Dồn lực gỡ khó cho từng cấp học để bứt phá trong đổi mới giáo dục

Năm học 2023 – 2024 là một năm học đánh dấu 10 năm ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây cũng là năm học được ngành giáo dục xác định là năm học bứt phá về đổi mới giáo dục. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ với phóng viên báo Tin tức về định hướng của năm học mới.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: TTXVN

Trong phát biểu gần đây ở Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) 2023, Bộ trưởng nhấn mạnh, năm học 2023 - 2024 là năm bứt phá của đổi mới giáo dục. Bộ trưởng có thể cho biết cụ thể những đổi mới, bứt phá của năm học mới là gì? Đâu là trọng tâm để đạt được mục tiêu trong giáo dục, đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước?

Năm học 2023 - 2024 hứa hẹn nhiều đổi mới. Năm học này được ngành giáo dục xác định chủ đề: Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT. Ngành sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Đây là năm học có ý nghĩa, vai trò quan trọng của lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông, mà trọng tâm là triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, bên cạnh việc tiếp tục rà soát, triển khai các lớp đã thực hiện theo chương trình mới, năm học này tập trung triển khai mới với các lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị điều kiện triển khai các lớp cuối cấp 5, 9, 12 (bao gồm cả phần việc biên soạn sách giáo khoa, thẩm định, chuẩn bị các điều kiện phát hành). Vì vậy, đây là một năm với lượng công việc nhiều, tầm quan trọng lớn, chất lượng công việc có tác động lớn tới chất lượng đổi mới giáo dục phổ thông.

Việc chuẩn bị sách giáo khoa cho các năm cuối cấp lớp 5, lớp 9, lớp 12 đòi hỏi đặc biệt hơn bởi đây là các lớp cuối cấp và cũng là cuối cùng của giai đoạn triển khai cuốn chiếu chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chúng tôi xác định trong quá trình triển khai, năm học này phải tập trung chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát cao độ để hoàn thành công việc, tạo đà cho lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Trong tiến trình đổi mới giáo dục phổ thông, năm nay chúng tôi cũng đặt nhiệm vụ cần tiếp tục đổi mới giáo dục phổ thông theo chiều sâu, ở từng nội dung giáo dục, từng môn học, từng hoạt động. Đổi mới ở các môn như: Ngữ văn, Lịch sử, Toán học, Mỹ thuật, Ngoại ngữ... Có một số vấn đề trong quá trình đổi mới cũng đang đặt ra như giáo viên cần phải được hỗ trợ nhiều hơn, tăng cường hơn nữa về phương pháp và cần chuẩn bị nhiều hơn các điều kiện để đảm bảo đổi mới theo chiều sâu, chất lượng.

Bên cạnh nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông, nhiều vấn đề, nhiệm vụ quan trọng khác cũng sẽ được ngành giáo dục triển khai trong năm học mới này. Trước mắt là thực hiện nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, đó làTổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Nhìn lại chặng đường 10 năm đổi mới, đồng thời xác định hướng phát triển giáo dục cho chặng đường tiếp theo.

Một trong những nhiệm vụ xây dựng và phát triển lớn, quan trọng là chuẩn bị, xây dựng Luật Nhà giáo, với dự kiến hoàn thành và trình Quốc hội vào năm 2024. Nếu được thông qua, bộ luật này sẽ tạo ra sự thay đổi lớn tích cực về thể chế để phát triển đội ngũ nhà giáo nói riêng và phát triển giáo dục nói chung.

Năm học này, Bộ GD&ĐT được Chính phủ, Quốc hội giao rà soát các bộ luật quan trọng của ngành như Luật Giáo dục Đại học. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đã mở đường cho tự chủ đại học. Đến thời điểm này có nhiều nội dung cần rà soát, bổ sung cho phù hợp hơn với thực tiễn.

Cùng với nhiệm vụ xây dựng, củng cố, tăng cường thể chế cho giáo dục, năm học này, ngành giáo dục cần tập trung và các nhiệm vụ: Tăng cường triển khai văn hóa học đường, tâm lý học đường, xây dựng trường học hạnh phúc, phòng chống bạo lực học đường…

Bộ GD&ĐT sẽ triển khai thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới. Việc biên soạn đã được thực hiện, năm nay sẽ đưa vào thực nghiệm, sau đó mới triển khai thực tế. Bên cạnh đó, giáo dục thường xuyên cũng sẽ có đổi mới, từ tăng cường điều kiện, đội ngũ giáo viên, tới dạy học kiểm tra, đánh giá trong hệ thống giáo dục thường xuyên.

