Đón sóng lợi nhuận quý III
Sau giai đoạn dài giao dịch buồn tẻ, tuần qua, thị trường chứng khoán đã chứng kiến giao dịch sôi động trở lại. Dòng tiền đang tích cực tìm kiếm cơ hội khi mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024 tới gần.
Kỳ vọng những con số lợi nhuận tích cực
Khi thông tin Fed hạ lãi suất phản ánh cơ bản vào giá cổ phiếu, kết quả kinh doanh quý III/2024 của các doanh nghiệp là câu chuyện tiếp theo được thị trường chờ đợi.
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp chưa đến hạn phải công bố báo cáo tài chính quý III/2024, nhưng theo quan sát từ giới phân tích, nhiều nhóm ngành sẽ duy trì được đà tăng trưởng tốt trong quý này.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Phân tích ngành và cổ phiếu, Công ty Chứng khoán MB (MBS), tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường trong quý III/2024 có thể đạt 20,2% so với cùng kỳ (duy trì đà tăng trưởng hơn 20% được ghi nhận trong quý trước đó), dựa trên một số yếu tố hỗ trợ như môi trường lãi suất thấp, tỷ giá giảm mạnh, sản xuất và tiêu dùng đang trên đà phục hồi. Lợi nhuận của các doanh nghiệp duy trì đà tăng là yếu tố cơ bản hỗ trợ tích cực cho triển vọng tăng trưởng của thị trường chung. Trong đó, MBS cho rằng, một số ngành nhà đầu tư cần quan tâm trong thời gian tới, bao gồm ngân hàng, điện và vật liệu cơ bản.
Đối với ngành ngân hàng, luận điểm của MBS là tăng trưởng tín dụng quý III/2024 tiếp tục cải thiện so với quý trước đó (theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến 17/9/2024 đạt mức tăng 7,38% so với đầu năm, trong khi mức tăng trưởng đến cuối tháng 6 đạt 6%) nhờ sự phục hồi của hoạt động sản xuất - kinh doanh. NIM trung bình toàn ngành trong quý vừa qua đi ngang hoặc giảm nhẹ so với quý đầu năm ở hầu hết các ngân hàng do lãi suất tiền gửi tăng dần trong nửa cuối năm 2024 khi các ngân hàng tăng cường hoạt động huy động vốn. Nợ xấu của các ngân hàng niêm yết trong quý III/2024 dự kiến không tăng so với quý trước đó, vì dư nợ từ nhóm khách hàng doanh nghiệp vẫn tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng tín dụng. Cùng với đó, các ngân hàng sẽ giảm tốc trích lập dự phòng trong nửa cuối năm 2024 do tín dụng từ nhóm khách hàng cá nhân không tăng nhiều.
MBS dự phóng, lợi nhuận ròng của các ngân hàng niêm yết trong quý III/2024 có thể tăng 18,5% so với cùng kỳ và là trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường.
Ngân hàng cũng là nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền mạnh nhất trong đợt tăng vừa qua, với sự “mở màn” của ACB và MBB. Báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết, trong quý III và cả năm 2024, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trên mức 16%, nhờ tăng trưởng tín dụng và huy động vốn tích cực.
Nhóm doanh nghiệp ngành điện cũng được kỳ vọng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tốt trong quý III/2024, đến từ yếu tố tỷ giá giảm. Tính đến ngày 25/9/2024, tỷ giá USD/VND đã giảm 3,5% so với cuối tháng 6/2024, trong khi cơ cấu vốn vay của các doanh nghiệp ngành điện được tài trợ một phần lớn bằng USD, do đó, các doanh nghiệp điện có thể ghi nhận lãi tỷ giá trong quý này. Trong bối cảnh mưa nhiều trên toàn quốc, lượng nước về các hồ chứa dồi dào, nhóm thủy điện dự kiến có triển vọng lợi nhuận quý III/2024 tích cực nhất trong ngành. Một số doanh nghiệp thủy điện có mức nền lợi nhuận khá thấp của cùng kỳ năm ngoái như VSH dự kiến sẽ ghi nhận tăng trưởng khá tốt trong năm 2024.
Trong báo cáo gần đây, FiinGroup nhận định, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục khả quan trong quý III/2024 nhờ nền so sánh là mức đáy trong 6 quý trở lại đây được thiết lập trong quý III/2023. Theo quan sát của FiinGroup, với cầu tiêu dùng dự kiến sẽ hồi phục mạnh hơn và biên lợi nhuận duy trì mở rộng (nhờ kiểm soát tốt chi phí đầu vào), triển vọng tăng trưởng trong quý III và quý IV/2024 khá tích cực với hầu hết các ngành. Yếu tố lợi nhuận quý III tiếp tục hồi phục mạnh là cơ hội để tích lũy cổ phiếu tăng trưởng tốt.
