Đơn hàng tăng, lao động thiếu hụt

Những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp nỗ lực đầu tư sản xuất, kinh doanh, hoàn thành các đơn hàng, nhất là các đơn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Thị trường lao động vì vậy tiếp tục ghi nhận nhiều yếu tố tích cực. Tuy nhiên, từ nhu cầu tuyển dụng cũng như nguồn cung lao động cho thấy còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ để thị trường lao động phát triển hiệu quả hơn.

Nhiều công ty cho biết, cuối năm lượng đơn hàng tăng nên cần thêm nhân lực nhưng việc tuyển dụng lao động ở thời điểm này lại rất khó. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều công ty cho biết, cuối năm lượng đơn hàng tăng nên cần thêm nhân lực nhưng việc tuyển dụng lao động ở thời điểm này lại rất khó. Ảnh: Quang Vinh.

Những tháng cuối năm là thời điểm vào mùa sản xuất, vì vậy hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Đặc biệt là với ngành dệt may.

Doanh nghiệp chạy đua “săn” nhân lực

Chia sẻ về nhu cầu tuyển dụng nhân lực dịp cuối năm, đại diện Công ty TNHH may xuất khẩu Thiên Hà (Ninh Bình) cho biết, hiện nay, công ty có đơn hàng đủ cho người lao động làm việc tới hết tháng 4/2025. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, công ty cần khoảng 300 lao động. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động ở thời điểm này lại rất khó khăn vì đa số lao động cũ đã tìm được công việc khác.

Tương tự, ông Wuzong Sheng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Green Precision Components Việt Nam tại Bắc Ninh cho biết: Chúng tôi dự kiến cần thêm ít nhất từ 500 - 1.000 nhân lực. Tuy nhiên việc tuyển dụng lao động không dễ dàng, nhất là tuyển dụng lao động kỹ thuật bởi tại Bắc Ninh, sự cạnh tranh giữa các công ty về nguồn lao động là rất lớn.

Cũng đang cần tuyển khoảng 500 lao động phục vụ cho nhà máy mới, Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Lô CN9, Khu công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Nội) đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng số lượng lớn. Theo bà Phan Thị Tuệ Minh - đại diện công ty, DN đảm bảo với người lao động về môi trường làm việc hiện đại, đảm bảo điều kiện 5S, có ký túc xá đầy đủ tiện nghi miễn phí cho lao động ở xa, thu nhập trung bình từ 8 - 12 triệu đồng, cùng nhiều chế độ phúc lợi tốt… nhưng việc tuyển dụng cũng rất khó khăn.

Theo bà Minh, để tuyển dụng đủ nguồn nhân lực như mong muốn, DN kết hợp nhiều hình thức tuyển dụng cả trực tiếp và trực tuyến, đồng thời phối hợp trực tiếp với các trường đại học để mở rộng cơ hội tuyển dụng. Cùng với đó là thông qua các kênh khác như các phiên giao dịch việc làm, qua mạng xã hội. “Dù vậy, việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn hơn do xu hướng của người lao động, đặc biệt là các bạn trẻ thích hướng đến các công việc tự do”- bà Minh cho hay.

Theo lý giải của đại diện DN thì hiện nay người lao động có khá nhiều sự lựa chọn với rất nhiều DN lớn. Do đó, cuộc cạnh tranh về nguồn nhân lực với các DN nhỏ và vừa là rất khó khăn.

Báo cáo “Cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý III và triển vọng quý IV/2024” vừa được Adecco Việt Nam công bố cũng cho thấy, nhu cầu tuyển dụng gia tăng ở các lĩnh vực, vị trí. Đặc biệt, khối công nghệ thông tin, công nghệ dù việc tuyển dụng nhân lực không hề dễ dàng song nhu cầu tuyển dụng khối này vẫn gia tăng theo tháng. Những vị trí tuyển dụng nhiều bao gồm: Quản lý đầu tư, quản lý quan hệ khách hàng và thu hồi công nợ. Các vị trí nhân sự và tài chính - kế toán nội bộ vẫn duy trì ổn định, phù hợp với chiến lược tăng trưởng thận trọng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bất ổn. Bên cạnh đó, sự gia tăng đáng kể nhu cầu tuyển dụng các vị trí tiếp thị và truyền thông, bán hàng của ngành FMCG (tiêu dùng nhanh) cho thấy, các công ty trong lĩnh vực này đang đẩy mạnh đầu tư vào phát triển thương hiệu và mở rộng thị phần, được thúc đẩy bởi sự phục hồi trong chi tiêu của người tiêu dùng.