Có thể thấy, trong công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục thì việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một thách thức với ngành giáo dục trong giai đoạn vừa qua. Xin Bộ trưởng chia sẻ về những thuận lợi cũng như khó khăn trong triển khai đổi mới giáo dục phổ thông?

Xin khẳng định, thuận lợi vẫn là căn bản. Một trong những thuận lợi lớn nhất của ngành là đang nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhân dân. Sự quan tâm này đã và đang hỗ trợ rất lớn đối với ngành giáo dục, đồng thời tạo ra động lực quan trọng cho sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Dù còn nhiều khó khăn về chế độ đãi ngộ, lương thấp, điều kiện và trang thiết bị giảng dạy, tác nghiệp còn hạn chế, những thách thức không nhỏ do yêu cầu đổi mới đặt ra, đặc biệt là ảnh hưởng lớn của dịch bệnh trong thời gian vừa qua, song lực lượng nhà giáo - nguồn lực quan trọng nhất của ngành và của quá trình đổi mới không ngừng nỗ lực, phấn đấu, dũng cảm đương đầu với khó khăn thách thức để thực hiện đổi mới.

Dù chặng đường đổi mới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua nhưng bước đầu, sự nỗ lực của lực lượng nhà giáo đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận bằng việc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai rộng khắp trên cả nước, bám sát kế hoạch và lộ trình đã đặt ra. Những hiệu ứng tích cực của đổi mới giáo dục phổ thông thể hiện ở sự hào hứng học tập của học sinh và thầy, cô giáo.

Đánh giá của Đoàn giám sát của Quốc hội thực hiện Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 cũng đã ghi nhận đổi mới giáo dục phổ thông đạt được nhiều kết quả quan trọng, giúp cho giáo dục phổ thông có nhiều khởi sắc. Sự ghi nhận, khẳng định của Đoàn giám sát là sự động viên lớn và những vấn đề, tồn tại được chỉ ra cũng giúp ngành giáo dục lưu ý, tiếp thu và hoàn thiện trong tiến trình triển khai đổi mới giáo dục phổ thông. Tôi cho rằng đó là những điểm thuận lợi để triển khai chặng đường tiếp theo.

Qua chặng đổi mới, những thách thức, bỡ ngỡ, lúng túng dần được điều chỉnh để đi vào nền nếp. Giáo viên đã bắt đầu quen với chương trình giáo dục phổ thông mới, với cách dạy mới, phát huy tính chủ động, sáng tạo nhiều hơn; học sinh quen hơn với cách học, xã hội biết và chia sẻ nhiều hơn… đó chính là thuận lợi rất quan trọng.

Các địa phương cũng nhận thấy điều kiện đổi mới còn nhiều thiếu thốn và tích cực để giải quyết. Việc các chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia được đẩy mạnh triển khai cũng là những yếu tố góp phần thuận lợi. Hy vọng các chương trình này sẽ đem lại cho các địa phương, cơ sở giáo dục thêm điều kiện để thực hiện chương trình mới này.

Tuy nhiên, đổi mới mang theo những thách thức. Đổi mới càng sâu thì thách thức càng lớn. Đổi mới không chỉ liên quan đến học sinh, giáo viên mà còn cần sự ủng hộ của phụ huynh, xã hội. Công cuộc đổi mới có rất nhiều thay đổi và khi một phần không nhỏ trong xã hội chưa hiểu hết những thay đổi đó sẽ dễ dẫn đến kêu ca, phàn nàn, chưa hoàn toàn tin tưởng vào định hướng đổi mới. Đây là thách thức, cần phải tạo sự đồng thuận nhiều hơn từ phía xã hội, nhân dân, phụ huynh để tất cả cùng đồng hành, chia sẻ với ngành giáo dục.

