Đời vội vã càng nên sống chậm
Đó là tựa cuốn sách mới nhất của tôi dành cho phụ nữ. Nhưng bài viết của tôi lần này muốn dùng tựa đó để nói về Hôn Nhân, về cách ta sống chậm lại với chính cuộc hôn nhân của mình, chậm lại để chữa lành cho hôn nhân và chậm lại để đi qua vùng thời tiết xấu!
ĐỜI VỘI VÃ HẠNH PHÚC TUỘT TAY, RƠI!
Một nghiên cứu của các học giả tại Đại học Pennsylvania và UCLA (Mỹ) năm 2021 ước tính, một người cần 9,5 tiếng rảnh rang mỗi ngày để được hạnh phúc. Bạn có rảnh rang đủ thế không hay bạn cũng như phần đông mọi người chỉ thực sự rảnh rang trung bình 1,8 tiếng/ngày?
Đời vội vã nên làm sao có 9,5 tiếng/ngày để hạnh phúc được kia chứ? Đặc biệt là trong hôn nhân và với những người phụ nữ. Những người phụ nữ đang có con dưới 18 tuổi thì càng không đủ thời gian để thở chứ đừng nói là rảnh rang 9,5 tiếng. Nên hạnh phúc theo con số nghiên cứu kia là bất khả thi với rất nhiều người.
Đời vội vã vì cơm áo gạo tiền, vì chậm lại là rớt phía sau nên nhiều người không thể chậm lại. Có lần tôi "mách" chị em: Khi trở về nhà, chị em đừng vào luôn trong nhà, hãy chậm lại vài phút, đi loanh quanh cũng được, để xả bớt những giận dữ, bụi bặm xong rồi hãy bước vào nhà. Để con cái được đón mẹ hiền từ, được thấy nụ cười của mẹ, được chạy ào vào mẹ. Là bởi tôi biết, nhiều chị em mang bụi bặm ngoài kia, giận dữ của cơ quan mà thành quát mắng con mình khi trở về nhà.
Nhưng nhiều chị em đã lắc đầu với tôi. Rằng tan sở cong mông chạy ra chợ vì muộn là mất thịt ngon, rau tươi. Rồi len lỏi tắc đường về nhà kịp nấu cơm cho con, sợ con đói, chồng đói. Rồi ăn xong lại phải tắm rửa cho con, dạy con học, blah blah… Cho đến tối mịt may ra mới kịp tắm cho mình, thậm chí nhiều chị em tắm cũng phải vội vì buồn ngủ díp mắt. Bận bịu thế nên chồng sờ vào mình là "hôm nay em đau đầu", là gắt gỏng. Hạnh phúc tuột tay rơi không chỉ với chồng mà cả với con. Nói về mẹ là nghĩ ngay đến khuôn mặt giận dữ của mẹ, tiếng quát tháo của mẹ. Nghĩ về vợ là chỉ thấy cằn nhằn, kêu ca, mặt nặng mày nhẹ. Thì ai hạnh phúc nổi đây?
Đời vội vã khiến ta chẳng đủ thời gian để tâm đến cảm xúc của bạn đời, thành lạc nhau lúc nào chẳng hay, cô đơn ngay trong chính cuộc hôn nhân của mình. Là vội vã khiến ta chọn dễ bỏ khó, chọn không thèm quan tâm nữa thay vì chọn sửa lại mình cho vừa khít với nhau. Là vội vã nên cãi nhau xong chẳng ai muốn nhìn lại lý do, xem sửa lại mình. Là vội vã nên hạnh phúc tuột tay rơi, thậm chí hạnh phúc cũng không biết chen vào đâu trong thời gian biểu vội vã ấy.
Và vì đời vội vã nên bao lâu rồi không rảnh rang tí mà yêu nhau, mà sạc đầy lại nhau mỗi ngày, mà nhắn nhau cái tin: "Em yêu anh! Em nhớ anh, chồng ạ!". Và vội vã đến quên cả khen tặng nhau, ghi nhận nhau vì chẳng thấy được điều bạn đời đã làm cho mình!
