Đối thoại chủ nhật: Cần tăng mức đầu tư, hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng

Ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản của nước ta đã có bước phát triển vượt bậc đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực này. Ngành lâm nghiệp không chỉ đáp ứng nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu theo đúng quy định quốc tế mà còn thu được những nguồn tài chính từ việc bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là cần tăng mức đầu tư, hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Quốc Trị về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản. Vậy việc đáp ứng nhu cầu về nguồn nguyên liệu gỗ, đặc biệt là nguyên liệu gỗ trong nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ra sao, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Những năm qua, xuất khẩu gỗ và lâm sản của nước ta đã đạt những kết quả đáng mừng. Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta tăng trưởng trung bình hơn 15%/năm, từ 7,3 tỷ USD năm 2016 lên kỷ lục 17,1 tỷ USD năm 2022. Mặc dù năm 2023, giá trị xuất khẩu giảm còn 14,47 tỷ USD nhưng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản hằng năm vẫn chiếm khoảng 30% giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 thế giới và thứ hai châu Á về xuất khẩu đồ gỗ. Có được kết quả đó là nhờ chúng ta đã làm tốt việc cung cấp đủ gỗ nguyên liệu hợp pháp cho chế biến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Lượng gỗ nguyên liệu cung cấp cho chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản hằng năm khoảng 40 triệu mét khối. Trong đó, gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước chiếm khoảng 75%, gỗ nhập khẩu chiếm khoảng 25%. Để có thể cung cấp 75% lượng gỗ nguyên liệu cho chế biến gỗ, những năm qua, ngành lâm nghiệp đã thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp của Nhà nước. Hiện ngành lâm nghiệp đã bảo đảm đủ khối lượng gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ. Lượng gỗ nguyên liệu khai thác trong nước có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đáp ứng tốt yêu cầu giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp, giải trình việc không gây mất rừng, suy thoái rừng. Nhưng về mặt chất lượng thì vẫn là thách thức cần giải quyết. Bởi vì, hơn 75% lượng gỗ nguyên liệu do ngành lâm nghiệp cung cấp cho chế biến gỗ và lâm sản là gỗ nhỏ, chủ yếu phục vụ sản xuất dăm gỗ, các loại gỗ ván nhân tạo, có giá trị gia tăng thấp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị. Ảnh: NGUYỄN DIỆP ANH

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị. Ảnh: NGUYỄN DIỆP ANH

PV: Được biết, nguồn ngân sách đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng ở nước ta vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và giá trị từ rừng mang lại cho kinh tế lâm nghiệp... Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần tăng mức đầu tư ngân sách cho rừng bên cạnh nguồn lực xã hội hóa, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Việc đầu tư kinh phí bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã được quy định trong Luật Lâm nghiệp. Hiện nay, mức đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, thực tiễn quản lý sản xuất, phát triển lâm nghiệp. Giai đoạn 2021-2023, ngân sách nhà nước đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng khoảng 12.595 tỷ đồng, bình quân 4.198 tỷ đồng/năm. Diện tích khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng khoảng 6,2 triệu ha/năm, với mức khoán hiện hành là 300.000 đồng/ha/năm; đối với khu vực II, khu vực III, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 400.000 đồng/ha/năm.

Việc tăng mức đầu tư, hỗ trợ công tác bảo vệ và phát triển rừng đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo. Ngày 24-5-2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2024/NĐ-CP về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, trong đó nâng mức khoán bảo vệ rừng bình quân lên 500.000 đồng/ha/năm; khu vực II, khu vực III là 600.000 đồng/ha/năm; khu vực ven biển là 750.000 đồng/ha/năm.

 Sản xuất đồ gỗ tại Công ty Cổ phần gỗ Minh Dương (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ảnh: NGHINH XUÂN

Sản xuất đồ gỗ tại Công ty Cổ phần gỗ Minh Dương (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ảnh: NGHINH XUÂN

PV: Thưa ông, năm 2023, lần đầu tiên chúng ta thu được 1.200 tỷ đồng từ việc lưu trữ, hấp thụ carbon (CO2). Vậy loại hình dịch vụ môi trường rừng này có ý nghĩa như thế nào đối với ngành lâm nghiệp và công tác bảo vệ, phát triển rừng?

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Việt Nam thu được khoảng 1.200 tỷ đồng thông qua Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) được ký ngày 22-10-2020 giữa Bộ NN-PTNT và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) với tư cách là bên được ủy thác của Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp (FCPF).

Hiện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 là 41,2 triệu USD (1.200 tỷ đồng, tương ứng với 80% lượng giảm phát thải đã ký kết) và điều phối cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ để chi trả cho các đối tượng hưởng lợi theo quy định. Bộ NN-PTNT đang phối hợp với WB hoàn tất thủ tục để tiếp nhận nguồn thu của 20% lượng giảm phát ký kết còn lại.

Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng giúp bổ sung nguồn lực tài chính kịp thời hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ, phát triển 2,2 triệu ha rừng tự nhiên; góp phần tăng thêm kinh phí hoạt động và cải thiện sinh kế cho hơn 70.000 chủ rừng và hơn 1.300 cộng đồng vùng Bắc Trung Bộ. Nguồn thu này cũng giúp nâng cao nhận thức của các bên liên quan về giá trị dịch vụ hấp thụ và lưu giữ CO2 rừng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của địa phương, chủ rừng; thúc đẩy sớm hình thành thị trường CO2 trong nước và tham gia thị trường CO2 thế giới. Đây cũng chính là cơ hội tốt để có thêm nguồn lực, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh gắn với phát triển bền vững và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết “đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050’’ của Việt Nam tại COP26.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/doi-thoai-chu-nhat-can-tang-muc-dau-tu-ho-tro-cho-cong-tac-bao-ve-va-phat-trien-rung-785271
Zalo