Đổi thay ở những thôn thông minh

Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM không chỉ góp phần làm thay đổi diện mạo ở vùng nông thôn từ việc phát triển cơ sở hạ tầng, mà quan trọng hơn đó là chất lượng đời sống của người dân được nâng lên. Trong đó, việc xây dựng thành công mô hình thôn thông minh đã, đang tạo ra những bước tiến đáng kể trong cải thiện kinh tế, đời sống xã hội và nâng mức hưởng thụ văn hóa cho người dân khu vực nông thôn.

Mô hình camera an ninh thôn Vệ Thôn, xã Định Hưng (Yên Định) góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Mô hình camera an ninh thôn Vệ Thôn, xã Định Hưng (Yên Định) góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Đến nay, 4/4 thôn (Duyên Hy, Vệ Thôn, Hổ Thôn, Đồng Tình) của xã Định Hưng (Yên Định) đã được công nhận là thôn thông minh. Một trong những thay đổi rõ rệt nhất ở các thôn thông minh trên địa bàn xã đó là cảnh quan môi trường được giữ gìn sạch đẹp, tình hình an ninh trật tự (ANTT) ngày càng được đảm bảo. Với hệ thống camera an ninh được bố trí ở các trục đường chính, nhà văn hóa và ngõ thôn, đội ngũ cán bộ ở các thôn thuận tiện hơn trong việc giám sát, nhắc nhở người dân thực hiện nội quy, quy định của thôn. Cùng với đó, người dân xã Định Hưng đã từng bước tiếp cận việc sử dụng mạng xã hội để quảng bá, bán các sản phẩm nông sản, nâng cao thu nhập. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã Định Hưng đạt 75,2 triệu đồng/năm.

Bí thư thôn Vệ Thôn, Trương Văn Niên cho biết: “Thôn hiện có 538 hộ, người dân chủ yếu làm nông nghiệp và một số nghề khác. Kể từ khi xây dựng thôn thông minh đến nay, nhiều hộ dân đã đẩy mạnh buôn bán nông sản online. Từ việc tăng sản lượng tiêu thụ mà diện tích gieo trồng vụ đông năm 2024 tăng đáng kể. Đặc biệt, mô hình camera an ninh đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân. Khi phát hiện vi phạm về ANTT, an toàn giao thông, môi trường... cán bộ thôn có thể chụp lại hình ảnh, quay video gửi lên nhóm zalo chung của thôn để nhắc nhở hoặc yêu cầu khắc phục. Trong năm 2024, thông qua hệ thống camera an ninh, thôn đã xử lý 5 vụ việc liên quan đến vấn đề vệ sinh môi trường, mất trật tự công cộng và tìm lại xe máy bị mất cho người dân”.

Còn theo trưởng thôn Hổ Thôn, Hoàng Văn Thắng, việc xây dựng thôn thông minh đã từng bước kéo gần khoảng cách nông thôn - thành thị. Mạng lưới viễn thông hiện đã phủ sóng, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100% hộ dân. Nhà văn hóa thôn đã lắp đặt wifi tốc độ cao miễn phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận thông tin đa chiều, đọc sách, báo điện tử và các hoạt động hội họp của thôn. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp và đời sống xã hội được người dân quan tâm. Cũng từ khi xây dựng thôn thông minh, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh của thôn tăng mạnh. Hiện nay, 98,64% người dân trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh. Nhờ đó mà các thông tin tuyên truyền của địa phương, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước được người dân cập nhật kịp thời. Ngoài ra, 100% hộ kinh doanh và buôn bán nhỏ lẻ của thôn chấp nhận thanh toán điện tử, thuận tiện trong giao dịch.

Cùng với các địa phương trên địa bàn tỉnh, việc xây dựng thôn thông minh tại huyện Thiệu Hóa đã, đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đời sống văn hóa. Thông qua việc kết nối cộng đồng trên các ứng dụng mạng xã hội đã giúp tăng cường giao lưu, chia sẻ thông tin và gắn kết tình làng nghĩa xóm. Theo ông Trần Ngọc Tùng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin Thiệu Hóa: “Ở những thôn thông minh, các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trở nên sôi nổi. Từ thành quả đạt được trong xây dựng thôn thông minh nói riêng, NTM nói chung đã tạo động lực thúc đẩy người dân thi đua xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Trong đó, mô hình hệ thống camera an ninh đã giúp người dân nêu cao ý thức phòng, chống tội phạm và giảm thiểu vi phạm giao thông, ANTT và các tác động xấu đến cảnh quan, môi trường".

Được biết, để nhân rộng mô hình thôn thông minh, xã thông minh, huyện Thiệu Hóa hiện đang tập trung xây dựng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao khả năng cung cấp và cung ứng các dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ. Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc sử dụng mạng xã hội và an toàn trên không gian mạng.

Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng được 27 thôn thông minh. Đây không chỉ là một bước tiến về công nghệ mà còn là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống ở vùng nông thôn, kéo gần khoảng cách nông thôn - thành thị, hướng tới xây dựng nông thôn văn minh, bền vững. Tuy nhiên, cùng với việc đẩy mạnh xây dựng thôn thông minh, xã thông minh, việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân khu vực nông thôn tiếp cận với các ứng dụng công nghệ, tránh bị lừa đảo trên không gian mạng cũng cần đặc biệt chú trọng.

Bài và ảnh: Hoài Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-thay-o-nhung-thon-thong-minh-235585.htm
Zalo