Đơn giản hóa quy trình xử lý thủ tục hành chính

Thời gian qua, người dân Thủ đô đã dần quen với việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội (gọi tắt là Trung tâm). Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Cù Ngọc Trang, Giám đốc Trung tâm để làm rõ hơn về hoạt động của mô hình này.

Phóng viên (PV): Trung tâm ra đời trong bối cảnh TTHC đang là rào cản đối với sự phát triển của TP Hà Nội, ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Ông Cù Ngọc Trang: Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, với dân số hơn 8,5 triệu người và hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Mỗi năm, số lượng hồ sơ TTHC mà thành phố phải xử lý lên đến hàng triệu hồ sơ. Tuy nhiên, thời gian qua, quy trình giải quyết TTHC tại một số nơi tồn tại những hạn chế, như: Thủ tục rườm rà, thiếu tính liên thông; thời gian xử lý chậm, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu tính đồng bộ; trình độ công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm của một số cán bộ, nhân viên còn yếu...

Ông Cù Ngọc Trang, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội. Ảnh: PHẠM HOÀNG

Ông Cù Ngọc Trang, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội. Ảnh: PHẠM HOÀNG

Trước thực trạng trên, Trung tâm được thành lập với mục tiêu trở thành mô hình kiểu mẫu về cải cách hành chính và chuyển đổi số, giúp tập trung các TTHC tại một đầu mối, giảm thiểu tình trạng phân tán, chồng chéo, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Trung tâm hoạt động dựa trên 3 nguyên tắc: Phi địa giới, phi tiếp xúc, phi vật chất. Đây được xem là bước đi tất yếu, phù hợp với xu hướng phát triển chung của cả nước và quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC.

PV: Vậy theo ông, người dân được hưởng lợi gì từ Trung tâm?

Ông Cù Ngọc Trang: Trung tâm mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp, điển hình như việc người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến qua hệ thống dịch vụ công trên website hoặc thông qua các ứng dụng được tích hợp trên phần mềm iHanoi; chỉ cần đến một địa điểm để nộp hồ sơ và nhận kết quả, hoặc đăng ký nhận tại nhà mà không bị phụ thuộc bởi địa giới hành chính; có thể thanh toán trực tuyến nhanh chóng. Bên cạnh đó, quy trình giải quyết TTHC cũng được tái cấu trúc theo hướng tinh giản, xóa bỏ các bước và giấy tờ không cần thiết. Những điều này giúp giảm đáng kể thời gian chờ đợi và đặc biệt giúp người dân không phải đi lại nhiều nơi.

Phương châm “không tiếp xúc” góp phần tạo ra cơ chế làm việc khách quan, hạn chế được tình trạng sách nhiễu. Việc giải quyết TTHC được thực hiện trên môi trường điện tử nên mọi thao tác, tình trạng đều được lưu vết trên hệ thống, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát của Trung tâm, từ đó hạn chế tình trạng chậm, muộn, đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình xử lý hồ sơ.

PV: Việc triển khai các chi nhánh, điểm tiếp nhận hồ sơ của Trung tâm được thực hiện thế nào, thưa ông?

Ông Cù Ngọc Trang: Từ ngày 1-4, Trung tâm đã triển khai đồng loạt 12 chi nhánh trên địa bàn TP Hà Nội. Các chi nhánh được thiết kế theo từng phân khu, từ khu vực lễ tân, trạm số hóa, ki ốt thông minh đăng nhập bằng căn cước công dân kết hợp sinh trắc học đến khu vực tư vấn, khu vực tiếp nhận.

Trung tâm cũng đã triển khai thí điểm hơn 200 đại lý dịch vụ công trực tuyến trên cơ sở phối hợp với các doanh nghiệp mạnh, có cơ sở vật chất tốt như VNPost, Viettel Post, FPT Shop. Các đại lý này sẽ hỗ trợ miễn phí người dân thực hiện các TTHC trên môi trường mạng như cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID; cấp, đổi giấy phép lái xe; đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn...; đồng thời, trả kết quả về tận nhà nếu người dân có yêu cầu. Mô hình này giúp giảm khoảng 60-70% thời gian và khoảng 40-50% chi phí so với phương thức truyền thống. Trong quý II-2025, Trung tâm dự kiến sẽ mở hơn 500 đại lý dịch vụ công trực tuyến trên toàn thành phố.

PV: Ông có thể cho biết phương hướng hoạt động của Trung tâm trong thời gian tới?

Ông Cù Ngọc Trang: Thời gian tới, Trung tâm sẽ đẩy mạnh số hóa toàn bộ quy trình giải quyết TTHC, nâng cấp hệ thống thông tin cùng nhiều tính năng, tích hợp phần mềm iHanoi và VNeID, đặc biệt là triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quá trình giải quyết TTHC với một số mô hình mới như Chatbot, Callbot, tổng đài thông minh 19001009. Đồng thời, tập trung nguồn lực để xây dựng và nâng cấp hạ tầng số, bảo đảm kết nối băng thông rộng và hệ thống máy chủ đủ mạnh để hỗ trợ các dịch vụ công trực tuyến với lượng truy cập lớn.

Người dân đến làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội. Ảnh: PHẠM HOÀNG

Người dân đến làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội. Ảnh: PHẠM HOÀNG

Bên cạnh đó, bố trí các trạm số hóa tại các chi nhánh của Trung tâm, có tích hợp ví giấy tờ điện tử của người dân. Mỗi người dân cài đặt phần mềm iHanoi sẽ có 1 ví giấy tờ điện tử có thể lưu trữ toàn bộ kết quả giải quyết TTHC, các giấy tờ đã được chứng thực điện tử, các tài liệu được sao chụp từ trạm số hóa. Cơ chế hoạt động của trạm là xác thực bằng căn cước công dân kết hợp sinh trắc học, không yêu cầu người dân có tài khoản và nhớ mật khẩu. Sau thao tác sao chụp, tài liệu sẽ tự động được lưu vào ví giấy tờ của người dân để có thể nộp hồ sơ trực tuyến và khi rút căn cước công dân ra thì toàn bộ thông tin của người dân sẽ tự động đăng xuất khỏi thiết bị của trạm, bảo đảm an toàn dữ liệu cá nhân cho người dùng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HOÀNG CHUNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/don-gian-hoa-quy-trinh-xu-ly-thu-tuc-hanh-chinh-823700
Zalo