BẬN RỘN LÀ "GIẢ DƯỢC" HẠNH PHÚC
Một nghiên cứu về mạng xã hội năm 2017 cho kết quả: Những người tỏ ra bận rộn trên mạng xã hội thu hút được sự chú ý cao hơn. Vì mọi người luôn gắn liền sự bận rộn với địa vị và tài chính, hiệu suất làm việc. Rõ ràng, bận rộn cũng khiến ta hạnh phúc hơn, ít nhất là với số like những bài viết về việc bận rộn của ta đúng không?
Không chỉ kết quả nghiên cứu đó, chính chúng ta cũng nhiều người cho rằng… rảnh rỗi sinh nông nổi. Không phải vậy sao khi vợ nhàn rỗi sẽ hay soi mói chồng, những người chồng rảnh rỗi sẽ… có bồ. Hôn nhân mà một trong hai rảnh rang rất dễ… cà khịa người kia.
Một nghiên cứu khác từ năm 2016 cũng cho thấy, những người bận rộn hơn có tốc độ xử lý nhanh, trí nhớ và lý luận tốt hơn, cũng có nhiều kiến thức hơn những người ít bận. Nên bận bịu quả thực trông có vẻ ổn hơn những người rảnh rỗi. Chỉ là hạnh phúc hơn không thì nghiên cứu trên không nói tới. Hay những cặp vợ chồng bận rộn đến mức không có thời gian để cãi nhau có hạnh phúc hơn không thì chúng ta cũng không biết. Hôn nhân kiểu đó thậm chí còn thua cả tình bạn vì bạn bè thân nhiều khi còn dỗi nhau cả tháng.
Cả những người chồng bận rộn, những người vợ bận rộn nên hôn nhân được lành lặn là thật đi chăng nữa thì hạnh phúc ấy chỉ là thứ giả dược. Là ta quét rác vào gầm giường thôi. Tưởng ngôi nhà sạch sẽ nhưng thực ra rác vẫn nằm đó. Những vấn đề mâu thuẫn được bỏ qua nhưng nó vẫn nằm đó, đợi một ngày nổ tung. Phải vì thế mà ngày càng nhiều những cuộc ly hôn xế chiều hơn, khi người vợ xong xuôi mọi thứ rồi, có thời gian nghĩ đến hạnh phúc bản thân rồi nên nhất quyết đòi ly dị?
Tôi cũng là người thích bận rộn và sợ sự rảnh rỗi. Trong hôn nhân tôi cũng thích sự bận rộn. Nhưng là bận rộn với nhau. Tôi thích bận rộn của hai người với nhau vì tương lai của hôn nhân này, bận rộn trong việc già đi cùng nhau. Chứ không phải lấy cớ bận mà bỏ quên bạn đời. Lấy cớ bận mà buông xuôi mọi thứ, mặc kệ bạn đời của mình loay hoay.
ĐỜI VỘI VÃ CÀNG NÊN YÊU CHẬM
Là yêu chậm lại thay vì yêu vội vã. Là yêu chậm dù có thể bạn đang sống rất nhanh. Là yêu chậm mà sống chậm lại được cùng nhau càng tốt hơn!
Trở lại với nghiên cứu của các học giả tại Đại học Pennsylvania và UCLA (Mỹ) năm 2021 khi cho rằng một người cần 9,5 tiếng rảnh rang mỗi ngày để được hạnh phúc. Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể tranh thủ được 9,5 tiếng đấy! Bằng chút một thời gian ta dành cho nhau. Là lên giường cùng nhau thay vì lệch múi giờ như trước nay vẫn vậy. Chẳng phải là để ngủ luôn đâu, chỉ là nằm bên nhau ít phút, rồi ra làm việc sau, xem bóng đá sau hoặc lên mạng gì đó sau. Miễn là có dăm phút nằm bên nhau trọn vẹn thân thể, tâm trí. Để cái ôm được căng- tròn- đầy- khít. Hay buổi sáng rời khỏi nhà, thay vì vội vã đi làm, sao không dành ít phút bên nhau, vợ chồng cùng đánh răng, rửa mặt thậm chí người này đi vệ sinh vẫn có thể huyên náo nói chuyện với người kia. Hoặc trưa, hoặc chiều muộn sắp tan sở, nhắn cho nhau cái tin nhắn. Là ta gom từng phút một rảnh rang mà dành cho hôn nhân này vậy.
Tôi không nghĩ rằng chúng ta cần đúng chằn chặn 9,5 tiếng thì ta mới "chịu" hạnh phúc. Bởi 9,5 tiếng là trung bình mỗi ngày, chúng ta có cả một đời với nhau mà, đúng không? Sẽ có đầy ngày tháng chúng ta dành trọn 24/24h bên nhau, sẽ có đầy những năm tháng ta hoàn thành trách nhiệm với con cái chỉ còn 2 cụ khốt ở với nhau. Chỉ là nếu ta vẫn duy trì việc dành vài phút cho nhau mỗi ngày thế này.
Để yêu nhau chậm lại. Để nhận ra chồng mình có nhiều lúc đáng yêu phết. Để rạo rực trở lại như hồi đương yêu khi ta nhìn bạn đời lâu lâu hơn một chút, sâu sâu hơn một chút. Để ít phút cùng lên giường có thể thành mấy chục phút rung giường sau đó. Để sáng ra rời nhà vị yêu có mùi kem đánh răng vẫn thoang thoảng khoang miệng ta. Để bật cười khi nhớ người ấy trong nhà vệ sinh huyên náo thế nào. Yêu chậm lại thì mới nhận ra chứ, đúng không?
Yêu chậm lại đi, để ngoài cảm xúc xốn xang của yêu còn biết xót của thương, còn biết muối mặn gừng cay của nghĩa vợ chồng. Của nhớ cả khi cách nhau cái màn hình điện thoại trong mỗi tin nhắn gửi nhau. Của muốn về nhà mà rúc vào lòng nhau sau những vội vã bận rộn của đời. Của cả muốn được trải nghiệm nụ hôn răng giả với nhau mà già đi cùng nhau vậy.
Hỡi những người đang quen yêu cuồng sống vội ơi, hôm nay yêu chậm lại, đừng cuồng điên, vội vã vì đời này là để ta được hòa vào nhau chứ nào đâu cuộc chạy đua mướt mải?
Bí quyết để bớt bận và hạnh phúc hơn
Giáo sư Arthur C. Brooks, tác giả chuyên mục "Sống hạnh phúc" của tờ Atlantic chia sẻ bí quyết để bớt bận và hạnh phúc hơn như sau:
Theo dõi cẩn thận mô hình công việc và cam kết của bạn trong một tuần. Nếu bạn có khoảng trống trong lịch trình, liệu bạn có xen vào một cuộc họp có mức độ ưu tiên thấp hoặc những nhiệm vụ trước đó chưa có không? Khi bất ngờ thấy mình có một giờ rảnh rỗi, bạn có lấp đầy nó bằng những cuộc gọi và email chưa cần thiết ngay không? Đây là những dấu hiệu nhận biết của sự ác cảm với nhàn rỗi (idleness aversion).
Lập danh sách 20 việc cần hoàn thành vào ngày hôm sau theo thứ tự ưu tiên. Sau đó, chọn 10 mục hàng đầu phải thực hiện và liệt kê theo mức độ ưu tiên. Cuối cùng, gạch bỏ nốt 5 mục dưới cùng. 5 công việc đầu tiên trong danh sách là việc thực sự cần làm.