Ngày 30/8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thăm, động viên học sinh, giáo viên Trường THCS Hoàng Văn Thụ, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Ngày 30/8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thăm, động viên học sinh, giáo viên Trường THCS Hoàng Văn Thụ, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Đối với lực lượng nhà giáo, tôi cho rằng mức độ đổi mới của nhà giáo đạt được đến đâu, đổi mới giáo dục đạt được đến đó. Một trong những khó khăn nằm ở chỗ những cách làm cũ vốn đã định hình và ăn sâu vào thói quen giảng dạy và không phải tất cả giáo viên đều sẵn sàng đổi mới mình để thích nghi với công việc mới cần làm theo yêu cầu của sự đổi mới. Để khắc phục cần có sự nỗ lực, quyết tâm, chia sẻ rất lớn từ đội ngũ các nhà giáo. Về phía Bộ GD&ĐT, chúng tôi đang làm rất nhiều việc để động viên, hỗ trợ giáo viên, cố gắng đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, để giáo viên có thêm động lực, chỗ dựa cho sự đổi mới.

Lần đổi mới này trao quyền chủ động, sáng tạo cho nhà giáo rất nhiều. Tiêu biểu như việc lựa chọn cách thức dạy, kiểm tra, đánh giá, lựa chọn học liệu… nhằm giáo dục theo hướng phát huy năng lực cá nhân của học sinh nhiều hơn. Chuyển vai trò của giáo viên từ chủ thể truyền thụ kiến thức là chính sang vai trò người tổ chức, hướng dẫn, định hướng, hỗ trợ cho học sinh. Để làm được điều này, năng lực của người thầy phải đổi mới và nâng lên rất nhiều. Cùng với đó, trong giai đoạn đầu của đổi mới, giáo viên gặp rất nhiều thiệt thòi, thách thức với khối lượng công việc nhiều hơn, khó lên, trong khi đó những sự động viên về vật chất, điều kiện, thu nhập, đời sống chưa có nhiều thay đổi. Điều này cũng tác động đến tâm lý của giáo viên.

Chính vì áp lực của đổi mới và áp lực của cuộc sống (thu nhập không tăng, cơ hội việc làm rộng mở) một bộ phận không nhỏ giáo viên đã nghỉ việc, đi xuất khẩu lao động, đi làm ở các khu công nghiệp, làm tự do...

Trong vòng 3 năm qua, tính từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc lên đến trên 40.000. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên nghỉ hưu, bình quân mỗi năm khoảng 10.000 người. Trong khi từ năm 2020 đến nay, số chỉ tiêu được giao gần 26.000. Đối chiếu số lượng giáo viên nghỉ việc và số lượng giáo viên được tuyển dụng đang có sự chênh lệch lớn. Chưa kể đến tình hình tuyển dụng ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, có biên chế, có chế độ ưu đãi lại không tuyển được giáo viên ngoại ngữ, tin học, mỹ thuật, nghệ thuật. Một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ dù có chỉ tiêu nhưng lại không tuyển được giáo viên mầm non.

Khó khăn đến từ sự chuẩn bị các điều kiện ở phía địa phương cho công cuộc đổi mới. Với yêu cầu của phương pháp mới này cần phải đảm bảo số lượng học sinh trên lớp, tỉ lệ học sinh và giáo viên, chuẩn bị phòng học, thư viện, phòng học bộ môn, thực hiện giáo dục trải nghiệm… Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, mức độ quan tâm cũng như khó khăn khác nhau của mỗi địa phương dẫn đến việc đáp ứng điều kiện cho đổi mới còn nhiều hạn chế. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương về việc cần đặc biệt quan tâm các điều kiện triển khai đổi mới.

Cần chú ý rằng, trước khi đổi mới giáo dục đã có nhiều khó khăn chưa khắc phục xong, giờ lại phải bước vào một hành trình đổi mới với nhiều khó khăn hơn. Ví dụ phòng học chưa được kiên cố hóa, điểm trường, tỉ lệ các phòng học bán kiên cố, phòng học tạm, mượn còn chiếm 30% tổng số các phòng học, trường lớp trên phạm vi cả nước. Đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa ở Tây Nguyên, Tây Bắc, vấn đề kiên cố hóa trường học còn bức thiết hơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng của đổi mới mà còn ảnh hưởng tới sự bất bình đẳng trong giáo dục.

