Đơn vị cắm cờ trên nóc Bộ tổng tham mưu ngụy
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 (nay là Quân đoàn 34) tung bay trên nóc nhà Bộ tổng tham ngụy. Đây là niềm tự hào và động lực tinh thần to lớn để cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn hôm nay phát huy xây dựng đơn vị tinh-gọn-mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Đến Trung đoàn 28 trong những ngày tháng Tư lịch sử này, chúng tôi cảm nhận được không khí phấn khởi và quyết tâm thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025). Theo Thượng tá Lương Trí Thành, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 28, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 28 luôn tự hào về truyền thống chiến đấu kiên cường, bất khuất của đơn vị.

Thiếu tướng Trần Công Đức, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 34 (thứ hai, từ trái sang) kiểm tra công tác chuẩn bị huấn luyện của Trung đoàn 28.
Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn 28 được Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 giao nhiệm vụ thọc sâu chiến dịch, dùng lực lượng binh chủng hợp thành mạnh, cơ động cao đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó cùng đơn vị bạn phát triển đánh chiếm Bộ tổng tham mưu ngụy.

Chiến sĩ Trung đoàn 28 chuẩn bị cơ động thực hiện nhiệm vụ theo phương án sẵn sàng chiến đấu.
Nhiệm vụ rất nặng nề và khó khăn, nhưng với quyết tâm, khí thế “một ngày bằng 20 năm”, từ ngày 26 đến 28-4-1975, hội nghị Đảng ủy Trung đoàn và hội nghị quân chính đã quán triệt sâu sắc phương châm, tư tưởng chỉ đạo tác chiến "Mạnh bạo, chắc thắng, đánh mạnh, nắm vững thời cơ, thọc sâu, phát triển nhanh, đánh hiểm, đánh trúng, dứt điểm nhanh”. Tổ chức đội hình tiến công hành tiến thọc sâu thành hai khối cơ động đột kích mạnh binh chủng hợp thành và lực lượng dự bị, hỏa lực. Đúng 6 giờ 30 phút ngày 29-4-1975, Trung đoàn 28 được lệnh xuất kích thực hiện nhiệm vụ.
Trải qua hơn 26 giờ đồng hồ, đúng 11 giờ 30 phút, khoảnh khắc lịch sử mãi in đậm trong ký ức của mỗi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn - lá cờ chiến thắng của Trung đoàn được các chiến sĩ Đại đội 10 anh hùng cắm lên tầng cao nhất của tòa nhà Bộ tổng tham mưu ngụy. Sau đó, bộ đội tỏa đi chiếm giữ các tòa nhà và các mục tiêu, thu gậy chỉ huy, giấy thông hành, lon "trung tướng" và con dấu "tổng thống" của Nguyễn Văn Thiệu, thanh kiếm chỉ huy của Cao Văn Viên, cùng toàn bộ tài liệu quan trọng của bộ máy chỉ huy quân sự đầu não địch.

Chiến sĩ mới Trung đoàn 28 thi đua huấn luyện giỏi.
“Sau chiến dịch, Trung đoàn 28 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì. Trung đoàn đã góp phần xứng đáng vào thành tích “đặc biệt xuất sắc” của Sư đoàn 10 và Quân đoàn 3 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Chỉ hơn 6 tháng sau đó, ngày 15-1-1976, Trung đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong Trung đoàn, có Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 3 và Đại đội 10 cũng được tuyên dương danh hiệu cao quý này”, Thượng tá Lương Trí Thành cho hay.

Chiến sĩ Trung đoàn 28 thực hiện chế độ bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật.
Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan đơn vị, Thượng tá Nguyễn Trọng Thắng, Phó bí thư Đảng ủy, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 vừa chia sẻ, phát huy truyền thống anh hùng, trong những năm qua, Trung đoàn 28 đã có nhiều chủ trương, giải pháp, mô hình, cách làm hay để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của đơn vị. Từ năm 2020 đến năm 2025, Trung đoàn đã đầu tư gần 3,8 tỷ đồng cho huấn luyện. Đơn vị đã có 153 sáng kiến, cải tiến phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, giáo dục chính trị được công nhận.
Kết quả kiểm tra các nội dung hằng năm có 99,92% đạt yêu cầu trở lên, trong đó có hơn 82% khá, giỏi; 2 đại đội huấn luyện chiến sĩ mới đạt “3 nổ” giỏi. Triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu và đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, như: “Chi bộ 4 tốt”; “Đôi bạn cùng tiến”; “Một kèm một”; “Giờ học thực hành”; “Chi đoàn không có đoàn viên vi phạm kỷ luật”; “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”; gắn thực hiện Phong trào Thi đua Quyết thắng với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới, tạo sự chuyển biến đồng bộ, vững chắc trên các mặt công tác.

Chiến sĩ Trung đoàn 28 giúp nhân dân xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xây nhà.
Gắn bó với đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum, Trung đoàn 28 đã thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác”, thực hiện công tác dân vận bằng nhiều hình thức, mô hình mới, phong phú, sáng tạo, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đấu tranh xóa bỏ tà đạo Hà Mòn, các hủ tục lạc hậu, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Huy động nhiều nguồn lực giúp nhân dân xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, xóa nhà tạm, nhà dột nát. 5 năm qua, 100% cơ quan, đơn vị của Trung đoàn đạt tiêu chuẩn “Đơn vị dân vận tốt”; giúp nhân dân sửa chữa 46,5km đường giao thông liên thôn; nạo vét 16,7km kênh mương nội đồng; trao hơn 2.520 bộ quần áo và hàng trăm suất quà tặng nhân dân.
Qua lời kể của lãnh đạo Trung đoàn 28 và được tận mắt thấy đơn vị khang trang, chính quy, những gương mặt rám nắng, sáng ngời niềm tự hào và không khí huấn luyện sôi nổi trên thao trường, nghe tiếng hô điều lệnh dõng dạc của chiến sĩ mới, chúng tôi biết, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 28 hôm nay đang viết tiếp lịch sử hào hùng của đơn vị cắm cờ trên nóc Bộ tổng tham mưu ngụy, lập nhiều thành tích, chiến công mới.