Đơn hàng ngành sản xuất Việt Nam tăng mạnh trong quý I/2025
Chỉ số mua hàng của các nhà sản xuất đã tăng trở lại sau bốn tháng duy trì đà giảm cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất Việt Nam có cải thiện.
Tại nhiều doanh nghiệp dệt may, linh kiện, mức tăng trưởng đơn hàng đạt hai con số. Ngoài ra, cũng có những dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch thương mại toàn cầu.
Quý I/2025, đơn hàng của một doanh nghiệp dệt may tăng 28% so với cùng kỳ, giúp doanh nghiệp có đơn hàng đến hết tháng 6. Ngoài đơn hàng ổn định từ khách hàng châu Âu truyền thống, đơn vị cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng từ khách hàng Hoa Kỳ.
Bà Trần Thị Hà, Tổng Giám đốc phụ trách Khối thương mại, Công ty ProSports, cho biết: “Sau khi ông Trump quay trở lại Nhà Trắng, đã có nhiều dự đoán là ông ấy sẽ áp thuế Trung Quốc. Do vậy, Việt Nam hưởng lợi thế trong quý IV/2024 và quý I/2025, có nhiều nhãn hàng chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc và một trong những thị trường điểm đến là Việt Nam. Công ty chúng tôi cũng đón một vài đơn hàng như vậy”.
Tương tự, một doanh nghiệp phụ tùng cũng nhận đơn hàng quý I/2025 tăng 30% so với cùng kỳ. Dự kiến cả năm nay, lượng đơn hàng sẽ tăng 35% so với năm 2024.
Ông Nguyễn Ninh, Trưởng Phòng Quản lý sản xuất Công ty TNHH Sản xuất Phụ tùng ô tô xe máy Hưng Yên, cho biết: “Hiện tại, các đơn hàng chúng tôi nhận được đều là đơn hàng chuyển dịch từ làn sóng Trung Quốc sang Việt Nam. Đơn hàng chuyển dịch này trong năm 2025, 2026 sẽ còn tăng và phát triển tới 50%”.
Theo S&P Global, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt kết quả 50,5 điểm trong tháng 3/2025, tăng so với 49,2 điểm của tháng 2/2025 và đã đạt trên ngưỡng 50 điểm lần đầu tiên trong thời gian bốn tháng. Tín hiệu tích cực trong các ngành sản xuất Việt Nam, đó là sản lượng, số lượng đơn hàng tăng trở lại, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng chậm lại.
Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: “Đảng và Chính phủ cũng như các doanh nghiệp trong nước cần bám sát các diễn biến của thị trường. Điều quan trọng nữa là chúng ta cần khai thác các thị trường mới, ví dụ như thị trường Trung Đông, EU đang có tiềm năng. Ngoài ra cũng cần mở rộng các thị trường cũ như Trung Quốc, Nhật Bản".
Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12-14%. Tức là mỗi tháng, Việt Nam xuất khẩu 38 tỉ USD, cao hơn 4 tỷ USD so với 2024. Những số liệu của ba tháng đầu năm đang tạo tín hiệu tốt cho mục tiêu này.