Ở những vùng sâu, xa, khó khăn, thách thức sẽ còn chồng chất hơn nữa nếu như không có sự hỗ trợ hiệu quả. Trong khi đó, ở các đô thị lớn lại gặp khó khăn về sự dịch chuyển dân cư cơ học, tăng dân số cao, thiếu đất để xây trường. Như vậy, mỗi nơi đều có các khó khăn riêng.

Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng đã có buổi gặp gỡ giáo viên trên cả nước để chia sẻ, động viên. Vậy Bộ trưởng sẽ có những quyết sách như thế nào để gỡ các vấn đề khó khăn đối với đội ngũ giáo viên cho năm học 2023 – 2024 và những năm tiếp theo?

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ chủ động khắc phục những vấn đề về chuyên môn để giáo viên thấy được hỗ trợ và thuận lợi hơn trong công việc, bớt đi căng thẳng áp lực; tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn. Đồng thời, các địa phương cần tích cực chia sẻ kinh nghiệm tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá…

Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã gặp gỡ giáo viên trên cả nước để chia sẻ, động viên các nhà giáo trước thềm năm học 2023 - 2024. Ảnh: TTXVN

Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã gặp gỡ giáo viên trên cả nước để chia sẻ, động viên các nhà giáo trước thềm năm học 2023 - 2024. Ảnh: TTXVN

Bộ GD&ĐT đã có những điều chỉnh về đào tạo của các trường sư phạm nhằm cung ứng nhiều hơn nguồn tuyển giáo viên cho các địa phương. Bên cạnh đó, bộ cũng nghiên cứu đề xuất điều chỉnh Nghị định 116 về đào tạo giáo viên liên quan đến đào tạo sư phạm, nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế đặt hàng của địa phương cũng như hỗ trợ về sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm. Dự kiến, Nghị định 116 sửa đổi sẽ hoàn thành trong năm nay và được kỳ vọng mở rộng nguồn tuyển sư phạm.

Bộ GD&ĐT cũng đang làm thủ tục trình Quốc hội cho phép tạm thời tuyển dụng những giáo viên theo chuẩn. Có thể tạm thời sử dụng, đặt ra yêu cầu đến năm 2030, giáo viên phải đạt chuẩn. Đó được coi là biện pháp tạm thời để có nguồn giáo viên linh hoạt trong việc dạy môn Tin học và Ngoại ngữ.

Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ lấy ý kiến các bộ ngành khác trình Chính phủ đề xuất nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non và tiểu học. Đồng thời, kiến nghị các địa phương không giảm biên chế một cách cơ học tạo thêm khó khăn cho ngành giáo dục. Chủ trương tinh giảm biên chế của Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo là đúng đắn nên việc thực hiện theo hướng giảm số người hưởng lương bằng ngân sách các địa phương cần chú ý điều tiết, hạn chế cắt chỉ tiêu biên chế của giáo dục.

Trong chế độ chính sách của các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các chương trình dự án khác, ngành giáo dục tăng cường việc kiên cố hóa trường học, chăm lo việc xây nhà ở công vụ cho giáo viên, đặc biệt ở các điểm trường, cắm bản, vùng khó.

Về chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non, ngoài lương còn phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, trợ cấp khi chuyển công tác với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… nhưng lao động của giáo viên mầm non là lao động nặng nhọc, vất vả. Về cơ bản, tổng cộng thu nhập của giáo viên mầm non vẫn thấp, chưa tương xứng với lao động mà giáo viên mầm non bỏ ra, đặc biệt là với giáo viên vùng khó khăn. Việc này lãnh đạo Bộ GD&ĐT rất hiểu và chia sẻ với các thầy cô.

Lãnh đạo Bộ trong các diễn đàn, trong các cuộc làm việc với các bộ, ngành đã bày tỏ sự quan tâm đến đến vấn đề này. Chính phủ cũng đã giao cho Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ làm việc với các bộ, ngành, trước hết là cân nhắc khả năng nâng phụ cấp cho giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học. Về mong muốn phụ cấp ưu đãi cho tất cả các bậc học chứ không chỉ mầm non, tiểu học; tuy nhiên mầm non, tiểu học cần được chú ý trước hết.