Đánh giá về thị trường lao động những tháng đầu năm và dự báo những tháng cuối năm, ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương - Giám đốc toàn quốc Dịch vụ tư vấn tuyển dụng của Adecco Việt Nam cho biết, sau 9 tháng đầu năm đầy thách thức, dòng vốn đầu tư nước ngoài và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu đã hỗ trợ đà phát triển gần đây. Đây cũng là yếu tố quan trọng đẩy lực cho thị trường lao động. Đặc biệt, những tháng cuối năm xu hướng này sẽ càng phát triển, với dự báo hồi phục trong lĩnh vực bất động sản và nhu cầu về nhân lực có kỹ năng tiếp tục tăng cao trong nhiều ngành nghề. Người lao động nên ưu tiên không chỉ nắm bắt cơ hội hiện tại mà còn chuẩn bị cho sự phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

Nhiều công ty đang gặp khó trong việc tuyển dụng nhân lực. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH May Tinh Lợi (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương). Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều công ty đang gặp khó trong việc tuyển dụng nhân lực. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH May Tinh Lợi (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương). Ảnh: Quang Vinh.

Cách nào giữ chân lao động?

Nhu cầu tuyển lao động khá sôi động, song thực tế thị trường lao động cho thấy vẫn còn nhiều thách thức. Trong đó nổi lên là vấn đề điều tiết cung - cầu thị trường. Thực tế tại một số địa phương, khu công nghiệp, nhu cầu tuyển dụng nhân lực rất lớn song ở nhiều nơi số lao động thất nghiệp không có việc làm vẫn ở mức cao. Điều này cho thấy việc điều tiết thị trường lao động vẫn chưa theo kịp thị trường.

Các chuyên gia cho rằng, để cải thiện thu nhập và có cơ hội phát triển nghề nghiệp, người lao động cần xác định gắn bó lâu dài với DN. Sự thiếu nhất quán có thể gây bất lợi cho người lao động khi họ muốn thuyết phục nhà tuyển dụng mới với những cam kết về việc gắn bó lâu dài. Những lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng cần lưu ý, không “bỏ quên” quyền lợi được hỗ trợ học nghề để có thể sớm tìm được công việc mới tốt hơn, có triển vọng gắn bó lâu dài. Về phía DN cần có sự đổi mới, cơ cấu tổ chức đa dạng, linh hoạt, cải cách chế độ tiền lương và các chế độ phúc lợi. DN cũng lưu ý khi không có mức lương thực sự cạnh tranh thì môi trường và điều kiện làm việc trở thành yếu tố tiên quyết để người lao động đưa ra quyết định.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương- Giám đốc Dịch vụ tư vấn tuyển dụng khu vực Hà Nội (Adecco Việt Nam) nhấn mạnh, khi thị trường lao động có dấu hiệu phục hồi giữa những bất ổn đang tiếp diễn, việc chủ động duy trì khả năng thích ứng trở nên vô cùng quan trọng. Trong đó, chú trọng nâng cao kỹ năng trong các lĩnh vực có nhu cầu cao như công nghệ và sản xuất, kết nối với các chuyên gia trong ngành và cập nhật xu hướng thị trường sẽ giúp cải thiện triển vọng nghề nghiệp. Tập trung vào các kỹ năng mềm cốt lõi và không ngừng học hỏi sẽ giúp cá nhân nổi bật hơn trong môi trường cạnh tranh.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, thời gian qua, Bộ đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời chú trọng mục tiêu đẩy mạnh đào tạo nghề, phát triển kỹ năng, bảo đảm quyền lợi của người lao động thông qua việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp lao động cũng như thúc đẩy bình đẳng giới và cơ hội việc làm cho các nhóm đối tượng yếu thế. Tuy nhiên, để đảm bảo ổn định thị trường lao động, bà Hà mong muốn, cộng đồng DN cần chủ động xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh. Việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực, thực hiện đầy đủ các chính sách về lao động, tăng cường đối thoại với người lao động sẽ giúp DN phát triển bền vững hơn.

Bà Ingrid Christensen - Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam:

Lương cao chưa chắc giữ chân được người lao động

Vấn đề liên quan đến lương thưởng rất quan trọng với người lao động không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Tất cả mọi người đều có gia đình phải chăm lo và cần chi tiêu tài chính cá nhân. Nếu chỉ tập trung lương cao cho người lao động thì không thể giải quyết và giữ chân họ. Cùng với tiền lương, DN cần trang bị nhiều yếu tố khác như làm việc linh hoạt, môi trường làm việc thân thiện...Ví dụ như, nếu nhân viên có con nhỏ thì nhu cầu của họ không chỉ là tiền. Như vậy, ở đây chúng ta cần nói về động lực làm việc là gì? Động lực làm việc của mỗi người lại khác nhau, như có người cần sự tự do trong công việc, sự tôn trọng, ghi nhận… Do đó, để giữ chân lao động DN cần phải có nhiều ưu tiên để chăm lo cho cuộc sống của người lao động, những chính sách này bao gồm: lương, thưởng, phúc lợi xã hội và sự bình đẳng.

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội:

Tăng cường kết nối doanh nghiệp và người lao động

Để hỗ trợ thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các địa phương trên địa bàn tổ chức phiên giao dịch việc làm, cung cấp các thông tin thị trường lao động cho các DN, người lao động. Đồng thời, Trung tâm cũng sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn việc làm và các điểm vệ tinh.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/don-hang-tang-lao-dong-thieu-hut-10294202.html
Zalo