Đổi thay nhờ vốn tín dụng chính sách ở Nghệ An

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 -CT/TW về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội', nguồn vốn chính sách ở Nghệ An đã giúp hàng trăm nghìn hộ nghèo, gia đình chính sách vươn lên phát triển kinh tế.

Vốn chính sách "tiếp sức" cho hộ nghèo

Nhiều hộ đồng bào miền Tây Nghệ An vay vốn Ngân hàng Chính sách chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thu Huyền

Nhiều hộ đồng bào miền Tây Nghệ An vay vốn Ngân hàng Chính sách chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thu Huyền

Một ngày cuối tháng 6, chúng tôi tới thăm xã Châu Khê (Con Cuông), dự lễ ra mắt mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng bền vững gắn với sinh hoạt cộng đồng bản Bủng Xát. Đây là xã vùng đệm của vườn quốc gia Pù Mát.

Chị Lô Thị Linh - Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn bản Bủng Xát cho biết: Tổ vay vốn của bản có 45 tổ viên, dư nợ hiện tại hơn 3,4 tỷ đồng. Nhờ thu hút được các thành viên sinh hoạt đều đặn, nên việc thu lãi suất, huy động tiết kiệm thuận lợi, số tiền tiết kiệm tăng hơn so với trước, thu lãi nhanh chóng. Số dư tiết kiệm hiện đạt hơn 98 triệu đồng và không có nợ xấu.

Chị Linh cho biết, các tổ viên hiện đang tham gia sinh hoạt đều đặn hàng tháng. Tại các buổi sinh hoạt, các tổ viên trao đổi kinh nghiệm trong vay vốn, đầu tư sản xuất, gây quỹ của tổ để hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Các tổ viên cũng trao đổi, học tập kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế hiệu quả. Nhờ vậy, bản Bủng Xát đã giảm từ 35 hộ nghèo (năm 2019) hiện còn 18 hộ.

Người dân bản Bủng Xát, xã Châu Khê, huyện Con Cuông vay vốn Ngân hàng Chính sách duy trì nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: Thu Huyền

Người dân bản Bủng Xát, xã Châu Khê, huyện Con Cuông vay vốn Ngân hàng Chính sách duy trì nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: Thu Huyền

Chủ tịch UBND xã Châu Khê - ông Kha Văn Thương cũng khẳng định, thông qua hoạt động của tổ vay vốn đã giúp các thành viên trong tổ gắn kết, hoạt động hiệu quả hơn. Việc kết hợp sinh hoạt tổ vay vốn gắn với hoạt động cộng đồng giúp các tổ viên hào hứng, tham gia tích cực. Nhất là lồng ghép công tác vay vốn, tiết kiệm với việc sinh hoạt câu lạc bộ dân ca, câu lạc bộ gia đình trẻ… nên thường xuyên thu hút nhiều người tham gia.

Hiện trên địa bàn huyện Con Cuông có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhờ vay vốn Ngân hàng Chính sách. Có thể kể đến như trường hợp của anh Lô Văn Môn ở bản Lam Khê xã Chi Khê. Sau khi trở về tránh dịch Covid-19, nhờ được Ngân hàng Chính sách hỗ trợ 50 triệu đồng, anh có điều kiện để tiếp tục với nghề may giày và đầu tư thêm chăn nuôi, trồng rừng. Cuộc sống sau 3 năm biến động dịch bệnh giờ đã có thu nhập, có của ăn của để.

Anh Lô Văn Môn ở bản Lam Khê, xã Chi Khê, huyện Con Cuông đóng giày. Ảnh: Thu Huyền

Anh Lô Văn Môn ở bản Lam Khê, xã Chi Khê, huyện Con Cuông đóng giày. Ảnh: Thu Huyền

Ngôi nhà của vợ chồng anh nằm trong khu vườn keo rộng 5 ha xanh mát. Cùng tham quan xưởng sản xuất và vườn keo, anh Lô Văn Môn phấn khởi cho biết, ngoài trồng rừng, chăn nuôi bò, xưởng đóng giày của anh đang tạo việc làm cho 7-10 lao động tại địa phương. Mặc dù doanh thu chưa cao nhưng đến nay có thể khẳng định, sau thời gian làm ăn xa, giờ vợ chồng anh yên tâm sản xuất tại quê nhà mà không phải lo tha phương cầu thực. Hiện nay đơn đặt hàng giày đang nhiều, chúng tôi mong muốn được vay thêm vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, đồng thời mua thêm bò để chăn nuôi…

Về nhiều địa phương hôm nay chứng kiến đổi thay của diện mạo nông thôn mới; đường sá rộng rãi, nhà cửa khang trang. Sự đổi thay của nhịp sống mới được người dân địa phương nhắc đến qua những mô hình phát triển kinh tế từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ở huyện Diễn Châu, chúng tôi tới thăm gia đình anh Trần Đình Quyến ở xóm Đồng Hà, xã Diễn Vạn. Giữa trưa, chị vợ bận rộn với việc bán buôn hàng tạp hóa, còn anh Quyến thì lo việc chăn nuôi hươu, và đầm tôm. Năm 2015, với 50 triệu đồng được duyệt vay từ chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, anh Quyến bắt tay xây dựng chuồng trại và mua một cặp hươu giống về nuôi. Nhờ chăn nuôi đúng kỹ thuật, hươu lớn nhanh và sinh sản, tăng nhanh về số lượng. Có thời điểm, chuồng hươu có đến 16 con.

Đầm tôm của gia đình anh Trần Đình Quyến ở xóm Đồng Hà, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu. Ảnh: Thu Huyền

Đầm tôm của gia đình anh Trần Đình Quyến ở xóm Đồng Hà, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu. Ảnh: Thu Huyền

Ngoài bán nhung hươu, gia đình anh cũng trở thành địa chỉ cung cấp hươu giống tin cậy cho người dân. Lợi nhuận từ việc chăn nuôi hươu, gia đình tiếp tục dùng để đầu tư ao nuôi tôm thẻ chân trắng.

