Dồn sức thực hiện chủ trương lớn
Thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, đến năm 2025, Cà Mau đang tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, mục tiêu của đề án, nhằm tạo đồng thuận xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm trong chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, 'không để ai bị bỏ lại phía sau'.
Từ chủ trương lớn...
Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở, nhất là nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực nông thôn.
Cụ thể như Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013, thực hiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa tổng số 5.765 căn, đạt 99,4% so với kế hoạch; Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015, thực hiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa tổng số 2.369 căn, đạt 53,1% so với kế hoạch.
Sau khi chính sách hỗ trợ nhà ở nêu trên hết hiệu lực, thực tế ở các địa phương vẫn còn đối tượng chính sách, đối tượng hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Do đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh, bằng nhiều giải pháp tiếp tục hỗ trợ nhà ở cho các hộ còn khó khăn. Kết quả, từ năm 2020-2023 hỗ trợ xây mới, sửa chữa được 2.747 căn, với tổng kinh phí 114,5 tỷ đồng.
Các chính sách trên giúp 7.175 hộ người có công và 3.706 hộ nghèo, cận nghèo có chỗ ở ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đạt được kết quả này là nhờ sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, địa phương, sự tham gia tích cực, rộng rãi của các tổ chức, cá nhân và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh còn 4.400 hộ đang khó khăn về nhà ở (bao gồm các đối tượng người có công, hộ thuộc các chương trình mục tiêu, hộ nghèo, hộ cận nghèo) cần được hỗ trợ để cải thiện nhà ở, đảm bảo an toàn, ổn định để “an cư, lạc nghiệp”, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
“Quan điểm của tỉnh là quán triệt phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, Nhân dân làm chủ”; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ sản phẩm. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố phải quyết tâm và xác định việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo là nhiệm vụ chính trị, trong đó chính quyền địa phương các cấp là đơn vị quyết định sự thành công của chương trình”, ông Lê Thanh Triều, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, chia sẻ.
... Đến việc cụ thể hóa
Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Cà Mau vừa qua, cùng tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, đồng chí Tổng bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo bộ, ngành Trung ương hỗ trợ xã Đất Mũi xóa toàn bộ nhà tạm, dột nát trên địa bàn. Từ đây, Đất Mũi sẽ là xã đầu tiên của tỉnh xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đây là động lực để các địa phương khác trong tỉnh nhân rộng, tạo phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Theo kế hoạch của tỉnh, phấn đấu đến tháng 8/2025, hoàn thành xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ; nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Nguyên tắc là hỗ trợ trực tiếp để hộ gia đình tự tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà ở. Công khai, minh bạch, tránh thất thoát, bảo đảm việc hỗ trợ đúng đối tượng, phân bổ công bằng và hợp lý nguồn vốn hỗ trợ. Thực hiện phương châm Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để bảo đảm “3 cứng” theo quy định.
Ông Phạm Thành Ngại, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Với nhiệm vụ ý nghĩa này, đề nghị Ủy ban MTTQ, hội, đoàn thể các cấp cùng vào cuộc, để giảm tối đa chi phí xây dựng, góp thêm ngày công để nâng cao chất lượng công trình. Hiện nay, sau khi Sở Xây dựng trình qua mẫu nhà ở, UBND tỉnh đã chỉ đạo điều chỉnh. Theo đó, tiêu chí nhà phải đảm bảo “4 cứng”, cụ thể là thêm nội dung phải có nhà vệ sinh. Theo đó, với kế hoạch 4.400 căn nhà thì cần thêm hơn 20 tỷ đồng để có căn nhà đúng chuẩn; với một tiêu chí “cứng” nữa sẽ góp phần vào công tác xóa nhà vệ sinh không đủ chuẩn, góp phần vào nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao như hiện nay”.
Tổng số nhà cần hỗ trợ là 4.400 căn, trong đó xây mới 3.463 căn, sửa chữa 937 căn. Về định mức hỗ trợ, với xây mới là 60 triệu đồng/căn, sửa chữa là 30 triệu đồng/căn; mức hỗ trợ xây mới, sửa chữa này chưa tính nguồn hỗ trợ từ dòng họ, cộng đồng. Tổng nguồn vốn thực hiện là hơn 235,8 tỷ đồng.
Đối với các hộ thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, vận động thêm nguồn lực xã hội hóa để bảo đảm bằng mức trên; không bổ sung mức hỗ trợ đối với các hộ đã hoàn thành xây mới, sửa chữa nhà ở trước khi Đề án này được ban hành.
Nhiều giải pháp được tỉnh đề ra để thực hiện đạt mục tiêu nói trên. Trong đó, tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân trong và ngoài tỉnh ủng hộ nguồn lực thực hiện chương trình; kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tích cực tham gia hỗ trợ; biểu dương những hộ có ý chí, tự lực vươn lên. Phát huy vai trò đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện hiệu quả chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Huy động nhiều nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, quỹ Đền ơn đáp nghĩa, quỹ Vì người nghèo, xã hội hóa và các nguồn vận động hợp pháp khác. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng quỹ Vì người nghèo, quỹ Đền ơn đáp nghĩa và thực hiện, đảm bảo chính sách đến từng đối tượng được hỗ trợ nhà ở; không để xảy ra thất thoát, tiêu cực, đảm bảo các hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở đạt chất lượng theo quy định sau khi được hỗ trợ. Tăng cường vai trò, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên ngay từ khâu lập danh sách, xây dựng nhà ở cho các đối tượng thụ hưởng đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu đề ra.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan Thường trực Đề án) có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, theo dõi tiến độ thực hiện Đề án, tham mưu huy động quỹ Đền ơn đáp nghĩa và phân bổ hỗ trợ các địa phương theo quy định. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu trình ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh theo quy định. Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án.
Cả hệ thống chính trị của tỉnh đang dồn sức thực hiện hiệu quả chủ trương lớn, thiết thực, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của Nhân dân, tạo cú huých cho công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương./.