Bước đầu Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến sẽ tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10% và đối với tiểu học thêm 5%. Vấn đề còn lại là cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, báo cáo đến Chính phủ và các bộ, ngành. Hy vọng việc này sớm được thống nhất, tuy con số nhỏ nhưng thực hiện được sẽ thêm một phần động viên cho giáo viên mầm non.

Tôi cũng muốn nói thêm, số lượng giáo viên hưởng lương hiện nay là rất lớn, chiếm 70% số lượng công chức, viên chức trong cả nước. Vì vậy, mỗi chính sách điều chỉnh, có thể rất nhỏ nhưng cần phải có nguồn lực, điều kiện. Chúng ta mong muốn nhưng kiến nghị cũng phải từng bước điều chỉnh.

Thực tế cho thấy, giờ làm việc của giáo viên mầm non hiện nhiều hơn thời gian quy định, do trẻ đến sớm về muộn theo giờ làm việc của cha mẹ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên áp lực cho giáo viên mầm non. Về chính sách, trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ cùng các bộ, ngành tiếp tục xem xét, lưu ý đến thù lao cho giờ làm việc nhiều của giáo viên mầm non.

Về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non được đề cập và quan tâm nhiều trong thời gian gần đây, hiện nay Chính phủ đang điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội và trong góp ý với dự thảo Luật, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa giáo viên mầm non vào đối tượng làm công việc nặng nhọc, độc hại. Gần đây nhất trên diễn đàn của Quốc hội với người lao động cả nước, tôi cũng thay mặt ngành giáo dục tiếp tục nêu quan điểm giáo viên mầm non cần có chế độ nghỉ hưu thuộc nhóm lao động nặng nhọc, nữ vẫn giữ ở tuổi 55 nhưng đảm bảo thu nhập và chế độ để không có sự thiệt thòi.

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục gỡ khó cho tự chủ đại học như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Giáo dục đại học đang trong thời kỳ chuyển đổi. Chuyển đổi về mô hình, về cách thức tổ chức quản trị, hình thức quản lý nhà nước, hoạt động, phương pháp dạy và học, cơ cấu ngành nghề, về sử dụng nguồn lực... Bên cạnh đó, có những vấn đề mới đặt ra với các trường đại học. Đó là các trường phải đóng vai trò là động lực của vấn đề đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Càng hiện đại, trách nhiệm, vai trò của các trường đại học càng lớn. Khi giáo dục là quốc sách, là một đột phá chiến lược, thì mũi nhọn đột phá chiến lược đó là giáo dục đại học.

Vấn đề tự chủ học thuật và vai trò của các giảng viên là yếu tố quan trọng trong các trường đại học và càng ngày chúng ta càng hiểu thêm rằng điều quan trọng nhất của tự chủ đại học là làm sao tự chủ đến được với các nhà khoa học, các giảng viên.

Tự chủ không không chỉ ở vấn đề về tài chính, về quản trị, không dừng ở cấp quản lý, cấp cơ sở giáo dục, không chỉ ở việc thành lập hội đồng trường, ban hành các quy chế mà điều quan trọng là quyền, trách nhiệm phải đến với các đơn vị cấp thấp, các đơn vị thành tố bên trong của các cơ sở giáo dục đại học - cấp khoa, cấp bộ môn, đến từng giảng viên, nhà khoa học. Đây là việc quan trọng để phát triển lực lượng các nhà khoa học và giải phóng sức sáng tạo, xây dựng môi trường thuận lợi cho các nhà giáo phát huy.

Đối với các nhà giáo trong các cơ sở giáo dục, dù mức độ tự chủ khác nhau thì cũng cần tìm hiểu sâu và thực hiện đầy đủ các quyền tự chủ đối với giảng viên. Họ cần tham gia tích cực trong việc xây dựng những quy tắc, nguyên tắc hoạt động nội bộ, những định hướng chiến lược của nhà trường, cũng như lựa chọn định hướng về chuyên môn, về chương trình đào tạo, về các chính sách, tuyển sinh...

Khi thực hiện tự chủ, có một câu hỏi được khá nhiều người đặt ra, ai là người đứng đầu các trường đại học? Hiện Bộ Nội vụ cũng chưa có văn bản chính thức để trả lời việc này. Tuy nhiên, vấn đề này đã nhiều lần được giải thích rõ.

