Đối thoại chính sách: Bất cập trong quản lý an toàn thực phẩm

An toàn thực phẩm là một trong những vấn đề mà Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đây là một vấn đề có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội, về an toàn xã hội, sức khỏe cộng động. Trong giai đoạn từ 2011 đến nay, để quản lý an toàn thực phẩm, nước ta đã có trên 250 văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan Trung ương ban hành. Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thời gian qua chưa được đồng bộ, chưa cập nhật kịp thời, gây khó khăn, tạo lỗ hổng trong công tác quản lý. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng thực phẩm bẩn, không hợp vệ sinh vẫn đang tồn tại, gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân.

400 kg lạp xưởng, 1,5 tấn nầm lợn có dấu hiệu hư hỏng... bị lực lượng chức năng thu giữ vì không được kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Bao bì đều in chữ nước ngoài nhưng chủ số hàng khai nhận đã thu mua trôi nổi trên thị trường nên hoàn toàn không có hóa đơn chứng từ.

Còn tại 1 kho hàng ở xã La Phù, huyện Hoài Đức, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và thu giữ khoảng 4 tấn xúc xích và cánh gà không có nguồn gốc xuất xứ.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, do lợi nhuận từ việc kinh doanh thực phẩm bẩn là khá cao vì vậy các gian thương tìm đủ mọi cách để nhập và đưa hàng vào thị trường nội địa tiêu thụ. Đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, nếu không phát hiện và xử lý kịp thời rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã tích cực đấu tranh với các vi phạm, đặc biệt chú trọng kiểm tra, phát hiện ở những địa bàn trọng điểm nhằm hạn chế thấp nhất thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vào thị trường. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn liên tiếp diễn ra…

An toàn thực phẩm là một trong những vấn đề mà Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đây là một vấn đề có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội, về an toàn xã hội, sức khỏe cộng động. Trong giai đoạn từ 2011 đến nay, để quản lý an toàn thực phẩm, nước ta đã có trên 250 văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan Trung ương ban hành. Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thời gian qua chưa được đồng bộ, chưa cập nhật kịp thời, gây khó khăn, tạo lỗ hổng trong công tác quản lý. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng thực phẩm bẩn, không hợp vệ sinh vẫn đang tồn tại, gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân.

Sự phát triển của công nghệ thông tin khiến thị trường kinh doanh thực phẩm online có cơ hội phát triển trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Nhiều người tiêu dùng đã thay đổi thói quen, chuyển từ đi chợ truyền thống sang chợ online. Tuy nhiên, thực tế này cũng đặt ra yêu cầu lớn cho cơ quan chức năng trong việc giám sát, kiểm tra, kiểm soát chất lượng thực phẩm tại “chợ” mua, bán trực tuyến này.

Thời đại 4.0, mua sắm online không còn xa lạ với người tiêu dùng. Tiện lợi, không cần đi đâu xa, chỉ cần thiết bị thông minh là đồ ăn sẽ tới. Mua bán thực phẩm online chủ yếu dựa trên niềm tin giữa người bán và người mua. Điều đáng nói, việc kinh doanh này đa phần là nhỏ lẻ, hầu hết không có giấy phép, nhiều loại thực phẩm được rao bán theo kiểu nhà làm nên không có chứng nhận an toàn thực phẩm.

Theo thống kê, trong hơn 50 nghìn website bán hàng thì có gần 6 nghìn website bán thực phẩm đồ ăn, thức uống. Với số lượng lớn nhu cầu của người tiêu dùng, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng điều này để quảng cáo thổi phồng chất lượng, bán thực phẩm không có nguồn gốc, không đúng với quảng cáo, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe người tiêu dùng.

Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đang là một trong những nước có tỷ lệ ung thư tăng cao nhất trên thế giới, chiếm tới 35%. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thực phẩm bẩn hàng ngày vẫn hiện hữu xung quanh cuộc sống của chúng ta. "Ăn gì cũng sợ" có lẽ là cụm từ thường được nghe nhiều nhất ở các gia đình hiện nay.

Quá trình kiểm tra tại cơ sở sản xuất chế biến đậu phụ đóng hộp thuộc Công ty Cổ phần tập đoàn Phú Thái, Đoàn kiểm tra đã phát hiện mẫu nước ngâm đậu phụ có màu vẩn đục, hệ thống cống thoát nước sát khu vực chế biến không có nắp đậy. Kho đựng nguyên liệu có nhiều phân côn trùng và động vật.

Theo Báo cáo của Cục An toàn thực phẩm, chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 36 vụ ngộ độc với 2.138 người mắc. Con số này tăng 200% so với cùng kỳ năm 2023. Các vụ ngộ độc này xuất hiện từ bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, khu chế xuất cho đến cơ sở kinh doanh tư nhân như tiệm bánh mì, quán cơm với 23 trường hợp tử vong. Mặc dù trong thời gian gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực lập pháp để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm nhưng vẫn cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ chính sách, pháp luật về lĩnh vực này.

Mới đây Bộ Y tế đã đề nghị xây dựng Luật An toàn thực phẩm sửa đổi, đây được kì vọng có thể đáp ứng yêu cầu mới đặt ra, giải quyết vướng mắc trong thực tiễn, hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trước khi pháp luật thay đổi để phù hợp với thực tiễn thì người tiêu cũng cần tự bảo vệ chính mình. Người tiêu dùng vừa là nạn nhân cũng vừa là người quyết định sự sống còn của nhà sản xuất. Việc chọn mua những thực phẩm sạch, an toàn không chỉ bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình mà còn góp phần khuyến khích sản xuất thực phẩm an toàn.

Chính vì thế, thay vì "chờ đợi" các ngành chức năng vào cuộc xử lý nạn kinh doanh thực phẩm bẩn, mỗi người tiêu dùng hãy phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc tuyên truyền, phổ biến, vận động, giám sát, phát hiện, kiến nghị, tố cáo hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/doi-thoai-chinh-sach-bat-cap-trong-quan-ly-an-toan-thuc-pham-237929.htm
Zalo