Thông tin từ Tổng công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Thành Công (mã TCM) cho thấy bức tranh lợi nhuận quý III tích cực của doanh nghiệp cũng như của ngành dệt may. Theo đó, ước tính trong quý này, Công ty đạt doanh thu hơn 43,28 triệu USD và lợi nhuận sau thuế hơn 3,2 triệu USD, lần lượt tăng trưởng 20% và 49% so với cùng kỳ năm ngoái.
... và con sóng chứng khoán mới
Nhận định được ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra, thị trường chứng khoán Việt Nam luôn có sự vận động phản ánh trước kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt, có các nhóm ngành đang vào “điểm rơi” lợi nhuận cuối năm hay hưởng lợi từ chính sách mới, nên khả năng VN-Index ghi nhận xu hướng hồi phục ngắn hạn là hoàn toàn có thể.
Một số nhóm cổ phiếu, theo ông Hoàng, có thể đưa vào “tầm ngắm”. Đầu tiên là các doanh nghiệp sản xuất có thể mở rộng biên lợi nhuận khi có đầu ra là các mặt hàng, sản phẩm tăng giá trên thị trường, hoặc giá đầu vào được hưởng lợi từ sự suy giảm lực cầu và dư thừa nguồn cung nguyên vật liệu, tiêu biểu là nhóm thực phẩm, cao su, đường, hóa chất… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản, hay hưởng lợi từ đầu tư công (xây lắp, vật liệu xây dựng) có xu hướng đẩy mạnh ghi nhận doanh thu, lợi nhuận trong giai đoạn cuối năm, theo đó cũng có khả năng sẽ tạo sóng tăng ngắn hạn. Cuối cùng, không thể không kể đến một nhóm ngành thường có vận động giá mang tính “khuếch đại” xu hướng của thị trường chung, đó là chứng khoán. Nếu thị trường chứng khoán diễn biến tích cực thì đây cũng là nhóm có khả năng ghi nhận diễn biến khả quan trong phần còn lại của năm nay.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VPS nhìn nhận dòng tiền vào thị trường chứng khoán đã cải thiện trong giai đoạn cuối tháng 9 và sẽ tích cực hơn trong quý cuối năm. Dòng tiền thường ưu tiên những cổ phiếu có kết quả kinh doanh khả quan nhưng cũng khá nhạy bén chọn lọc các cổ phiếu có tiềm năng, định giá thấp với vị thế cạnh tranh tốt trong ngành hoặc là tâm điểm mua vào của các nhà đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư theo chỉ số...
Đơn cử, ở nhóm vật liệu cơ bản, đại diện là ngành thép, mặc dù kết quả kinh doanh có thể tăng trưởng khiêm tốn trong quý III/2024, trong bối cảnh áp lực giảm giá từ thép Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu chính như EU, Mỹ có động thái điều tra chống bán phá giá, tuy nhiên, các yếu tố này đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Trong khi đó, việc Chính phủ Trung Quốc tung ra hàng loạt biện pháp nhằm vực lại thị trường bất động sản, kích thích kinh tế có thể khiến giá thép Trung Quốc phục hồi và làm giảm lợi thế của thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản nhà ở ấm lên và giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh cũng là những động lực tăng trưởng cho giá thép nội địa. Trong quý IV/2024, các doanh nghiệp thép nội địa cũng sẽ trông đợi vào khả năng giành được thị phần nhờ thuế chống bán phá giá kỳ vọng được ban hành vào tháng 12/2024.
Theo ông Khánh, thông thường, các nhà đầu tư hay lựa chọn các nhóm ngành, sau đó là lựa chọn một số cổ phiếu điển hình, chất lượng cao với kết quả kinh doanh ấn tượng. Tuy nhiên, điều này là chưa đủ, bởi đôi khi họ sẽ bỏ qua nhiều cơ hội cổ phiếu hấp dẫn nhưng lại không nằm trong các lĩnh vực ưa thích của giới đầu tư.
Như vậy, các nhà đầu tư vẫn có thể lựa chọn nhiều cổ phiếu nằm rải rác ở các ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, phân bón, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán..., miễn là cổ phiếu đó đáp ứng được các tiêu chuẩn đầu tư khắt khe.