Nếu nói về một cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật, cá nhân đấy không ai khác là hiệu trưởng, đúng với tên gọi của nó. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước pháp luật, phụ trách về tài khoản, con dấu. Khi cần gọi đến một trường học để làm việc, mgười ta sẽ gọi hiệu trưởng, đó là điều đương nhiên.

Còn Hội đồng trường là tổ chức quyền lực cao nhất, quyết định việc chọn hiệu trưởng. Chủ tịch là một thành viên điều hành hội đồng. Quyền lực của hội đồng trường là quyền lực tập thể và chủ tịch có một phiếu trong cơ chế tập thể đó. Hội đồng trường và ban giám hiệu cần phải đúng vai, mỗi người có một chức năng, nhiệm vụ. Các hội đồng giải quyết công việc bằng các nghị quyết của tập thể, hoạt động định kỳ, xử lý công việc do ban giám hiệu trình, vai trò tương tự như hội đồng nhân dân hoặc UBND các cấp. Nếu làm điều đó một cách rạch ròi thì người nào việc đó.

Khi khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển và đổi mới nhanh như vũ bão, thì các nhà khoa học của chúng ta nếu đã giỏi rồi, cần giỏi hơn nữa, bởi vì sự giỏi không có giới hạn. Phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là các khoa học cơ bản, khoa học công nghệ mũi nhọn, chúng ta mới có thể có những cải thiện thực sự về chất lượng giáo dục. Một trong các quyền tự chủ là phát triển đội ngũ, dành những gì tốt nhất để phát triển đội ngũ chuyên gia.

Trên thế giới, khi kể niềm tự hào của trường mình, các đại học không nói có bao nhiêu phòng học, không kể có bao nhiêu m2 đất, bao nhiêu gốc cây… mà người ta kể tên những chuyên gia hàng đầu mà thế giới biết tiếng. Hoặc họ kể trường tôi có những giải thưởng nổi tiếng nào... và kể về sinh viên của họ. Muốn có các sinh viên xuất sắc, thì không thể không có các thầy xuất sắc. Cho nên câu chuyện đặt ra là, cần có thêm những thầy giỏi đầu ngành để dẫn dắt, đất nước cần thêm những người như vậy.

Bên cạnh những công bố quốc tế, chúng ta cần cả những công trình giải quyết được các vấn đề nóng của đất nước, những công bố có thể ứng dụng để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đó trách nhiệm xã hội của giáo dục đại học, là bản chất của trí thức. Trí thức thì chỉ có một, không có trí thức công và tri thức tư. Trách nhiệm xã hội của người trí thức cũng không có công có tư.

Thời gian tới, để thúc đẩy tự chủ đại học sẽ có nhiều việc phải làm, mong muốn làm. Tuy nhiên, có những việc sẽ làm sớm, có những việc cần thời gian; trong đó cần phải sớm tháo gỡ các khó khăn để mở đường cho tự chủ đại học phát triển mạnh mẽ, mà trước mắt sửa Nghị định 99 và sớm điều chỉnh Luật số 34. Ngoài ra, cần triển khai những chính sách đặc thù để phát triển khoa học cơ bản, lĩnh vực sư phạm và các lĩnh vực mũi nhọn. Đồng thời, cần thêm những chính sách để phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, phát triển đội ngũ trí thức; đặc biệt là các nhà khoa học hàng đầu.

Nhân dịp đầu năm học mới, Bộ trưởng gửi gắm tới đội ngũ giáo viên, học sinh điều gì?

Một năm học mới bắt đầu với rất nhiều nhiệm vụ và thử thách lớn còn ở phía trước và cũng là một năm trọng tâm của quá trình đổi mới của giáo dục, khó khăn nhiều, nhưng cũng hứa hẹn rất nhiều thành tựu ở phía trước.

Tôi mong rằng toàn thể các nhà giáo và toàn thể các em học sinh, sinh viên tiếp tục nỗ lực, phấn đấu đổi mới, sáng tạo để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình trước ngành, trước xã hội.

Mong rằng toàn thể xã hội, các quý vị phụ huynh tiếp tục ủng hộ cho ngành Giáo dục trong thời gian sắp tới.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Lê Vân thực hiện

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/don-luc-go-kho-cho-tung-cap-hoc-de-but-pha-trong-doi-moi-giao-duc-20230901155406412.htm
Zalo