Đón mùa xuân của sáng tạo Việt
Ấp ủ những ý tưởng mới với năng lượng sáng tạo tràn đầy, nghệ sĩ các lĩnh vực kỳ vọng sẽ tạo dấu ấn trong năm mới Ất Tỵ 2025, đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ, phong phú và đa dạng hơn của văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
Họa sĩ ĐẶNG THANH HUYỀN: Xây dựng đời sống mỹ thuật kết nối, giàu cảm hứng
Nhìn lại những năm qua, hội họa đã mang đến cho tôi nhiều hơn mong đợi; đó là hành trình dài đầy cảm xúc, có hạnh phúc, có tự hào lặng lẽ và cả trăn trở, thử thách... Năm 2019, triển lãm cá nhân đầu tiên "Hương sắc Hà Thành" như cột mốc đánh dấu sự kết nối sâu sắc của tôi với công chúng, tiếp đó là triển lãm "Nhịp thời gian" cùng hai người thầy, GS. Phạm Công Thành và họa sĩ Trần Huy Oánh. Đó là lời khẳng định nghệ thuật không chỉ của cá nhân mà còn là sự tiếp nối bền bỉ giữa các thế hệ.
Từ đó đến nay, tôi dành nhiều tâm huyết cho các dự án mỹ thuật, trong đó có chương trình "Bé vẽ giấc mơ" tại Nha Trang. Đây là không gian sáng tạo, nơi trẻ tự do thể hiện trí tưởng tượng và cảm nhận thế giới qua nét vẽ. Tôi tin rằng đôi tay nhỏ bé dù chưa thành thục lại chứa đựng sự chân thật, trong trẻo mà người lớn đôi khi không thể tái hiện. Các em chính là nguồn cảm hứng, nhắc nhở về giá trị nguyên sơ của nghệ thuật.
Năm 2025 sẽ là năm đặc biệt với tôi khi triển lãm cá nhân lần thứ hai, "Nơi thời gian chậm lại", sẽ diễn ra vào tháng 3, trưng bày khoảng 60 tác phẩm, trong đó có nhiều bức chân dung và tranh lụa. Đây là nơi tôi gửi gắm câu chuyện về tình yêu, ký ức và giá trị trân quý. Năm nay, tôi cũng mong muốn mở rộng chương trình "Bé vẽ giấc mơ" đến nhiều tỉnh, thành phố, để nhiều em nhỏ có cơ hội tiếp cận hội họa, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, nuôi dưỡng thế hệ trẻ yêu nghệ thuật.
Dự định lớn nữa là phát triển thương hiệu Paint and Silk, nơi hội họa và chất liệu lụa truyền thống hòa quyện. Từ lâu, lụa Việt đã được biết đến với sự mềm mại, tinh tế và kỳ công trong từng giai đoạn sản xuất. Tôi mong muốn giá trị ấy không chỉ hiện hữu trong tranh mà còn hiện diện trong đời sống thường nhật qua những sản phẩm thủ công tinh tế như khăn lụa, trang phục hay phụ kiện. Với Paint and Silk, mỗi sản phẩm sẽ là một tác phẩm nghệ thuật “di động”, vừa tôn vinh vẻ đẹp văn hóa Việt vừa gắn kết con người với nghệ thuật.
Hy vọng điều đó sẽ tiếp sức cho hành trình sáng tạo, xây dựng đời sống mỹ thuật bền vững, giàu cảm hứng.
Giám đốc điều hành doanh nghiệp sáng tạo TiredCity NGUYỄN VIỆT NAM: Tăng sức cạnh tranh bằng sáng tạo
Thường xuyên làm việc với cộng đồng nghệ sĩ trong các cuộc thi, trò chuyện, triển lãm, chuyển giá trị sáng tạo thành sản phẩm… chúng tôi thấy rằng nguồn lực văn hóa sáng tạo ở Việt Nam rất rộng, đặc sắc, nhưng chưa được khai thác đúng mức. Bởi vậy, thời gian qua, chúng tôi phối hợp với các đơn vị, như Trung tâm Hoạt động văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức các triển lãm đầu xuân Vẽ con mèo, Vẽ con rồng, năm nay là Vẽ con rắn và một loạt triển lãm chủ đề khác nhau. Các hoạt động này Tired City gọi là win - win - win, nhiều bên cùng được hưởng lợi: các họa sĩ tham gia gửi tranh, được chú ý từ cộng đồng và nhiều người biết đến, sau đó chuyển những sáng tạo lên lịch bán gây quỹ từ thiện, rồi triển lãm tranh năm mới rất ý nghĩa, tạo màu sắc thu hút giới trẻ…
Từ những mô hình như vậy, chúng tôi thấy rằng việc thúc đẩy hợp tác, khai thác giá trị sáng tạo không quá khó, chỉ cần mình tôn trọng mong muốn của các bên. Sự hợp tác cũng dần tạo thiện cảm, thúc đẩy các bên thử nghiệm những mô hình khai thác giá trị sáng tạo, nhất là khi công nghiệp văn hóa của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với nhiều dấu ấn trong năm vừa qua.
