Đổi thay trên quê hương cách mạng Ninh Giang

Miền quê giàu truyền thống cách mạng - xã Ninh Giang (Hoa Lư) đang đổi thay từng ngày. Bằng sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Ninh Giang đã và đang tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Di tích lịch sử cách mạng "Điếm xóm Đông" - nơi ghi dấu những chiến công của nhân dân Ninh Giang trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Di tích lịch sử cách mạng "Điếm xóm Đông" - nơi ghi dấu những chiến công của nhân dân Ninh Giang trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Đồng chí Đỗ Văn Phong, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Giang cho biết: Ninh Giang là địa phương có cơ sở Đảng từ rất sớm. Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập tháng 1/1931 tại thôn Trung Trữ. Đây là sự kiện quan trọng có ý nghĩa lịch sử, mở đầu cho phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân.

Vừa thành lập, Chi bộ đã tích cực giáo dục và rèn luyện đảng viên trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, bồi dưỡng cho đảng viên ý chí, lòng quyết tâm, tinh thần dũng cảm và phẩm chất cách mạng. Đảng luôn luôn gắn bó với quần chúng để tuyên truyền, vận động và tổ chức lực lượng quần chúng thành lực lượng cách mạng. Chi bộ Đảng nhanh chóng xây dựng lực lượng vũ trang bảo đảm cho cuộc đấu tranh giành thắng lợi. Từ đó, uy tín của Đảng ngày càng lớn, sức chiến đấu của Chi bộ Đảng ngày càng cao.

Chi bộ đã lãnh đạo Nhân dân tiến hành đấu tranh cách mạng, liên tục giành những thắng lợi vẻ vang, mở đầu là cuộc đấu tranh đòi tăng công gặt, chống sưu thuế năm 1931. Phong trào cách mạng ở Ninh Giang có ảnh hưởng lớn tới phong trào cách mạng trong huyện Gia Khánh, góp phần cùng Nhân dân cả tỉnh, cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.

Ông Vũ Đức Sâm (85 tuổi đời, 61 năm tuổi Đảng) ở xóm Đông dẫn chúng tôi đi tham quan di tích lịch sử cách mạng Điếm xóm Đông. Đứng trước nhà bia đá tưởng niệm, ông tự hào cho biết: Theo sử sách của Đảng bộ xã còn ghi lại, tại đây, tối ngày 28/6/1931, Ban vận động "khất sưu, khất thuế" đã bí mật tổ chức cuộc họp gồm các hội viên công, nông hội đỏ và các quần chúng tiến bộ để thống nhất phát động cuộc biểu tình: Đòi chính quyền tay sai của thực dân Pháp phải giảm sưu, thuế, tăng tiền công cho người làm thuê, người làm mướn. Đoàn biểu tình phải được tổ chức chặt chẽ, đoàn kết, mềm dẻo và cương kiết trong đấu tranh. Sáng ngày 29/6/1931, theo lệnh, từ các ngõ trong xóm, từng tốp nông dân đầu trần, chân đất quần áo rách rưới tập trung về Điếm xóm Đông, lập thành đoàn biểu tình kéo lên huyện, lên tỉnh. Trên đường đi còn có nhiều nông dân của các vùng lân cận tham gia nhập cuộc thành một đoàn lớn có tổ chức.

Đến Dinh tuần phủ Ninh Bình, tên quan người Pháp và Tuần phủ Ninh Bình đưa lính có vũ trang ra ngăn cản, dọa nạt. Đoàn biểu tình vẫn hiên ngang đưa đơn đòi giảm sưu cao, thuế nặng. Sau nhiều giờ đấu tranh kiên quyết với lý luận: "Nếu quan không nhận đơn, không phê vào đơn, dân kiên quyết không về"… Cuối cùng, Tuần phủ Ninh Bình phải chấp nhận, ký đơn theo yêu cầu của đoàn biểu tình và hứa hôm sau sẽ về đình làng Trung Trữ đề giải quyết nhượng bộ. Cuộc biểu tình đấu tranh thắng lợi, Nhân dân phấn khởi ra về, thống nhất kế hoạch cho cuộc đấu tranh vào ngày hôm sau tại Đình làng Trung Trữ. Từ đó, ngày 29/6 hàng năm được lấy là ngày truyền thống cách mạng của quê hương Ninh Giang anh hùng.

"Chúng tôi luôn tự hào vì mình sinh ra trên quê hương, luôn giáo dục, động viên con cháu tiếp bước truyền thống cha anh xây dựng quê hương, đất nước ngày càng đổi mới"- ông Vũ Đức Sâm khẳng định.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) và đế quốc Mỹ (1954 -1975), Nhân dân Ninh Giang hết lòng phục vụ cách mạng với tinh thần "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", nhiều thế hệ thanh niên hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ, có mặt trên khắp các chiến trường, anh dũng chiến đấu góp phần đánh thắng thực dân, đế quốc và tay sai, thống nhất đất nước.

Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa xã Ninh Giang

Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa xã Ninh Giang

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng bộ và Nhân dân xã Ninh Giang đang tích cực vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng vào tình hình thực tế ở địa phương, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị đề ra. Năm 1999, Nhân dân và lực lượng vũ trang xã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2014, Ninh Giang được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình công nhận là xã đầu tiên của huyện Hoa Lư đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2020, được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của cha anh, các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân Ninh Giang hôm nay luôn nỗ lực phấn đấu để viết tiếp những trang sử vẻ vang của quê hương. Bí thư Đảng ủy xã Ninh Giang Đỗ Văn Phong cho biết: Ninh Giang là cửa ngõ phía bắc huyện Hoa Lư và trong tương lai sẽ trở thành phường - thuộc thành phố Hoa Lư. Do vậy, thời gian tới, với niềm tự hào về truyền thống của quê hương anh hùng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xã tiếp tục đoàn kết, đồng lòng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua yêu nước.

Trong phát triển kinh tế, Đảng bộ xã tiếp tục xác định nông nghiệp là trụ đỡ cho nền kinh tế, từ đó khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, kêu gọi đầu tư, thúc đẩy thương mại gắn với dịch vụ phục vụ du lịch. Chú trọng công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của Nhân dân với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp…

Đồng chí Vũ Thị Hồng Huệ, Bí thư Đoàn xã Ninh Giang chia sẻ: Tự hào sinh ra trên quê hương có bề dày truyền thống cách mạng, tuổi trẻ Ninh Giang luôn mang trong mình rất nhiều khát khao, hoài bão, khát vọng được cống hiến. Ban Chấp hành Đoàn xã Ninh Giang đã và đang tổ chức nhiều hoạt động nhằm huy động sức trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng và đảm bảo an sinh xã hội, xung kích bảo vệ Tổ quốc.

Ban Chấp hành Đoàn xã chủ động phối hợp với Hội Cựu chiến binh xã và Ban giám hiệu các trường tăng cường công tác giáo dục truyền thống, qua đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, để xứng đáng với những cống hiến, hi sinh của bao lớp cha anh đi trước.

Với sự phát triển vượt bậc trong chặng đường gần 8 thập kỷ qua, cán bộ, đảng viên và nhân dân Ninh Giang có quyền tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng, đó cũng là hành trang, động lực để Đảng bộ, quân và dân trong xã tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Bài, ảnh: Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/doi-thay-tren-que-huong-cach-mang-ninh-giang/d20240818081429884.htm
Zalo