Đơn vị thi công ẩu tại metro số 2 đang kinh doanh ra sao?

Trúng liên tiếp cả 3 gói thầu thuộc metro số 2 nhưng Công ty cổ phần Công trình Giao thông công chánh lại có tình hình tài chính không mấy khả quan.

Liên tiếp trúng thầu tại metro số 2

Tình trạng thi công mất an toàn tại dự án metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) khiến dư luận băn khoăn trong khi nhà thầu vi phạm đang đảm nhận nhiều hạng mục tại dự án này.

Theo đó, Công ty cổ phần Công trình Giao thông công chánh (Giao thông công chánh) thắng thầu liên tiếp cả 3 gói với tổng giá trị hơn 380 tỷ đồng.

Tại gói thầu XLCN2 thi công di dời tái lập công trình cấp nước từ ga S7 đến ga S11 metro số 2, Giao thông công chánh đấu với 3 nhà thầu khác gồm: Liên danh Giao thông Sài Gòn - Minh Thông, Xây dựng số 5, Liên danh Viwaincon.

Gói thầu này, Giao thông Công chánh trúng thầu với giá hơn 102 tỷ đồng.

Khu vực giao lộ Trường Chinh - Trương Công Định, nơi nhà thầu Giao thông công chánh thi công gây mất an toàn giao thông.

Khu vực giao lộ Trường Chinh - Trương Công Định, nơi nhà thầu Giao thông công chánh thi công gây mất an toàn giao thông.

Tại gói thầu XLTN1 thi công di dời tái lập công trình thoát nước, biển báo, chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông từ đoạn đào hở Bến Thành đến ga S6 metro số 2, liên danh Giao thông 236 - Giao thông công chánh đấu với 2 nhà thầu gồm: Giao thông Sài Gòn – 873, Hancorp 5 – Bạch Đằng. Giao thông 236 - Giao thông công chánh sau đó trúng thầu với giá hơn 137 tỷ đồng.

Tại gói thầu XLTN2 thi công di dời tái lập công trình thoát nước, biển báo, chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông từ ga S7 đến ga S11 metro số 2, Giao thông công chánh trúng thầu với giá gần 143 tỷ đồng.

Trong cả 3 gói thầu trên, bên lập hồ sơ mời thầu thay chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Nhất Nguyên. Đây là đơn vị đã tham gia tư vấn hàng nghìn gói thầu của các chủ đầu tư, các Ban QLDA tại TP.HCM.

Tình hình tài chính kém khả quan

Tại gói thầu XLCN2 Giao thông công chánh đã trúng ở dự án metro số 2, nhà thầu thực hiện việc di dời và tái lập các hạng mục cấp nước.

Hạng mục này vốn dĩ là hạ tầng phục vụ kinh doanh nước, ngành nghề chiếm hơn 90% tỷ trọng hoạt động của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco).

Công ty Giao thông công chánh đồng thời cũng chính là công ty liên kết của Sawaco do "vua" ngành nước là cổ đông nắm giữ 25% vốn.

Hai cổ đông lớn khác rót vốn đầu tư vào Giao thông công chánh còn có ông L.H.H góp 31%, ông H.L.M góp 28%. Ông H là thành viên HĐQT công ty cổ phần cấp nước Chợ Lớn. Ông M là thành viên HĐQT cấp nước Trung An.

Các công ty cấp nước này đều là công ty con do Sawaco nắm giữ vốn, tại cấp nước Chợ Lớn là 51% và cấp nước Trung An là 65%.

Đồ họa tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Đồ họa tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Quá trình rót vốn sở hữu chéo sau giai đoạn cổ phần hóa đã giúp Sawaco tối ưu hóa nguồn lực của các công ty thành viên và tìm kiếm nguồn lợi nhiều hơn từ các công ty liên kết.

Nhưng tại Giao thông công chánh, tiền vốn của Sawaco chỉ đạt được lợi nhuận mỏng manh.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 2023 của Giao thông công chánh, nhà thầu này đạt doanh thu thuần xấp xỉ 587,5 tỷ đồng.

Dù vậy, giá vốn hàng bán lên đến hơn 568 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp chỉ còn hơn 19,3 tỷ đồng.

Từ đó, Giao thông công chánh có doanh thu lớn nhưng nộp thuế chỉ khoảng 2,9 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán luôn ở mức cao cũng là hiện tượng đã xảy ra nhiều lần trong các năm tài chính trước đó của doanh nghiệp này dẫn đến lợi nhuận teo tóp trước khi nộp thuế.

Nợ phải trả của Giao thông công chánh đến cuối năm 2023 lên đến hơn 872 tỷ đồng, lớn gấp 3,1 lần vốn góp của chủ sở hữu khiến nhà thầu này tiếp tục phải duy trì đòn bẩy tài chính thường xuyên bằng các khoản vay ngắn hạn với tổng hạn mức tín dụng lên đến hơn 1.000 tỷ đồng từ 4 ngân hàng.

Trong đó, tài sản đảm bảo cho các khoản vay phần lớn là quyền đòi nợ và quyền tài sản phát sinh, quyền được nhận thanh toán từ giá trị sản lượng thi công dở dang cùng với các hợp đồng tiền gửi.

Theo tỷ lệ góp vốn cuối năm tài chính 2023, khoản đầu tư trị giá hơn 67 tỷ đồng của Sawaco tại Giao thông công chánh được chia lợi nhuận vỏn vẹn hơn 2,1 tỷ đồng.

Tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt xấp xỉ 3,2%/năm, thấp hơn cả mức thấp nhất của lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng tại các ngân hàng.

Dù hoạt động đầu tư của Sawaco vào công ty liên kết "gian nan" như thế nhưng trùng hợp thay Giao thông công chánh lại có ưu thế để trúng thầu di dời chính hạng mục hạ tầng mà Sawaco đang khai thác.

Đã chấn chỉnh nhà thầu Giao thông công chánh

Trả lời PV Báo Giao thông, ông Vũ Văn Vịnh, Giám đốc dự án metro số 2 cho biết, ngay sau khi Báo Giao thông phản ánh, chủ đầu tư và tư vấn giám sát đã yêu cầu nhà thầu chấn chỉnh, khắc phục ngay trong đêm 31/7.

Trước đó, nhiều người dân phản ánh đến Báo Giao thông về tình trạng nhà thầu thi công không đảm bảo an toàn giao thông, tập kết vật tư và thiết bị lấn chiếm khu vực công cộng, không hề có biển cảnh báo nguy hiểm nào.

Theo Thanh tra Sở GTVT, vị trí vi phạm thuộc dự án do Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư, giấy phép thi công số 2570/GP-SGTVT cấp ngày 4/6/2024. Công ty Giao thông công chánh là nhà thầu tham gia cả 3 gói thầu thuộc dự án metro số 2.

Dự án metro số 2 có tổng mức đầu tư gần 47.900 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA và vốn đối ứng ngân sách.

Minh Quang

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/don-vi-thi-cong-au-tai-metro-so-2-dang-kinh-doanh-ra-sao-192240802175315039.htm
Zalo