Đơn đặt hàng đã trở lại nhưng doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu

Theo khảo sát của S&P Global (nhà cung cấp hàng đầu các chỉ số và nguồn dữ liệu xếp hạng tín dụng độc lập), số lượng đơn đặt hàng của tháng 6 chỉ đứng sau mức kỷ lục được ghi nhận vào tháng 3/2011. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã tăng mạnh, từ 50,3 điểm phần trăm trong tháng 5, vọt lên 54,7 điểm trong tháng 6 vừa qua.

Những con số ấn tượng

Những con số này cho thấy, sức khỏe các ngành sản xuất đã và đang được cải thiện rõ nét. Cụ thể, các báo cáo cho thấy nhu cầu đã cải thiện khi một số khách hàng quay trở lại yêu cầu có thêm đơn đặt hàng trong tháng. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2/2022. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh tương xứng với mức tăng của sản lượng sản xuất, với mức tăng mạnh nhất về sản lượng trong hơn 5,5 năm qua. Đây là dấu hiệu đáng phấn khởi, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp đã và đang phục hồi và có sự khởi sắc nét hơn.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, bất định. Nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong nắm bắt tình hình, chủ động đưa ra các giải pháp ứng phó, linh hoạt, kịp thời, trọng tâm, trọng điểm trước các vấn đề phát sinh, điều hành tỷ giá hối đoái phù hợp; với sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội; đặc biệt, với sự năng động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và các hộ kinh doanh là những yếu tố cơ bản dẫn tới kinh tế nước ta 6 tháng đầu năm 2024 phục hồi tích cực qua từng tháng trên hầu hết các lĩnh vực.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng trước, tăng 1,4% so với tháng 12/2023, tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm 2024 được kiểm soát ở mức 4,08%; thúc đẩy tăng trưởng cả 3 khu vực; các cân đối lớn được bảo đảm, tạo cơ sở và niềm tin thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội cả năm 2024 đã được Quốc hội thông qua.

Trong khó khăn, thách thức luôn xuất hiện cơ hội. Năm 2024 và các năm tiếp theo, kinh tế nước ta có những thời cơ và vận hội mà không phải quốc gia nào cũng có được để phát huy hiệu quả hơn các động lực hiện có và tạo dựng các động lực mới cho phát triển.

Cơ hội luôn đi cùng thách thức

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, 5 mặt hàng xuất khẩu gỗ chủ lực của Việt Nam là: đồ gỗ, ghế ngồi, dăm gỗ, gỗ dán và viên nén. Năm 2024, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ trên 14,2 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023. Xuất khẩu gỗ sẽ khởi sắc trong năm 2024. Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU vẫn là những thị trường tiềm năng, ổn định về xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam.

Ngành đồ gỗ khởi sắc trong năm 2024

Ngành đồ gỗ khởi sắc trong năm 2024

Đại diện Bộ Công Thương nhận định, năm 2024, triển vọng thương mại toàn cầu được dự báo chưa thật khởi sắc, tiếp tục tác động không thuận lợi tới hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành hàng, trong đó có sản phẩm gỗ và lâm sản. Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị giữa Nga - Ukraina, Israel - Hamas và vấn đề tại Biển Đỏ đang trực tiếp làm đứt gãy chuỗi cung ứng, làm leo thang chi phí vận chuyển, giao hàng. Các thị trường xuất khẩu chính tăng cường thực thi các quy định nhập khẩu như một hàng rào kỹ thuật quan trọng đối với nhiều nhóm mặt hàng từ các nước xuất khẩu. Đơn cử, các quốc gia Châu Âu (EU) đã có yêu cầu về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), có hiệu lực từ tháng 10/2023. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU sẽ phải chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường EU, Viforest đã hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp sản xuất giảm phát thải. Viforest cũng hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất giảm phát thải gắn liền với chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị. Đặc biệt là đổi mới trang thiết bị để nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao năng suất lao động, tạo ra sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đồng thời để phát triển bền vững, Ngành gỗ đã kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phát triển các khu cung ứng, đẩy mạnh trồng rừng, đặc biệt là trồng rừng cây gỗ lớn đảm bảo nguồn cung nguyên liệu về gỗ rừng trồng cho các doanh nghiệp chế biến gỗ, từ đó giảm thiểu nhập khẩu gỗ rừng tự nhiên.

Theo đại diện Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), da giày dù là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng có một thực tế hiện nay là ngành quá tập trung vào gia công và phó mặc nguyên vật liệu cho chuỗi cung ứng ngoài nước, chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc… Thị trường kinh doanh giao dịch mua bán nguyên phụ liệu da giày tại Việt Nam hầu như không có. Do đó, thực tế đặt ra là 60 - 70% số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ của ngành da giày Việt Nam phải loay hoay tự đi tìm nguồn cung nguyên liệu hoặc phải chạy theo sự chỉ định của khách hàng. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong thời gian tới.

Trên thực tế, bên cạnh triển vọng khả quan nhưng doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới như: giá đơn hàng không tăng trong khi chi phí logistics, cụ thể là chi phí vận tải biển đã tăng liên tục trong thời gian qua. Điều này dẫn tới việc khách hàng yêu cầu doanh nghiệp Việt phải chia sẻ một phần chi phí vận chuyển, ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ngành giày da vẫn quá tập trung vào gia công

Ngành giày da vẫn quá tập trung vào gia công

Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung thực hiện cải cách và hoàn thiện thể chế, dỡ bỏ các rào cản trong kinh doanh và đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là cởi mở và thân thiện. Đặc biệt, Chính phủ đã nới lỏng quy định và tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết, giảm bớt gánh nặng cho nhà đầu tư, cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư không giới hạn vào trái phiếu Chính phủ.

Điểm đáng chú ý về vốn FDI tại Việt Nam trong 6 tháng năm 2024 là số dự án mới và số vốn mới đăng ký rất cao so với cùng kỳ năm trước, có 1.538 dự án được cấp phép, tăng 18,9%; với số vốn đăng ký đạt 9,54 tỷ USD, tăng 46,9%. Đây là tín hiệu tốt, chúng ta kỳ vọng lượng vốn đăng ký mới này sẽ sớm được giải ngân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Doanh nghiệp sản xuất cần tạo "bản sắc" riêng của mình

Doanh nghiệp sản xuất cần tạo "bản sắc" riêng của mình

Đức Hiền

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/don-dat-hang-da-tro-lai-nhung-doanh-nghiep-chua-chu-dong-duoc-nguon-cung-nguyen-lieu-153404.html
Zalo