Đổi thay ở Suối Bu

Xã Suối Bu, huyện Văn Chấn, không còn là hình ảnh của một vùng cao chỉ quen với khó khăn và thiếu thốn. Những con đường nhỏ hẹp đã được trải nhựa phẳng lì, nối liền các thôn bản. Những cánh đồng rau màu trải dài xanh mướt như tấm thảm, điểm tô cho sự đổi thay mạnh mẽ của vùng đất này. Từng ngày trôi qua, câu chuyện về một vùng quê vươn lên từ nghèo khó, đong đầy ý chí và quyết tâm, đang lan tỏa niềm cảm hứng không chỉ cho người dân nơi đây mà còn cả những ai có dịp ghé thăm.

Người dân xã Suối Bu thu hoạch rau màu.

Người dân xã Suối Bu thu hoạch rau màu.

Đồng chí Hà Thị Thúy - Bí thư Đảng ủy xã Suối Bu cho biết: "Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích, xã đã tích cực triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và nhu cầu thị trường. Đây là hướng đi mang tính đột phá, giúp Suối Bu vượt qua những khó khăn”.

Trước đây, sau khi thu hoạch xong vụ mùa, những thửa ruộng thường bị bỏ hoang trong mùa đông, Đảng ủy xã đã chủ trương vận động người dân cải tạo đất để trồng rau sạch trong vụ đông. Việc này không chỉ giúp tăng thêm thu nhập mà còn tạo ra nguồn thực phẩm an toàn cho gia đình và thị trường. Vì thế sau mùa gặt, gia đình anh Vàng A Giống ở thôn Ba Cầu không vội nghỉ ngơi mà nhanh chóng bắt tay vào làm đất, chuẩn bị cho vụ đông. Trên những thửa ruộng, từng đống rơm rạ được dọn sạch sẽ, đất được xới tơi xốp, sẵn sàng đón nhận những hạt giống đầu tiên.

Anh Vàng A Giống phấn khởi chia sẻ: "Đây là năm đầu tiên đồng bào Mông chúng tôi thử nghiệm trồng rau cải Đông Dư vào vụ đông. Ban đầu cũng còn nhiều bỡ ngỡ và lo lắng, nhưng nhờ sự hỗ trợ tận tình của cán bộ khuyến nông, bà con rất yên tâm. Đặc biệt, một doanh nghiệp đã cam kết bao tiêu sản phẩm với giá thị trường, không lo bị ép giá hay phải tự tìm đầu ra như trước”. Với sự hỗ trợ từ Công ty TNHH Hoàng Nga và đội ngũ cán bộ chuyên môn, từng bước trong quy trình canh tác đều được hướng dẫn tỉ mỉ, từ cách làm đất, lên luống, gieo hạt cho đến chăm sóc cây trồng.

Ông Vàng A Cha, một nông dân ở thôn Bu Cao, hào hứng: "Trước đây, chúng tôi chưa từng nghĩ đến trồng cây vụ đông vì thời tiết lạnh rất khó chăm sóc. Nhưng nay, được cán bộ hướng dẫn cặn kẽ và có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, bà con rất phấn khởi. Nhìn những luống rau xanh dần hiện lên trên cánh đồng, tôi tin rằng vụ mùa này sẽ thành công”.

Bên cạnh sự thành công từ cây màu vụ đông, với địa hình đồi núi, cây tre măng Bát độ đã được một người dân trong xã trồng thử nghiệm thành công. Anh Sùng A Dê - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã đã mang giống măng về trồng thử nghiệm trên mảnh đất dốc của gia đình. Nhờ thực hiện đúng kỹ thuật được hướng dẫn, cây măng sinh trưởng tốt, phát triển nhanh, chỉ cần trồng một lần mà cho thu hoạch trong nhiều năm.

Với giá bán ổn định từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, cây tre măng đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình anh. Từ thành công ban đầu, anh Sùng A Dê đã tham mưu với Đảng ủy để thành lập tổ hợp tác trồng tre măng Bát độ với 6 thành viên, do anh trực tiếp làm Chủ nhiệm. Tổ hợp tác còn đảm nhiệm việc thu mua sản phẩm cho bà con. Với sự chân thành và kiên trì của một người lính, anh tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân tham gia. Nhìn những đồi tre măng xanh tốt, nhiều hộ dân đã tin tưởng, mạnh dạn đăng ký chuyển đổi sang trồng loại cây này.

Anh Vàng A Hờ ở thôn Làng Hua chia sẻ: "Ban đầu mình nghi ngờ vì những gốc tre măng chỉ cao quá đầu người, không nghĩ sẽ ra nhiều măng. Nhưng khi kiểm tra dưới lớp đất, thấy mỗi gốc có từ 5 - 7 mầm măng đang nhú. Chỉ sau nửa tháng, gốc măng đã cho thu hoạch, khiến mình rất bất ngờ”.

