Đón đầu dòng vốn ngoại, Kinh Bắc báo lãi lớn trong nửa đầu năm

Riêng trong quý 2/2023, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (Kinh Bắc City - HoSE: KBC ) đã thu về 746 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 331% so với cùng kỳ.

Ảnh minh họa: Tá Quyền

Ảnh minh họa: Tá Quyền

Trong quý, Kinh Bắc ghi nhận 2.051 tỷ đồng doanh thu, gấp 5,2 lần so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi giá vốn, công ty thu về 1.492 tỷ đồng lợi nhuận gộp, gấp 8,1 lần so với cùng kỳ.

So với cùng kỳ năm 2022, doanh thu hoạt động tài chính của Kinh Bắc tăng thêm 54 tỷ đồng, ở mức 138 tỷ đồng, trong khi đó chi phí tài chính lại ở mức 152 tỷ đồng. Các chi phí khác như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng, lần lượt từ 8 tỷ đồng lên 151 tỷ đồng và 95 tỷ đồng lên 299 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các loại chi phí, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc báo lãi 746 tỷ đồng trong quý 2/2023, tăng 331% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Kinh Bắc ghi nhận 4.274 tỷ đồng doanh thu và 1.803 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tại ĐHĐCĐ 2023, Kinh Bắc đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu hợp nhất là 9.000 tỷ đồng và tổng lợi nhuận sau thuế là 4.000 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm tài chính, KBC đã hoàn thành lần lượt 47% kế hoạch doanh thu và 45% kế hoạch lợi nhuận.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Kinh Bắc ở mức 33.616 tỷ đồng, giảm 1.290 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm phần lớn với 26.107 tỷ đồng, chủ yếu là hàng tồn kho với 11.897 tỷ đồng.

Tài sản dài hạn của KBC ở mức 7.508 tỷ đồng, chủ yếu là 4.759 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn. Tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 1.367 tỷ đồng.

Tổng số nợ phải trả của Kinh Bắc là 13.837 tỷ đồng, giảm 3.223 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ ngắn hạn chiếm 7.331 tỷ đồng, đáng chú ý, khoản vay ngắn hạn còn 904 tỷ đồng, giảm 3.047 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ dài hạn ở mức 6.505 tỷ đồng, chủ yếu là 3.252 tỷ đồng vay dài hạn từ các ngân hàng.

Chia sẻ về tình hình hoạt động của công ty tại ĐHCĐ thường niên 2023 vào ngày 23/6, Phó tổng giám đốc Kinh Bắc Phạm Phúc Hiếu cho biết tình hình tài chính của KBC có thể nói là tốt nhất từ trước tới nay, từ đầu năm đến giờ có nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính tiếp xúc với KBC để đề nghị tài trợ dự án.

Quỹ đất của KBC còn 6.000 ha, đủ để phát triển trong 10 năm. Chỉ tiêu kế hoạch diện tích cho thuê khu công nghiệp 2023 là 250 ha, đến cuối tháng 6 đã đạt được 70%.

Còn Tổng giám đốc Nguyễn Thị Thu Hương thông tin đang có khoảng 20 doanh nghiệp sản xuất thiết bị thông minh như điện tử của Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc đang quan tâm đến khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh và khu công nghiệp Tràng Duệ 3 của Kinh Bắc.

Từ đầu năm đến nay, Kinh Bắc liên tục đón tin mừng trong hoạt động kinh doanh. Vào tháng 2/2023, Tập đoàn Goertek - tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc thuê lại 62,7 ha đất tại KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh (Bắc Ninh) với Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc để sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, âm thanh đa phương tiện.

Tháng 7/2023, Kinh Bắc đã được UBND tỉnh Bắc Giang duyệt quy hoạch khu công nghiệp Quang Châu mở rộng hơn 90ha, mở rộng quỹ đất phát triển hạ tầng.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch chiều 31/7, cổ phiếu KBC đang ở mức 33.000 đồng/cổ phiếu.

Thảo Ngân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/don-dau-dong-von-ngoai-kinh-bac-bao-lai-lon-trong-nua-dau-nam-post24961.html
Zalo