Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc Khơ Mú
Đồng bào dân tộc Khơ Mú trên địa bàn tỉnh ta có 224 hộ, trên 1.000 nhân khẩu, tập trung chủ yếu ở huyện biên giới Mường Lát. Tại khu phố Đoàn Kết, xã Tén Tằn (nay là thị trấn Mường Lát) hiện có 169 hộ với hơn 750 nhân khẩu sinh sống và là nơi có hơn 10km đường biên giới giáp huyện Sốp Bâu (Lào). Đồng bào dân tộc Khơ Mú ở đây trước kia sống du canh, du cư, cư trú ở vùng rừng núi cao, hoạt động kinh tế chủ yếu là canh tác nương rẫy. Phương thức canh tác lạc hậu, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm để phục vụ tín ngưỡng thờ cúng, ma chay, cưới hỏi, lễ tết và sinh hoạt gia đình; hôn nhân theo nguyên tắc thuận chiều, đặc biệt trong phạm vi một dòng họ; đám ma người Khơ Mú gồm nhiều nghi thức tín ngưỡng...
Anh Cút Văn Dân, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu phố Đoàn Kết, cho biết: Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, diện mạo của khu phố đã thay đổi đáng kể. Nhiều ngôi nhà sàn kiên cố, khang trang đã thay thế cho những căn nhà lụp sụp trước đó. Trục đường chính trong khu phố đã được đổ bê tông, điện sáng về tới từng nhà. Năm 2023, khu phố đã động viên được 38 hộ làm nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Thực hiện nếp sống mới, khu phố đã cơ bản xóa bỏ được một số hủ tục như ma chay, cưới hỏi rườm rà, thách cưới nhiều...
Huyện Mường Lát là một trong những địa phương trọng điểm thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Trên cơ sở nội dung của Dự án 8, khu phố Đoàn Kết đã xây dựng mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng”. Mô hình đi vào hoạt động đã góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tuyên truyền thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và những vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em.
Thượng úy Lê Anh Công, cán bộ tổ công tác đóng tại khu phố Đoàn Kết, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn chia sẻ: Những năm qua, công tác tuyên truyền phòng chống tảo hôn được các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể và bộ đội biên phòng thực hiện rất tích cực. Đã có nhiều trường hợp bị xử phạt để tăng tính răn đe. So với 10 năm trở về trước, tỷ lệ tảo hôn đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, với một dân tộc có truyền thống lâu đời như đồng bào Khơ Mú, để có thể thay đổi không phải chuyện một sớm một chiều mà cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, tổ chức và chính ý thức muốn thay đổi của người dân.
Còn tại bản Lách, xã Mường Chanh hiện có 52 hộ, với 264 nhân khẩu, 100% người dân tộc Khơ Mú sinh sống. Bản Lách có 4,2km đường biên giới giáp với nước bạn Lào. Trước năm 2016, bản có 100% hộ nghèo, tình trạng thiếu ăn diễn ra liên tục; đường vào bản rất khó khăn, xe cơ giới không thể đi được. Hiện tại, đường bê tông vào tận từng hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 30/53 hộ. Từ những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cùng sự vượt khó vươn lên, diện mạo bản Lách giờ đây đang đổi thay từng ngày.
Ông Trịnh Văn Sôm, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Lách cho biết: Từ những chính sách dân tộc, đời sống người dân trong bản cơ bản được cải thiện; nhận thức của người dân được nâng lên, một số hủ tục được xóa bỏ, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển. Người dân trong bản đã áp dụng trồng cây lúa nước, cây gai xanh, chăn nuôi trâu bò... Trẻ em được đến trường, không còn tình trạng bỏ học giữa chừng; nhà nào cũng có bể nước hợp vệ sinh; tình hình an ninh trật tự ổn định...
Thượng tá Lưu Văn Hảo, cán bộ Đồn Biên phòng Quang Chiểu, phụ trách địa bàn xã Mường Chanh chia sẻ: Đã nhiều năm gắn bó với người dân nơi đây mới thấy những đổi thay về cuộc sống cũng như tư duy của đồng bào dân tộc Khơ Mú. Cùng với đó là cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày một nâng cao; tư duy nhận thức đã có nhiều thay đổi, không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống... Những kết quả đạt được là minh chứng về sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với đồng bào Khơ Mú trong tỉnh, giúp cho đồng bào ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.