Dồn lực thu hút đầu tư

Với mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, tỉnh Tuyên Quang đang tập trung mọi nguồn lực nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng hạ tầng đồng bộ. Nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ được tỉnh triển khai quyết liệt, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho các doanh nghiệp, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững.

Nhiều dự án trọng điểm tạo động lực phát triển

Trên địa bàn tỉnh có 17 dự án FDI của 17 nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, có 7 nhà đầu tư Hàn Quốc,1 nhà đầu tư Australia, 2 nhà đầu tư Trung Quốc, 1 nhà đầu tư Đài Loan, 2 nhà đầu tư Hồng Kông, 2 nhà đầu tư Samoa và 1 nhà đầu tư Nhật Bản. Tổng số vốn đăng ký của các dự án FDI là trên 119 triệu USD (tương đương 2.777 tỷ đồng). Một số dự án nổi bật là: Dự án nhà máy may xuất khẩu Seshin VN2 của Công ty TNHH Seshin Apparel (Hàn Quốc), vốn đăng ký trên 8,18 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu của Công ty TNHH MSA - YB (Hàn Quốc), vốn đăng ký 12,1 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất giày, dép xuất khẩu Tuyên Quang của Công ty TNHH sản xuất giày Chung Jye Tuyên Quang - Việt Nam (Samoa), với tổng vốn đầu tư là 26 triệu USD; dự án đầu tư sản xuất kinh doanh các loại bao bì PP Container của Công ty TNHH công nghiệp Sung Lim (Hàn Quốc), vốn đầu tư 1 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất, gia công thiết bị nghe (tai nghe) Future of Sound Vina của Công ty TNHH FOS (Hồng Kông), vốn đầu tư 7,5 triệu USD…

Dự án nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu của Công ty TNHH MSA - YB (Hàn Quốc) tạo việc làm cho hơn 2.000 công nhân.

Dự án nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu của Công ty TNHH MSA - YB (Hàn Quốc) tạo việc làm cho hơn 2.000 công nhân.

Đặc biệt, dự án nhà máy nhiên liệu sinh khối EREX SAKURA Tuyên Quang của nhà đầu tư Nhật Bản có vốn đầu tư 20,4 triệu USD. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ dẫn đầu xu hướng sản xuất xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu xanh hóa của thị trường và khách hàng.

Ông Honna Hitoshi, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Erex, đơn vị đầu tư Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Tuyên Quang cho biết, sau khi khảo sát tại Tuyên Quang, chúng tôi nhận thấy Tuyên Quang là tỉnh giàu tài nguyên sinh khối, với sự nhiệt tình và ưu tiên của tỉnh thì chúng tôi sẵn sàng đầu tư thêm các nhà máy thứ 2, thứ 3 tại tỉnh.

Còn dự án nhà máy sản xuất chế biến nông sản JW của các nhà đầu tư Yoon Subngbae, Yoon Bae, Chung Moon Ho (Hàn Quốc) có vốn đăng ký 2 triệu USD mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Tuyên Quang và người nông dân địa phương. Hơn nữa, sản phẩm đông lạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu giúp khẳng định chất lượng nông sản Tuyên Quang trên thị trường quốc tế.

Đối với các nhà đầu tư trong nước, giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư có tiềm năng vào đầu tư các dự án kinh doanh tại tỉnh như: Tập đoàn VinGroup; Tập đoàn Danko; Tập đoàn Flamigo, Mường Thanh...

Năm 2025, tỉnh Tuyên Quang đã thu hút được nhà đầu tư Nhật Bản thực hiện dự án Nhà máy điện sinh khối Tuyên Quang tại xã Xuân Vân. Dự án có công suất thiết kế 50 MW, tổng vốn đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng. Đồng thời đã có nhà đầu tư đề xuất dự án tại Khu công nghiệp Nhữ Khê - Đội Cấn; các dự án liên quan đến thương mại dịch vụ tại khu lâm viên phiêng bung Na Hang; khu lâm viên Hồ Hoa Lũng, xã Đại Phú Sơn Dương…

Những dự án này là minh chứng cho sự hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Tuyên Quang và thể hiện nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện điều kiện đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp và xây dựng nền kinh tế bền vững.

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025, công tác xúc tiến và thu hút đầu tư đã được đổi mới toàn diện, theo hướng đa chiều, đa phương thức, tập trung vào tính thực chất và hiệu quả. Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp gặp gỡ, làm việc với nhiều nhà đầu tư và tập đoàn lớn quan tâm đến môi trường đầu tư của địa phương. Đồng thời, các buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp cũng được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến, cùng bàn bạc giải pháp và tháo gỡ khó khăn một cách hiệu quả, tạo niềm tin để doanh nghiệp yên tâm đầu tư và phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang cho biết: Tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư thông qua hội thảo, hội nghị và tham gia các diễn đàn kinh tế lớn trong và ngoài nước. Tổ chức các cuộc làm việc, gặp gỡ các doanh nghiệp thuộc các quốc gia trọng điểm tỉnh đang thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp... tham dự các hội nghị, diễn đàn, hội chợ về đầu tư, thương mại, du lịch… Đây là minh chứng cho nỗ lực không ngừng của Tuyên Quang trong việc chào đón các nhà đầu tư.

Nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh đã triển khai Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Chất lượng công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và cấp huyện tiếp tục được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Lãnh đạo tỉnh khẳng định sẽ đồng hành chặt chẽ với các doanh nghiệp từ khâu thủ tục ban đầu đến triển khai dự án, đảm bảo môi trường đầu tư minh bạch, công bằng và an toàn. Những thay đổi tích cực trong cải cách hành chính, sự quyết tâm của chính quyền và tiềm năng sẵn có là nền tảng để Tuyên Quang trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn của khu vực miền núi phía Bắc.

Bài, ảnh: Hải Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/don-luc-thu-hut-dau-tu-205255.html
Zalo