Tương tự, chị Vàng Thị Sư ở thôn Ba Cầu cho biết: "Trồng tre măng Bát độ nhẹ nhàng hơn so với trồng lúa hay ngô trên đất dốc. Một năm chỉ cần đào đất đắp lên gốc một lần, sau đó tưới nước, bón phân là cây tự phát triển. Sau 8 - 10 tháng, măng bắt đầu cho thu hoạch”. Chị cũng nhấn mạnh, đây là loại cây đầu tiên mà cả gốc lẫn lá đều có giá trị kinh tế.

Hơn nữa, việc trồng tre măng còn góp phần chống sạt lở, xói mòn đất, cải thiện đáng kể thu nhập cho gia đình. Ban đầu, anh Sùng A Dê chỉ trồng thử nghiệm 200 gốc tre măng trên diện tích đất của gia đình. Đến nay, nhờ sự vận động của anh, bà con đã mở rộng diện tích trồng lên hơn 35 ha tại các thôn Ba Cầu, Bu Cao và Làng Hua. Trong đó, 5 ha đã cho thu hoạch, đạt sản lượng khoảng 20 tấn mỗi vụ, mang lại giá trị kinh tế hơn 100 triệu đồng. Giá măng hiện ổn định ở mức trên dưới 6.000 đồng/kg, tạo động lực lớn để người dân tiếp tục chăm sóc và mở rộng diện tích trồng tre măng Bát độ.

PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỪ VĂN HÓA ĐẶC SẮC

Song song với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Suối Bu còn sở hữu tiềm năng du lịch phong phú từ văn hóa đặc sắc của người Mông và tài nguyên thiên nhiên trù phú. Tại thôn Bu Cao và Bu Thấp, những rừng chè Shan tuyết cổ thụ xanh mướt rộng hơn 80 ha đang trở thành điểm nhấn. Chè Shan tuyết không chỉ là sản phẩm nông nghiệp giá trị cao mà còn là biểu tượng văn hóa gắn bó với đời sống của người dân địa phương. Bên cạnh đó, các thôn còn đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, thu hút du khách bằng những trải nghiệm đặc sắc như: thưởng thức hương vị chè Shan tuyết, tham gia lễ hội truyền thống, khám phá phong tục, tập quán độc đáo của người Mông.

Để đẩy mạnh phát triển du lịch, xã Suối Bu đã mở các lớp tập huấn, hướng dẫn phát triển dịch vụ du lịch. Mỗi lớp học là một cơ hội để người dân nắm bắt thêm kiến thức mới, kỹ năng đón tiếp du khách. "Những buổi tập huấn đã thay đổi hoàn toàn cách chúng tôi nghĩ về sản xuất. Từ chỗ làm theo thói quen, giờ đây chúng tôi biết tính toán kỹ hơn để hiệu quả cao hơn” - chị Thào Thị Mẩy ở thôn Làng Hua chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở các lớp học, những buổi họp thôn cũng trở thành dịp để bà con cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, động viên nhau vượt qua khó khăn. Tiếng cười nói râm ran vang lên giữa sân họp, nơi người già, người trẻ cùng nhau bàn cách làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đây không chỉ là những buổi họp chuyên môn mà còn là nhịp cầu gắn kết cộng đồng, làm sáng lên nét đẹp văn hóa của vùng cao Suối Bu.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ phương thức sản xuất truyền thống sang hiện đại đòi hỏi nhiều thời gian và sự đồng lòng từ phía người dân. Những hạn chế về hạ tầng giao thông hay dịch vụ du lịch khiến việc kết nối và phát triển còn gặp không ít khó khăn. "Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ thêm về đường sá và cơ sở vật chất để có thể đưa sản phẩm ra thị trường lớn, cũng như thu hút thêm du khách” - anh Giàng A Páo, một hộ kinh doanh du lịch cộng đồng tại thôn Bu Thấp bày tỏ.

Bên cạnh đó, việc phát triển mạnh mẽ cũng đặt ra bài toán khó về bảo vệ môi trường và gìn giữ bản sắc văn hóa. Những giá trị truyền thống cần được duy trì, song hành cùng sự phát triển để không làm mất đi nét độc đáo của Suối Bu. Chính quyền địa phương đã không ngừng nỗ lực trong công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân bảo tồn văn hóa, đồng thời mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức để đầu tư hạ tầng, quảng bá du lịch một cách bền vững.

Hôm nay, trên những cánh đồng xanh ngát và những ngôi làng yên bình của Suối Bu, câu chuyện về sự đổi thay vẫn đang tiếp tục. Những bước chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa không chỉ mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân mà còn biến Suối Bu trở thành một điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của huyện Văn Chấn.

Anh Dũng

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/344802/doi-thay-o-suoi-bu.aspx
Zalo