump trả lời, "Không, tôi không thể đảm bảo với các bạn về bất kỳ điều nào trong hai điều đó. Nhưng tôi có thể nói rằng, chúng ta cần chúng vì an ninh và kinh tế."

Donald Trump chỉ trích việc Hoa Kỳ chi tiêu và hỗ trợ quân sự cho Canada, nói rằng Hoa Kỳ không được hưởng lợi gì khi làm như vậy và gọi biên giới giữa hai nước là “ranh giới được vẽ một cách giả tạo”.

Ông cho biết sẽ áp thuế đối với Đan Mạch nếu nước này từ chối lời đề nghị mua Greenland, điều mà ông cho là rất quan trọng đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Ngay trước bình luận của Trump, con trai ông là Don Jr. đã đến thăm Greenland. Tuy nhiên Đan Mạch tuyên bố Greenland, một vùng đất tự quản của vương quốc này, không phải để bán.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen phát biểu đáp lại những bình luận của Trump: “Tôi không nghĩ rằng việc đấu tranh với nhau bằng phương tiện tài chính là một cách hay khi chúng ta là đồng minh và đối tác thân thiết”.

Bộ trưởng Ngoại giao Canada, Melanie Joly, phát biểu trên X, "Những bình luận của Tổng thống đắc cử Trump cho thấy sự thiếu hiểu biết về những gì làm nên một quốc gia hùng mạnh Canada. Nền kinh tế của chúng ta mạnh mẽ. Người dân của chúng ta mạnh mẽ. Chúng ta sẽ không bao giờ lùi bước trước các mối đe dọa."

Nhà ngoại giao hàng đầu của Panama cũng phản đối lời đe dọa của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ về việc chiếm lại tuyến đường thủy quan trọng toàn cầu mà Hoa Kỳ đã xây dựng và sở hữu trước khi trao quyền kiểm soát cho quốc gia Trung Mỹ này vào năm 1999.

“Những bàn tay duy nhất kiểm soát kênh đào là người Panama và mọi việc sẽ tiếp tục như vậy”, Bộ trưởng Ngoại giao Javier Martinez-Acha trả lời các phóng viên.

Bộ trưởng Kinh tế Mexico Marcelo Ebrard, người được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề thương mại đang nổi lên giữa Hoa Kỳ và Mexico, cũng đã bác bỏ lời kêu gọi đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Hoa Kỳ của Trump.

“Hôm nay tôi có thể nói với các bạn rằng nếu chúng ta gặp lại nhau sau 30 năm nữa, Vịnh Mexico vẫn sẽ được gọi là Vịnh Mexico”, ông nói và cho biết thêm chính phủ Mexico sẽ không bị lôi kéo vào cuộc tranh luận này.

Đại sứ Daniel Fried, một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã nghỉ hưu hiện làm việc cho nhóm nghiên cứu Atlantic Council, cho biết những bình luận của Trump đã vẽ nên bức tranh về sức mạnh quốc gia như sự bành trướng lãnh thổ và so sánh ông với “đế quốc thế kỷ 19”.

TD (Reuters)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/donald-trump-khong-loai-tru-kha-nang-dung-vu-luc-de-chiem-kenh-dao-panama-va-greenland-236233.htm
Zalo