Đòn bẩy thúc đẩy giảng viên nghiên cứu khoa học
Các cơ sở GD đại học đứng trước đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, chú trọng hơn năng lực nghiên cứu của giảng viên...
Một trong những mục tiêu tại Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 là đến năm 2030, số lượng công bố khoa học và công trình ứng dụng khoa học công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian đạt 0,6 công trình/năm. Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học phải nâng cao chất lượng, chú trọng hơn năng lực nghiên cứu của giảng viên.
Mô hình nhóm nghiên cứu liên ngành
Các cơ sở giáo dục đại học đang khẩn trương thống kê, rà soát số lượng đề tài nghiên cứu, công bố khoa học của giảng viên để xây dựng giải pháp phù hợp, đảm bảo mục tiêu đạt bình quân 0,6 công trình/năm/giảng viên.
Với 156 giảng viên toàn thời gian, năm học 2023 - 2024, bình quân công bố khoa học của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) đạt 0,403 bài/1 giảng viên/1 năm học.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết, tỷ lệ bình quân công bố khoa học và công nghệ/giảng viên toàn thời gian như trên không quá cao. Nhà trường đã vượt con số này. Năm 2024, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) có 134 công bố quốc tế trên WoS, Scopus; 436 công bố trong nước và quốc tế khác.
Tỷ lệ công bố quốc tế đạt 0,56 bài/giảng viên; tỷ lệ công bố chung là 2,2 bài/giảng viên. Trong 5 năm từ 2020 - 2024, số lượng công bố công trình nghiên cứu khoa học của nhà trường là hơn 2.000 bài, hơn 500 bài công bố quốc tế trên WoS, Scopus.
Với đặc thù riêng, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã có giải pháp để nâng tỷ lệ nghiên cứu khoa học cho giảng viên thuộc khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục.
Ngoài chính sách khen thưởng cho giảng viên có công bố khoa học, nhà trường còn đặt mức thưởng 50 triệu cho giảng viên đạt chuẩn phó giáo sư, 100 triệu đồng nếu đạt chuẩn giáo sư và bắt buộc giảng viên phải làm nghiên cứu sinh. Trường còn đầu tư cho các công trình nghiên cứu khoa học trọng điểm với mức 100 triệu đồng/công trình kèm theo yêu cầu phải có công bố quốc tế.
Để nâng chất lượng và gắn kết chặt chẽ, hữu cơ giữa 3 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy và phục vụ cộng đồng của một giảng viên, PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã “gom” thành các nhóm nghiên cứu mạnh theo hướng liên ngành. Các nhóm nghiên cứu này sẽ bám sát định hướng khoa học công nghệ của Chính phủ và Bộ GD&ĐT.
Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh theo hướng liên ngành là cách nhiều trường đại học đang triển khai. TS Nguyễn Minh Hải - Khoa Xây dựng - Cầu đường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, nghiên cứu đa ngành đang và sẽ tiếp tục là xu thế của thế giới.
Trở về Việt Nam sau 15 năm học tập, giảng dạy và nghiên cứu tại Nhật Bản, ngoài lĩnh vực chuyên môn là kết cấu công trình và vật liệu xây dựng, TS Nguyễn Minh Hải đang cùng một số đồng nghiệp tại Việt Nam và Nhật Bản triển khai một số đề tài liên quan đến quang học, hóa học, kiến trúc, giáo dục, xã hội…
“Khi lên ý tưởng nghiên cứu, tôi không bó buộc mình vào lĩnh vực nào, miễn là dự án nghiên cứu có ý nghĩa và khả thi đối với ngành xây dựng nói riêng và kỹ thuật nói chung của Việt Nam. Tôi sẵn sàng học lại từ đầu những mảng kiến thức mình chưa có trước đó hoặc chủ động tìm kiếm, kết nối với những đồng nghiệp chuyên sâu về lĩnh vực để học hỏi và cùng thực hiện”, TS Hải chia sẻ.
Đa dạng nguồn kinh phí hỗ trợ
Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ từ trường đại học sẽ góp phần phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và địa phương. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách khiêm tốn, việc đạt mục tiêu 0,6 công trình/năm/giảng viên là thách thức với nhiều trường đại học.
PGS.TS Võ Trung Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ, dù mức công bố bình quân hiện nay đã vượt chuẩn quy định của chuẩn cơ sở giáo dục đại học nhưng chỉ đạt 84% so với mục tiêu chiến lược. Nhà trường vẫn gặp khó khăn về tuyển dụng giảng viên, thiết bị nghiên cứu còn hạn chế. Đây là những thách thức trong việc duy trì mức công bố bình quân hiện có.
Ngoài trích 5% nguồn kinh phí để hỗ trợ hoạt động khoa học công nghệ, nhà trường khuyến khích giảng viên đăng ký đề tài các cấp và dự án quốc tế, phối hợp doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học.
Chia sẻ kinh nghiệm bản thân, PGS.TS Đặng Tùng Lâm - Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho hay, trình bày đề xuất tài trợ nghiên cứu là kỹ năng không thể phủ nhận trong hành trình nghiên cứu. Đề xuất tài trợ không chỉ là cơ hội để tìm kiếm nguồn lực cần thiết, mà còn là dịp để trình bày ý tưởng nghiên cứu một cách thuyết phục, làm tăng khả năng thành công của dự án và mở ra những cánh cửa mới.
TS Võ Thanh Hải - Phó Giám đốc Đại học Duy Tân chia sẻ kinh nghiệm trong hợp tác quốc tế để khai thác cơ sở vật chất. “Khi xét duyệt, chúng tôi ưu tiên đề tài của nhóm nghiên cứu liên ngành, liên trường. Như vậy, nghiên cứu viên có cơ hội sử dụng phòng lab hiện đại của nhiều trường đại học hàng đầu trong nước cũng như quốc tế. Nhờ vậy, Đại học Duy Tân có nhiều bài báo khoa học mà kết quả nghiên cứu có được nhờ sử dụng phòng lab của các trường đại học ở Đài Loan, Hàn Quốc”.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, ngoài nghiên cứu khoa học công bố quốc tế để nâng cao vị thế xếp hạng, các trường đại học cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng để góp phần giải quyết vấn đề thực tiễn. Việc các cơ sở giáo dục đại học triển khai ký kết hợp tác với địa phương trong nghiên cứu khoa học có địa chỉ để chuyển giao, ứng dụng đề tài nghiên cứu đã cho thấy sự dịch chuyển mạnh mẽ, từ chỗ nghiên cứu những gì mình có sang nghiên cứu theo đơn đặt hàng. Đây là cách để các cơ sở giáo dục đại học tăng cường năng lực tự chủ.