Đổi thay Hát Tình

Gần 10 năm từ sau vụ gặt lúa chiêm 2014, tôi trở lại Hát Tình, bản người Mông mà hồi đó nhiều người ở xã Chiềng Ken (huyện Văn Bàn) quen gọi là nơi 'thâm sơn cùng cốc', bởi để vào được vùng đất này thì đường đi gian nan vô cùng, phải ngược núi cao, vượt suối sâu...

Đi xe máy theo tuyến đường bê tông uốn lượn men theo bờ suối Ngòi Nhù, tôi ngược lên Hát Tình với bao câu hỏi bộn bề về vùng đất này. Nhưng rồi, khi đến đầu bản, những gì hiện ra khiến cảm xúc của tôi vỡ òa, cảnh nhà tranh vách đất trước đây giờ đã nhường chỗ cho những ngôi nhà xây kiên cố nằm ven đồng lúa chín vàng hoặc nép dưới tán rừng quế, rừng bồ đề xanh mướt.

Đón chúng tôi ở nhà văn hóa của bản với nụ cười tươi rạng rỡ, Trưởng bản Sùng Seo Nhè và ông Thào Seo Vềnh, người cao tuổi của bản dẫn chúng tôi đi thăm một số hộ trong thôn. Vừa đi ông Vềnh vừa kể về những thăng trầm và sự đổi thay của vùng đất này. Đứng từ rừng quế của nhà mình chỉ tay khoe với chúng tôi phong cảnh của bản Hát Tình đẹp như bức tranh thủy mặc trong chiều hè.

Vào khoảng năm 1993, do ở vùng quê cũ thuộc xã Bản Liền, huyện Bắc Hà thiếu đất sản xuất, lại hay xảy ra thiên tai nên mấy người cao tuổi đã cất công sang Văn Bàn tìm nơi định cư mới. Họ đi xuyên rừng miệt mài cả tuần trời thì tìm thấy một khu đất nằm bên sườn núi Ken rất đẹp, lại có nguồn nước dồi dào, có thể lập bản để định cư lâu dài. Vậy là mấy chục hộ người Mông chúng tôi làm đơn xin phép chính quyền địa phương cho về đây lập nghiệp.

- ông Vềnh kể.

“Những ngày đầu mới về định cư trên vùng đất mới, gia đình tôi cũng như các hộ trong bản gặp rất nhiều khó khăn do phải thay đổi môi trường sống, tập quán, văn hóa ở địa phương nơi chủ yếu đồng bào Tày sinh sống... cuộc sống gắn liền với 3 cái “không”: Không điện, không đường, không trường và gần như cách biệt với bên ngoài. Nhưng với nghị lực và sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, cuộc sống ở bản người Mông ở Hát Tình dần ổn định, nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám…”.

Đang hướng dẫn cháu gái phơi mấy bao thóc vừa gặt về, thấy chúng tôi hỏi chuyện, bà Ma Thị May (76 tuổi) dừng tay hồ hởi tiếp chuyện: Tôi là một trong những phụ nữ người Mông đầu tiên đặt chân đến vùng đất này khi các hộ đến đây lập nghiệp. Mấy năm đầu, cuộc sống khó khăn nhiều lắm, phụ nữ cũng chịu khó làm nương, làm ruộng nhưng cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng, nhà nhà cứ phải chia nhau bắp ngô, củ sắn. Chỉ sau khi cán bộ về tăng cường hỗ trợ người dân khai hoang làm ruộng nước, làm thủy lợi thì năng suất các vụ thu hoạch mới dần được nâng lên, người dân mới không còn bị đói.

Thêm vào câu chuyện với chúng tôi, Trưởng bản Sùng Seo Nhè cho biết thêm: Đến năm 2010, sau gần 10 năm người dân về định cư ở Hát Tình, mặc dù cuộc sống đã ổn định nhưng bản vẫn gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, từ trung tâm xã muốn vào đây phải di chuyển qua những con đường đất ngoằn ngoèo, lầy lội và vượt qua suối Nhù quanh năm cuộn chảy. Cuối năm 2010, khi thấy cuộc sống của người dân Hát Tình quá khó khăn, Huyện ủy Văn Bàn đã xây dựng Đề án phát triển bền vững vùng đồng bào mông ở Hát Tình và đề nghị tỉnh có phương án hỗ trợ. Ngay sau đó, UBND tỉnh thành lập một tổ công tác gồm các lực lượng như bộ đội, công an, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp… đến cắm chốt tại bản thực hiện 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” giúp bà con xây dựng cuộc sống mới.

Khi các cán bộ trong tổ công tác về bản Hát Tình, họ đã hỗ trợ bà con mở tuyến đường chạy dọc thôn để việc đi lại thuận lợi, đồng thời làm công trình thủy lợi, khai hoang mở rộng diện tích đất ruộng lên hơn 2 ha, vận động người dân cấy 2 vụ lúa nước; hướng dẫn người dân làm chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Quan trọng nhất là huyện Văn Bàn đã đầu tư xây dựng 1 cây cầu treo bắc qua suối Nhù nối tuyến đường từ trung tâm xã đến với thôn. Mặc dù cây cầu treo chỉ đủ cho xe máy đi nhưng cũng góp phần quan trọng vào sự phát triển của bản.

Trưởng bản Sùng Seo Nhè chia sẻ

Câu chuyện của chúng tôi rôm rả hơn với chủ đề phát triển kinh tế lâm nghiệp, bởi theo Trưởng bản Sùng Seo Nhè, mấy năm qua, khi đời sống ổn định, người dân Hát Tình đã mạnh dạn đầu tư phủ kín diện tích đồi, núi hoang hóa thành những rừng cây lâm nghiệp mang lại thu nhập cao như quế, bồ đề, trẩu. Cả thôn nhà nào cũng có đất rừng trồng cây lâm nghiệp với hơn 10 ha quế, 50 ha bồ đề và 30 ha trẩu. Các hộ cũng tích cực nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng tự nhiên...

Để minh chứng cho sự thay đổi về tư duy phát triển sản xuất cũng như ý thức xây dựng bản làng văn hóa của bà con địa phương, anh Sùng Seo Nhè dẫn chúng tôi thăm những đồi quế, thăm khu chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo... Vừa đi anh vừa hào hứng kể, giờ trong bản nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Cả bản có hơn 30 hộ thì chỉ còn 4 - 5 hộ nghèo; số hộ có nhà ở kiên cố cũng cơ bản được phủ kín. Không chