Đội tuyển U.17 Việt Nam: Coi chừng theo bước đàn anh U.20

Căn cứ thứ hạng trên bảng xếp hạng FIFA của đội tuyển quốc gia, trong 4 đại diện bảng I ở vòng loại Giải U.17 châu Á 2025 tại tỉnh Phú Thọ, Kyrgyzstan được đánh giá cao nhất (hạng 106 thế giới), kế đến chủ nhà Việt Nam (116) rồi mới tới Yemen (155) và Myanmar (167). Nhưng đây là bóng đá trẻ, với lứa cầu thủ thực chất là U.16 (năm 2025, tham dự vòng chung kết tại Saudi Arabia mới là U.17).

Để tránh vết xe đổ của đàn anh U.20, U.17 Việt Nam phải thắng Myanmar và Yemen.

Để tránh vết xe đổ của đàn anh U.20, U.17 Việt Nam phải thắng Myanmar và Yemen.

Có lẽ chính sự đánh giá này khiến đội tuyển U.17 Việt Nam tiếp cận trận đấu với Kyrgyzstan có phần quá thận trọng với sơ đồ 4-1-4-1.

Vẫn biết trận ra quân với đội chủ nhà bao giờ cũng khó khăn, nhất là khi đối phương chủ động phòng ngự, nhưng chỉ sau 15 phút, người ta đã nhận ra đối thủ Trung Á rất bình thường. Kyrgyzstan chơi đơn giản, chủ yếu chuyền dài phản công. Thế mà trong hiệp 1, họ đã suýt 2 lần khiến thủ môn Xuân Tín phải vào lưới nhặt bóng. Trong khi đó, dù kiểm soát bóng vượt trội nhưng U.17 Việt Nam không tạo ra được cơ hội, tình huống đáng kể nào. Không có một nhạc trưởng, tiền vệ làm bóng như Công Phương ở đội tuyển U.20, mối dây liên hệ giữa 3 tuyến của U.17 thiếu sự liền lạc, kết dính, tiền đạo duy nhất Thiên Phú hầu như không có bóng.

Phải sang hiệp 2, tuyển U.17 Việt Nam mới dâng cao áp sát, gia tăng những đợt tấn công vỗ mặt trung lộ. Phút 79, tiền đạo Gia Bảo - cầu thủ trẻ nhất ra sân và ghi bàn ở V.League, vào thay Thiên Phú. Trong khi đó, đội bóng trẻ Trung Á đuối thấy rõ, hàng loạt cầu thủ thi nhau bị vọp bẻ. Đã có 7 pha dứt điểm và tình huống nguy hiểm được đội chủ nhà tạo ra, nhưng đáng tiếc là không một lần hơn 7 ngàn khán giả trên sân Việt Trì được ăn mừng trọn vẹn. Trong khi đó, hàng thủ tiếp tục gây bất an khi suýt 2 lần nhận bàn thua, trong đó có tình huống 5 chiếc áo đỏ để cho 2 cầu thủ Kyrgyzstan dễ dàng phối hợp qua người, dứt điểm cận thành.

Trước đó, U.17 Yemen đã “vùi dập” U.17 Myanmar 6-1 và đây mới là đối thủ đáng ngại nhất của U.17 Việt Nam. Ngoài thể hình vượt trội, đội bóng trẻ Tây Á nhanh, khỏe, có kỹ thuật, thi đấu rất chững chạc, luân chuyển bóng liên tục (Yemen từng vào tứ kết Giải U.17 châu Á 2023 và chỉ dừng bước trước Iran ở loạt sút luân lưu). Bài học của các đàn anh U.20 không vượt qua vòng loại mới tháng trước ở Hải Phòng còn nóng hổi. Để chắc suất giành vé đầu trực tiếp vào vòng chung kết, U.17 Việt Nam phải thắng cả 2 trận còn lại. Tuy nhiên, trong cuộc đối đầu với Myanmar vào 19h hôm nay 25-10, thầy trò huấn luyện viên Cristiano sẽ bung hết sức để chạy đua bàn thắng hay chỉ cần 3 điểm và tập trung vào trận cuối quyết định cùng Yemen sau đây 2 ngày?

Từng thắng Myanmar 5-1 ở Giải U.16 Đông Nam Á hồi tháng 6 nhưng không dễ để U.17 Việt Nam vượt qua thành tích 6 bàn của Yemen khi 4 bàn thua của Myanmar trong hiệp 2 là vì họ phải chơi thiếu người. Hơn nữa, nếu Myanmar xếp chót, Việt Nam nhì bảng thì kết quả trận đấu với họ sẽ không được tính (do U.17 Lebanon rút lui, bảng H chỉ còn 3 đội nên khi so thành tích các đội nhì bảng, bảng I có 4 đội phải trừ đi trận gặp đội thứ 4).

Nếu ở trận đấu vào 16h, Yemen tiếp tục có chiến thắng trước Kyrgyzstan, cánh cửa đi tiếp của U.17 Việt Nam ở lượt cuối (ngày 27-10) còn hẹp hơn các đàn anh U.20 khi chỉ có một con đường phải thắng Yemen, bởi nhì bảng với chỉ tối đa 2 điểm, khó lòng là 1/5 đội giành vé vớt. Dù vậy, một cửa đôi khi lại dễ đá hơn 2.

“Bão” bàn thắng

Tại bảng J, thắng Guam 33-0, U.17 Tajikistan đã thiết lập kỷ lục trận thắng với tỷ số “khủng khiếp” nhất ở châu Á (phá kỷ lục 26-0 của U.17 Myanmar trước Guam vào năm 2000 và U.17 Nhật Bản thắng Macau năm 2005). Đặc biệt, cầu thủ Nazriev của Tajikistan đóng góp đến 14 bàn, cứ 5,5 phút là ghi bàn. Kỷ lục chiến thắng đậm nhất của đội tuyển quốc gia Việt Nam 11-0 cũng là trước Guam vào năm 2000.

Yên Chi

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/the-thao/202410/doi-tuyen-u17-viet-nam-coi-chung-theo-buoc-dan-anh-u20-31b783b/
Zalo