Đổi thay ở Khu căn cứ kháng chiến H9 Đắk Lắk

Với tấm lòng kiên trung của đồng bào Ê đê, M'Nông, cùng với địa hình hiểm trở của dãy Chư Yang Sin, H9 là nơi che chở cho Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk trong suốt giai đoạn 1965-1975. Phát huy truyền thống cách mạng, vùng căn cứ H9 đã có sự phát triển toàn diện và đang đổi thay từng ngày.

Có mặt tại Khu căn cứ kháng chiến H9 tỉnh Đắk Lắk bây giờ, ai cũng cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” vùng đất cách mạng: Những ngôi nhà xây khang trang đan xen nhà sàn truyền thống; những vạt dứa bạt ngàn được vây quanh bởi những cánh đồng lúa tươi xanh; ẩn khuất trong mây là những cánh rừng nguyên sinh, thuộc vườn quốc gia Chư Yang Sin, được bảo vệ nghiêm ngặt.

Bộ mặt nông thôn các xã ở Khu căn cứ kháng chiến H9 tỉnh Đắk Lắk đổi thay rõ rệt.

Bộ mặt nông thôn các xã ở Khu căn cứ kháng chiến H9 tỉnh Đắk Lắk đổi thay rõ rệt.

Ông Y Thu Niê (dân tộc M’nông, bon Đắk Tuôr, xã Cư Pui, huyện Krông Bông) chia sẻ, trước đây gia đình thuộc diện nghèo nhất của bon, nhưng nay đã gây được đàn bò 10 con và phát triển được 5 sào dứa. Nguồn thu từ chăn nuôi, trồng trọt mỗi năm khoảng 100 triệu đồng và đã thoát nghèo.

“Gia đình mình chăn nuôi bò, heo, dứa cũng trồng. Nhà mình thoát nghèo được 2 năm rồi. Có tiền mình nuôi con em ăn học, xây nhà khang trang, mua tivi, xe máy phục vụ đời sống của gia đình”, ông Y Thu Niê nói.

Dứa đang là cây trồng chủ lực mang lại ấm no cho bà con các xã ở Khu căn cứ kháng chiến H9 tỉnh Đắk Lắk.

Dứa đang là cây trồng chủ lực mang lại ấm no cho bà con các xã ở Khu căn cứ kháng chiến H9 tỉnh Đắk Lắk.

Từng tham gia kháng chiến khi còn là cậu thiếu niên, nay trở thành già làng của buôn Chàm A, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông, ông Y Lăng Êban rất mừng trước những thay đổi của buôn mình. Ông chia sẻ, những năm qua, được sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, hạ tầng giao thông ở vùng sâu này từng bước được kiện toàn. Điện lưới và nước sinh hoạt đã được dẫn đến từng hộ, nhà sinh hoạt cộng đồng đã xây dựng khang trang… là minh chứng cho những đổi mới trên vùng quê cách mạng.

Ông Y Lăng Êban nhấn mạnh: “Bây giờ buôn Chàm A có đường bê tông, trạm xá, trường học và nhà văn hóa rồi. Con cháu đi học thì thuận lợi. Nhân dân được hỗ trợ bò, heo về nuôi phát triển kinh tế. Bà con một lòng theo Đảng, Nhà nước và tích cực làm ăn phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo.”

Từ chỗ là các xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Lắk, giao thông đi lại khó khăn, nhưng nhờ sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, hiện 100% buôn làng ở vùng căn cứ H9 đã có đường bê tông. Các xã thực hiện được từ 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trở lên. Trong đó các tiêu chí cần vốn lớn như giao thông, thủy lợi, y tế, trường học…đều hoàn thành.

Ông Hồ Duy Nam – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Krông Bông cho biết, giai đoạn 2021 – 2025, ngoài 4 xã vùng H9, 3 xã của huyện được hỗ trợ toàn diện. Tổng cộng, đã có 127 tỷ đồng từ Chương trình giảm nghèo 1719 của Chính phủ được đầu tư cho 7 xã. Hiện Ban đang triển quyết liệt xây dựng 22 công trình giao thông, nhà ở, trường học và kênh mương thủy lợi hỗ trợ nhân dân.

Chăn nuôi bò cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho các gia đình.

Chăn nuôi bò cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho các gia đình.

“Ban Quản lý dự án phối hợp với các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công chú trọng chất lượng công trình để đảm bảo đưa vào sử dụng sớm nhất, vận hành khai thác công trình hiệu quả. Qua đó, tạo điều kiện thông thương hàng hóa phát triển kinh tế cho bà con đồng bào ở các xã khó khăn này”, ông Hồ Duy Nam cho biết.

Khu căn cứ kháng chiến H9 tỉnh Đắk Lắk nằm chủ yếu trên địa bàn xã Hòa Phong, Cư Pui, Cư Drăm và Yang Mao. 4 xã hiện có 41.500 khẩu, với trên 80% bà con đồng bào Ê đê, M’Nông, Thái, Mông, Giao, Tày, Nùng… sinh sống.

Theo ông Nguyễn Ngọc Pháp - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dù đời sống khó khăn vất vả, nhưng bà con luôn đoàn kết chiến đấu bảo vệ quê hương, nuôi giấu cán bộ, chiến sỹ cách mạng. Những năm qua, cùng với lồng ghép các chương trình hỗ trợ của tỉnh và trung ương, huyện đã xây dựng các kế hoạch về công tác giảm nghèo và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cơ sở hạ tầng các xã ngày càng được kiện toàn, đời sống nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm.

Ông Nguyễn Ngọc Pháp cho biết, hằng năm ngân sách huyện dành 1% chi thường xuyên chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng trên địa bàn các xã Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao và Hòa Phong. Khuyến khích bà con tập trung mở rộng chăn nuôi bò, lợn và hướng dẫn định hướng mở rộng vùng nguyên liệu trồng dứa. Đặc biệt, xây dựng kế hoạch phát triển đề án du lịch văn hóa tại các xã vùng căn cứ cách mạng.

Với việc bà con tiếp tục nỗ lực trong lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo; đảng bộ, chính quyền quyết liệt trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, Khu căn cứ kháng chiến H9 nói riêng và các xã khó khăn ở huyện Krông Bông nói chung tiếp tục khởi sắc.

Nhiệm vụ đưa Khu căn cứ kháng chiến H9 của tỉnh thành địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng, gắn với phát triển du lịch văn hóa cộng đồng sẽ hoàn thành trong thời gian tới.

Tuấn Long/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/doi-thay-o-khu-can-cu-khang-chien-h9-dak-lak-post1115383.vov
Zalo