Tôi nghĩ làn sóng sáng tạo đang rất thuận lợi, không còn ở những bước đầu tiên, mà dần khai thác ở quy mô lớn, tạo sức cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động ở trong nước và trên trường quốc tế. Đây là sức cạnh tranh bền vững vì quay về những giá trị gốc của văn hóa dân tộc…
Tuy nhiên, để có thể làm tốt sáng tạo dựa trên văn hóa, cần dựa trên nền tảng nghiên cứu. Về câu chuyện kế thừa, khai thác từ giá trị văn hóa, nhiều bạn trẻ vẫn tương đối sợ sệt, sợ vẽ sai, làm sai, hạn chế sáng tạo. Bởi vậy, cần có nền tảng nghiên cứu vững chắc, dễ tiếp cận, dễ ứng dụng hơn. Nền tảng ấy không thể đến từ cá nhân đơn lẻ, mà phải đến từ chính sách, các tổ chức chính danh để đưa ra nghiên cứu quy mô, tài liệu tham khảo nhiều hơn để hỗ trợ và thúc đẩy sáng tạo.
Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND TỐNG TOÀN THẮNG: Tạo dựng thương hiệu cho xiếc Việt
Xiếc Việt Nam gần đây gây dấu ấn khi đoạt hai giải thưởng lớn trong hai cuộc thi xiếc tại Nga. Nghệ sĩ Chu Hồng Thúy và Phạm Thị Hướng đoạt giải Vương miện vàng Công chúa xiếc với tiết mục Đu son trong cuộc thi xiếc dành cho hơn 100 nghệ sĩ nữ đến từ 10 quốc gia. Tự hào hơn, cuộc thi chỉ có hai giải vàng, một giải của Việt Nam và một giải của nữ nghệ sĩ Nga biểu diễn với hổ trắng. Nghệ sĩ Chu Khánh Huyền đoạt giải Ngựa đồng trong Liên hoan Xiếc quốc tế mang tên Không biên giới (No Border), quy tụ hơn 120 nghệ sĩ đến từ 15 quốc gia. Thành tích này cho thấy, nếu được đầu tư nhiều hơn nghệ sĩ Việt sẽ có cơ hội giành giải thưởng cao tại sân chơi khu vực và thế giới.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên đoàn Xiếc Việt Nam (16.1.1956 - 16.1.2026), ngay từ đầu năm nay, chúng tôi đã lên kế hoạch sản xuất các chương trình cho cả sân khấu tròn truyền thống và Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn (sân khấu vuông) vừa khai trương. Các chương trình theo đó sẽ diễn ra thường xuyên, liên tục, đồng nghĩa với việc nghệ sĩ sẽ có nhiều đất diễn, được sáng tạo sản phẩm mới ở phân khúc chất lượng cao trong các chương trình nghệ thuật, giải trí. Xiếc sẽ kết hợp ảo thuật quốc tế, trình diễn K-pop, rock, rap, cải lương, kịch; có sản phẩm dành riêng cho khách ngoại giao, nhân viên đại sứ quán, như chương trình Ngày cuối tuần của Ý, show diễn mang màu sắc văn hóa Pháp, show diễn mang màu sắc văn hóa Ai Cập… Đây là những cuộc tập dượt nhằm phục vụ nhiều đối tượng khán giả.
Mục tiêu trọng tâm trong năm mới của Liên đoàn Xiếc Việt Nam là Gala Xiếc quốc tế, dự kiến mời các nghệ sĩ nổi tiếng tham gia, như: nghệ sĩ xiếc hề Italy David Larible; nghệ sĩ xiếc Nga với các tiết mục truyền thống nhào xào, đu bay, tung hứng, thăng bằng; nghệ sĩ xiếc Hungary với tiết mục patin đôi nữ... Việc mời các nghệ sĩ xiếc quốc tế không chỉ nhằm mang đến chương trình nghệ thuật chất lượng, ấn tượng, mà còn là điều kiện tốt để giới thiệu thiên nhiên, đất nước, con người, văn hóa và ẩm thực Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Chúng tôi kỳ vọng, thành công của chương trình sẽ tạo thương hiệu cho xiếc Việt, cơ hội để Liên đoàn Xiếc Việt Nam khẳng định vị thế và năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế, lan tỏa giá trị, tài năng của nghệ sĩ xiếc.