'Đòn bẩy' thúc đẩy phát triển ngành y dược và công nghệ sinh học Việt Nam

Thế giới đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, tạo những bước chuyển mình sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành y dược và công nghệ sinh học.

Sự đổi mới sáng tạo, không ngừng tìm kiếm giải pháp và công nghệ mới là yêu cầu thiết yếu để giải quyết những thách thức mà ngành y dược và công nghệ sinh học đang đối mặt. Trong bối cảnh đó, sở hữu trí tuệ trở thành yếu tố then chốt không thể thiếu, đổi mới sáng tạo mở và sáng chế là đòn bẩy, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và sáng tạo trong ngành Y dược và công nghệ sinh học Việt Nam.

Cán bộ kỹ thuật của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên kiểm tra giống sắn chống bệnh khảm lá được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN

Cán bộ kỹ thuật của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên kiểm tra giống sắn chống bệnh khảm lá được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở

Ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo mở và sáng chế trong lĩnh vực y dược và công nghệ sinh học; đồng thời, mong muốn Việt Nam tập trung xây dựng các chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở, phát triển ngành y dược và công nghệ sinh học Việt Nam trong thời gian tới.

Cục Sở hữu trí tuệ luôn nhận thức rõ sở hữu trí tuệ không chỉ là công cụ bảo vệ quyền lợi của các nhà sáng chế mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp, trong đó có y dược và công nghệ sinh học. Các sáng chế và giải pháp hữu ích trong lĩnh vực y dược và công nghệ sinh học có khả năng làm thay đổi cuộc sống, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và bảo vệ môi trường; góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế tri thức, tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội. Chủ trương, chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo và các quy định pháp luật, thủ tục đăng ký về sáng chế nói chung và sáng chế trong lĩnh vực y dược, công nghệ sinh học nói riêng đã tương đối hoàn thiện để thúc đẩy mô hình đổi mới sáng tạo mở trong lĩnh vực y tế; kết nối các giải pháp sản phẩm dịch vụ đổi mới sáng tạo vào lĩnh vực y dược và công nghệ sinh học Việt Nam.

Tại Diễn đàn "Đổi mới sáng tạo mở và sáng chế phục vụ phát triển ngành y dược và công nghệ sinh học Việt Nam" mới đây, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hội Sáng chế Việt Nam cho rằng: Cần vận dụng các chiến lược về đổi mới sáng tạo và đổi mới sáng tạo mở vào lĩnh vực y dược và công nghệ sinh học một cách phù hợp nhằm tạo ra, cải tiến hoặc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, các giải pháp quản lý mới để không ngừng nâng cao hiệu quả và chất lượng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Các quy định hiện hành cần được thường xuyên rà soát, cập nhật văn bản hướng dẫn, đảm bảo phát huy năng lực đổi mới sáng tạo của các cơ sở y tế nhưng không vi phạm các quy định pháp luật, nhất là về sở hữu trí tuệ, trong đó có sáng chế. Khuyến khích ngành y dược và công nghệ sinh học có giải pháp phát hiện, ươm tạo, nhân rộng các mô hình, giải pháp đổi mới sáng tạo giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng chăm sóc đời sống, sức khỏe người dân. Ưu tiên chọn lựa các sản phẩm là kết quả của hoạt động đổi mới sáng tạo tại các bệnh viện và các cơ sở y tế nhằm giới thiệu. chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo với những kết quả thiết thực, góp phần tạo sự lan tỏa về nhận thức và hành động về đổi mới sáng tạo trong toàn ngành y dược và công nghệ sinh học.

Ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ thêm: Đổi mới sáng tạo và sáng chế ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc phát triển khoa học - công nghệ và kinh tế - xã hội. Từng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đều cần đổi mới sáng tạo và đổi mới sáng tạo mở để tự nâng cao năng lực cạnh tranh, khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh và tạo ra các điểm mới, khác biệt nhằm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Đặc biệt, các hoạt động đổi mới sáng tạo phải gắn với quyền sở hữu trí tuệ, với sáng chế để có cơ chế bảo vệ khi có các hành vi vi phạm, xâm phạm.

Góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng

Ông Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ thêm: Đổi mới sáng tạo trong y tế đề cập đến việc phát triển và áp dụng các ý tưởng công nghệ, quy trình và giải pháp mới cải thiện chất lượng và thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học trong y học. Sự đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y học sẽ giải quyết những thách thức và nhu cầu ngày càng tăng của hoạt động chăm sóc sức khỏe, diễn ra trong tất cả các khâu từ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng bệnh tật, khám chữa bệnh, sản xuất thuốc, vaccine, sinh phẩm và thiết bị y tế.

Trí tuệ nhân tạo đang là xu hướng nổi bật trong mọi lĩnh vực toàn cầu và lĩnh vực công nghệ sinh học cũng không ngoại lệ. Nhờ sức mạnh to lớn của trí tuệ nhân tạo, rất nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế đã ra đời để giảm tải gánh nặng cho các bệnh viện, cải thiện trình độ chuyên môn và hiệu quả công việc lâm sàng. Đồng thời, sự ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong y dược ngày một rộng rãi hứa hẹn mang lại những điểm tích cực trong điều trị và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là ở các khu vực khó tiếp cận như nông thôn hay vùng sâu, vùng xa... Điều này không chỉ giải quyết vấn đề khan hiếm bác sĩ mà còn thúc đẩy sự đổi mới trong ngành y dược và công nghệ sinh học.

Ông Lê Huy Anh thông tin thêm, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với các đơn vị liên quan cung cấp tài liệu để nhận diện, cũng như một số quy định và thủ tục đăng ký sáng chế trong y dược và công nghệ sinh học. Đặc biệt là các sáng chế dưới dạng quy trình và sản phẩm trong lĩnh vực đông y và công nghệ sinh học theo nguyên tắc "vấn đề và giải pháp" tức là các giải pháp phải xuất phát từ nhu cầu, từ các vấn đề của cuộc sống, của thị trường và luôn phải hướng đến mục tiêu tính ứng dụng, hữu ích, có giá trị thương mại trong đời sống. Việc khai thác các sáng chế về y dược đã hết hạn bảo hộ hoặc không bảo hộ tại Việt Nam có thể giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm giá thuốc, tận dụng ưu thế của "quốc gia đi sau" nhằm "đi tắt đón đầu" trong sử dụng đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ để phát triển đột phá. Ngoài ra, nêu những điểm mới trong quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đăng ký, hạn chế quyền, ngoại lệ trong bảo hộ sáng chế y dược, kiểm soát an ninh sáng chế, chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng sáng chế, sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, đền bù cho chủ sở hữu sáng chế trong trường hợp chậm trễ trong cấp phép lưu hành dược phẩm...

Việc phát triển và bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực y học là vô cùng quan trọng và phức tạp, đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về các quy định pháp lý liên quan đến bảo hộ sáng chế. Để thành công trong việc bảo vệ các sáng chế y học, đặc biệt là những sáng chế liên quan đến phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh, chủ sở hữu sáng chế cần hiểu rõ về các phương pháp y học không được bảo hộ theo pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị một bản mô tả sáng chế rõ ràng và chi tiết, làm rõ rằng mục đích của sáng chế không liên quan đến chẩn đoán hay chữa bệnh, sẽ giúp giảm thiểu rủi ro bị từ chối bảo hộ sáng chế, làm tăng cơ hội được bảo hộ sáng chế một cách hiệu quả tại Việt Nam.

HL (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/don-bay-thuc-day-phat-trien-nganh-y-duoc-va-cong-nghe-sinh-hoc-viet-nam-20240924164546195.htm
Zalo