Đón đầu xu thế phát triển
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1325/QĐ-TTg về kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quyết định này là đưa vùng Đông Nam bộ đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao.
Theo đó, vùng Đông Nam bộ sẽ tập trung phát triển một sốngành công nghiệp như cơ khí chế tạo, hóa dầu, sản phẩm hạ nguồn của ngành công nghiệp hóa dầu, chế biến sản phẩm từ dầu, hóa chất. Vùng ưu tiên phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao như điện tử - viễn thông; công nghiệp sản xuất robot, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, công nghiệp sản xuất phần mềm, sản phẩm số, công nghiệp môi trường và các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Riêng tại Bình Dương, vừa qua tỉnh đã công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu đưa Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á và dẫn đầu về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại. Công nghiệp bán dẫn trở thành định hướng lớn mà tỉnh tập trung cho giai đoạn mới. Hiện nay, Bình Dương đang triển khai các bước để xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung và Khu công nghệ cao rộng 220 ha, chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng đón các nhà đầu tư công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn. Bình Dương cũng đang thực hiện định hướng của Chính phủ đào tạo và đào tạo lại 50.000 kỹ sư cho các ngành công nghiệp công nghệ cao; đề nghị các trường đại học xây dựng đề án đào tạo nhân lực. Cùng với đó, Bình Dương cũng đang xây dựng các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Theo lãnh đạo tỉnh, để đón đầu xu thế phát triển, Bình Dương cần có hệ thống giải pháp đồng bộ và toàn diện, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu, bao gồm: Tháo gỡ khó khăn về thể chế, tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với kinh tế tri thức; thúc đẩy tăng trưởng xanh...