Anh Quyến cho biết, với chủ trương khuyến khích cải tạo diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang phát triển nuôi trồng thủy hải sản của địa phương, anh đã cải tạo nuôi tôm. Hiện nay, mỗi vụ, bán được từ 2,5 - 3 tấn tôm thương phẩm. Việc chăn nuôi hươu và tôm mang về cho gia đình hơn 200 triệu đồng/năm, có điều kiện để nuôi các con ăn học.

Dây chuyền sản xuất tất xuất khẩu của Công ty TNHH Begen ở xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Thu Huyền

Dây chuyền sản xuất tất xuất khẩu của Công ty TNHH Begen ở xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Thu Huyền

Anh Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Diễn Châu nói cùng vẻ mặt phấn khởi, rằng Diễn Vạn là xã bãi ngang vùng khó khăn, trước đây người dân chủ yếu chỉ nhìn vào con cá, hạt muối… Thế nhưng về xã Diễn Vạn hôm nay, diện mạo nông thôn đã đổi thay; Dọc sông Bùng, nhiều nhà tầng san sát. Chỉ thị số 40 được xem như một làn gió mới góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới, thay đổi diện mạo ở huyện Diễn Châu.

Cấp ủy, chính quyền cùng đồng hành

Là tỉnh có dân số đông, với trên 84% dân số ở vùng nông thôn, trên 15% đồng bào dân tộc thiểu số, công cuộc xóa đói giảm nghèo của Nghệ An luôn đặt ra nhiều thách thức. Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và gần 4 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW cho thấy các chủ trương lớn này của Ban Bí thư đã thật sự đi vào đời sống, tác động mạnh mẽ, tích cực đến hoạt động tín dụng chính sách. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã xem công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong chương trình, kế hoạch thường xuyên. Chính vì vậy, hoạt động tín dụng chính sách đã có chuyển biến mạnh mẽ, có sức lan tỏa lớn và tính xã hội hóa cao.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội thăm trang trại của anh Lô Văn Môn ở xã Chi Khê, huyện Con Cuông. Ảnh: Thu Huyền

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội thăm trang trại của anh Lô Văn Môn ở xã Chi Khê, huyện Con Cuông. Ảnh: Thu Huyền

Ông Hà Xuân Quang - Bí thư Huyện ủy Diễn Châu cho biết: Diễn Châu là huyện ven biển, có dân số đông, nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh cao, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40 và Chỉ thị số 29, chúng tôi chú trọng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác tín dụng cơ sở, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn, sử dụng vốn vay hiệu quả. Huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội cũng là nhiệm vụ được địa phương quan tâm. Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội Diễn Châu là phòng giao dịch có số dư nợ lớn nhất tỉnh, dư nợ vốn chính sách trên địa bàn đang gần 1.000 tỷ đồng, trong đó hơn 7 tỷ đồng trích từ ngân sách huyện chuyển sang”.

Không chỉ ở huyện Diễn Châu, nhiều địa phương trên địa bàn Nghệ An có bước chuyển biến mạnh mẽ nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội và sự chủ động vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương. Từ khi thực hiện Chỉ thị 40 đến nay (2014 - 2024), tổng doanh số cho vay đạt 27.706 tỷ đồng. Đến ngày 30/06/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 13.356 tỷ đồng với 234.414 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ.

Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳ Hợp trò chuyện với chủ mô hình vay vốn chính sách hiệu quả trên địa bàn. Ảnh: Thu Huyền

Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳ Hợp trò chuyện với chủ mô hình vay vốn chính sách hiệu quả trên địa bàn. Ảnh: Thu Huyền

Ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: Thông qua việc tổ chức thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, cấp ủy chính quyền địa phương các cấp, nhất là sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội cùng tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo, chăm lo cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách; hướng dẫn và tạo điều kiện cho họ biết cách làm ăn, từng bước chuyển biến nhận thức, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nguồn vốn cho vay ưu đãi thông qua ngân hàng đã cấp vốn cho 742.060 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn. Từ đó tác động tích cực nâng cao đời sống văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin nhân dân đối với Đảng và Nhà nước…

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã cấp vốn cho 742.060 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đồ họa: Hữu Quân

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã cấp vốn cho 742.060 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đồ họa: Hữu Quân

Kết quả có được không thể không nói tới vai trò, sự đồng hành vào cuộc của chính quyền các cấp đối với nguồn vốn chính sách. Đồng chí Bùi Thanh An - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại điện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: Quá trình thực hiện Chỉ thị 40, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động phối hợp tốt cùng Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung nguồn lực, tăng cường đầu tư cho vay người nghèo và đối tượng chính sách khác đi đôi chú trọng tính hiệu quả nhằm góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An trao đổi về kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An trao đổi về kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền

Đến nay, tổng nguồn vốn và dư nợ đạt trên 13 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương đóng góp trên 420 tỷ đồng. UBND tỉnh đã ban hành Đề án đầu tư tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2023 - 2025 với tổng số ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay là 400 tỷ đồng.

Để Chỉ thị 40 tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới tỉnh Nghệ An sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp nâng cao vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội đối với tín dụng chính sách. Huy động tối đa nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, quan tâm bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương để ủy thác cho vay; tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước về một đầu mối là Ngân hàng Chính sách xã hội để quản lý cho vay đảm bảo hiệu quả…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An

Thu Huyền

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/doi-thay-nho-von-tin-dung-chinh-sach-o-nghe-an-10275343.html
Zalo