Dồn sức khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai
Những năm gần đây, tỉnh ta chịu ảnh hưởng nặng nề của các loại hình thiên tai, gây thiệt hại rất lớn về sản xuất, nhà ở, các công trình và cả con người. Do vậy, công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng và đặt lên hàng đầu.
Your browser does not support the audio element.
Song, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, không theo quy luật với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm xảy ra bất chợt, trong khoảng thời gian ngắn. Do vậy, trong 6 tháng đầu năm nay, hầu hết các địa phương đã gánh chịu thiệt hại của thiên tai, chủ yếu do dông, lốc, gió giật mạnh kèm theo mưa đá diện rộng. Theo số liệu tổng hợp, toàn tỉnh đã có khoảng 195 ha lúa; 207 ha mía; 141 ha cây ăn quả có múi; trên 1.000 ha ngô và hoa màu bị gãy đổ, dập nát; 110 ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại nặng từ 30 - 50%; gần 83 ha rừng hiện có, 30 ha keo thiệt hại, nhiều diện tích bị thiệt hại nặng đến rất nặng; 714 cây xanh bóng mát bị gãy đổ. Ngoài ra, còn có 120 vật nuôi bị chết do sét đánh. Về nhà ở cũng chịu thiệt hại nặng nề. Cụ thể, đã có gần 2.700 ngôi nhà bị tốc mái, thủng mái; 25 công trình phụ bị tốc mái. Mưa lớn bất thường kèm theo mưa đá, dông lốc đã gây sụt lún, sạt lở tại quốc lộ 6, một số tuyến đường ở vùng cao và làm hư hỏng các công trình về điện, giáo dục, văn hóa, thủy lợi. Tổng giá trị thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, dông lốc đã làm 1 người chết, 2 người bị thương nặng tại xóm Bưng 1, xã Thu Phong (Cao Phong) do tốc mái tôn bay vào người; 1 người ở xóm Hồi Trám, xã Hùng Sơn (Kim Bôi) bị thương do gió mạnh đập vỡ kính cửa sổ, mành kính đâm vào mắt...
Theo đồng chí Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ngay sau khi có thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã chỉ đạo thành viên các tổ công tác phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, đánh giá tình hình tại các địa phương; đồng thời chỉ đạo triển khai phương án khắc phục theo phương châm "4 tại chỗ”. Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh bám sát địa bàn, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị trong công tác ứng phó, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Nhất là sát sao chỉ đạo các cấp, ngành kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình có người thiệt mạng, bị thương và các hộ hư hỏng nhà cửa để nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương xảy ra thiên tai đã chủ động huy động lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả; cắm biển cảnh báo, chăng dây khu vực nguy hiểm, điểm sạt lở. Có giải pháp tạm thời khắc phục những điểm sạt lở trên các tuyến đường để đảm bảo lưu thông, có phương án sơ tán, di chuyển người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm...
Trước những thiệt hại nặng nề của tỉnh, Ban chỉ đạo T.Ư về PCTT đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật bị hư hỏng do mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất gây ra, năm 2019 được hỗ trợ 20 tỷ đồng xây dựng 5 công trình. Đầu năm 2020, UBND tỉnh đã cho phép xuất cấp vật tư PCTT cho các cơ quan, đơn vị. Trong đó, Công an tỉnh được cấp 21 bộ nhà bạt, 1 bộ thiết bị chữa cháy đồng bộ; UBND huyện Đà Bắc 1 xuồng ST600; UBND TP Hòa Bình 1 máy phát điện; Chi cục Kiểm lâm 1 máy chữa cháy.
Đến nay, các công trình công cộng được hỗ trợ kinh phí từ T.Ư năm 2019 đã tiến hành các bước để chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ trình phê duyệt và triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Nổi bật như: Dự án khẩn cấp xử lý khối sạt trượt khu vực phía đông đồi Ông Tượng; tổ 4, 5, 6, phường Chăm Mát (cũ); tổ 4, phường Thái Bình đã thi công hạng mục khoan cọc nhồi, đào bạt mái đạt khoảng 90% khối lượng. Dự án xử lý khắc phục cấp bách sạt lở khu vực tổ 26, phường Đồng Tiến và đoạn cầu Hòa Bình 3 (TP Hòa Bình), tỉnh đã bố trí ngân sách năm nay 10 tỷ đồng, ngân sách T.Ư hỗ trợ 40 tỷ đồng để triển khai đầu tư xây dựng. Đã thực hiện và ứng ngân sách tỉnh triển khai đầu tư xây dựng 16 khu tái định cư khẩn cấp (13 dự án đã thực hiện, 3 dự án phê duyệt nhưng chưa có vốn) để ổn định cho 460 hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Hiện, trong tỉnh có 10.170 hộ, với 38.105 nhân khẩu nằm trong vùng rủi ro thiên tai cao cần phải di dời; trong đó, 1.238 hộ với 5.051 nhân khẩu đã được hỗ trợ ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, theo thông tin của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, vẫn còn tình trạng có những gia đình do sợ mất đất, mất nhà nên không chịu sơ tán khi có mưa lũ lớn xảy ra, làm ảnh hưởng đến việc di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Nguồn kinh phí cho công tác PCTT còn hạn hẹp, dự phòng ngân sách tỉnh, ngân sách địa phương không đủ để hỗ trợ khắc phục thiệt hại... Từ thực tế này, tỉnh đề nghị các bộ, ngành T.Ư bố trí kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ các thiết bị dự báo, cảnh báo, thiết bị liên lạc truyền tải thông tin, giúp người dân vùng sâu, xa khu vực trung tâm nắm bắt được thông tin về thiên tai, sớm có biện pháp phòng tránh.