Đón học sinh trở lại trường: Linh hoạt để giảm áp lực

Ngày mai (11-5), các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Hà Nội đón học sinh trở lại trường. Linh hoạt trong phương án tổ chức dạy học, song vẫn bảo đảm nghiêm túc, không bỏ sót bất cứ khâu giám sát nào để học sinh được an toàn, không quá vất vả, căng thẳng là kinh nghiệm được đúc rút qua một tuần 'vận hành' của các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường Mầm non Tiền Phong A (huyện Mê Linh) tổ chức diễn tập đón học sinh.

Tăng ý thức, giảm áp lực

Từ ngày 4-5, gần 900 trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn Hà Nội đã đón học sinh trở lại trường học. Học sinh phấn khởi, hăng hái học tập, phụ huynh yên tâm, vững tin cho con trở lại trường là tâm lý chung được ghi nhận sau một tuần các nhà trường tổ chức dạy - học. Ý thức phòng, chống dịch Covid-19 được tăng cường ngay cả ở “vòng ngoài” và trong suốt thời gian các em học tập tại trường.

Bà Trần Lê Thu, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) cho biết: "Tại cổng trường, cùng với lực lượng công an địa phương như mọi khi, còn có các thầy, cô giáo vừa hướng dẫn học sinh, vừa nhắc nhở phụ huynh cùng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Vì vậy, phía ngoài cổng trường không có hiện tượng ùn tắc, việc thực hiện giãn cách cũng được phụ huynh lưu tâm. Học sinh được phân luồng vào trường theo hai cổng, một cổng dành cho học sinh đi xe đạp, một cổng dành cho học sinh đi bộ. Tất cả học sinh đi qua cổng đều được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay. Em nào quên khẩu trang sẽ được bổ sung ngay".

Còn ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) cho biết: "Do học sinh đã nghỉ học khá lâu, nên trong tuần đầu, nhà trường dành nhiều thời gian củng cố, rà soát mức độ tiếp nhận các bài học mà các em đã được học qua internet, trên truyền hình. Việc tổ chức dạy học được thực hiện linh hoạt để học sinh dần bắt nhịp trở lại; giáo viên vừa kết hợp học trực tiếp trên lớp, vừa dạy học qua internet để bảo đảm tiến độ và chất lượng".

Là địa phương còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19, bên cạnh việc tổ chức học tập, những ngày qua, hơn 1.200 học sinh Trường Trung học phổ thông Tiền Phong (huyện Mê Linh) được thầy, cô giáo tập trung hướng dẫn cách theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm các triệu chứng liên quan đến dịch của bản thân và các bạn để kịp thời có biện pháp xử lý.

Sau một tuần “vận hành”, ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhận định: "Các nhà trường đã duy trì tốt nhiệm vụ vừa dạy học, vừa chống dịch, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của học sinh, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho phụ huynh. Điều đáng ghi nhận, các thầy, cô giáo đã rất vất vả, căng mình để vừa chống dịch, vừa dạy học với công suất gấp đôi do các lớp đều thực hiện giảm sĩ số, chia nhỏ để bảo đảm giãn cách".

Tăng trách nhiệm, chủ động ứng phó

Việc bỏ quy định giãn cách trong lớp học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giảm đi nhiều khó khăn cho giáo viên, song cũng đặt ra yêu cầu đối với các nhà trường phải tăng cường trách nhiệm, chủ động ứng phó trong mọi tình huống, nhất là đối với học sinh nhỏ tuổi. Đây là một thách thức không nhỏ đối với các trường mầm non và tiểu học, khi chuẩn bị đón học sinh trở lại trường từ ngày 11-5.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông cho biết, quy mô giáo dục của quận có 70 trường mầm non, 240 cơ sở giáo dục mầm non tư thục và 28 trường tiểu học. Để tạo thuận lợi tối đa cho phụ huynh, các trường tiểu học duy trì việc tổ chức học 2 buổi/ngày, có ăn bán trú tại trường, tuy nhiên, những gia đình có điều kiện thì có thể đón con về. Ở cấp mầm non, phương án đón trẻ cũng bảo đảm linh hoạt, phụ huynh có thể đăng ký gửi con và đăng ký cho con ăn bán trú tại trường.

“100% trường mầm non đã thông tin đến phụ huynh, khuyến khích trẻ 5 tuổi đến trường để được trang bị kiến thức, kỹ năng chuẩn bị vào lớp 1; động viên phụ huynh có trẻ từ 2 đến 3 tuổi nếu có điều kiện thì chăm sóc tại nhà, do thời tiết diễn biến phức tạp, trẻ ở lứa tuổi này còn quá nhỏ, lại đã nghỉ khá lâu, nay thay đổi môi trường dễ có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe", bà Hằng cho biết thêm.

Linh hoạt trong phương án tổ chức dạy học, chăm sóc học sinh, song vẫn duy trì nghiêm túc các khâu, bảo đảm mục tiêu an toàn cũng là cách thức của các trường trên địa bàn huyện Mê Linh. Để chủ động kiểm soát tình hình, trong hai ngày 9 và 10-5, các nhà trường trên địa bàn đã tổ chức diễn tập kịch bản đón học sinh, xử lý tình huống bất thường.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh thông tin: "Trên địa bàn có 23 trường mầm non và 29 trường tiểu học. Căn cứ theo quy định chung, hiệu trưởng nhà trường được quyền chủ động xây dựng kế hoạch học tập, chăm sóc học sinh phù hợp với điều kiện thực tế, trong đó có việc tổ chức ăn bán trú trên tinh thần thỏa thuận với phụ huynh và phải tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện sẽ giám sát chặt chẽ việc triển khai ở các nhà trường".

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, sẽ có gần 1.900 trường mầm non, tiểu học (công lập và ngoài công lập) mở cửa đón học sinh trở lại từ ngày 11-5. Qua báo cáo của 30 phòng giáo dục và đào tạo và kết quả kiểm tra, đánh giá sơ bộ cho thấy, đến 11h ngày 10-5, công tác chuẩn bị đón học sinh tiểu học và trẻ mầm non trở lại trường đã cơ bản hoàn tất.

Chiều nay (10-5), các đoàn kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các đoàn kiểm tra của 30 phòng giáo dục và đào tạo tiếp tục rà soát, kiểm tra tại cơ sở để tiếp tục hỗ trợ các đơn vị hoàn thiện phương án tổ chức dạy học, chăm sóc học sinh chu đáo nhất, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tất cả các thành viên trong nhà trường, đồng thời bảo đảm tiến độ kết thúc năm học vào trước ngày 15-7-2020 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/967001/don-hoc-sinh-tro-lai-truong%C2%A0linh-hoat-de-giam-ap-luc
Zalo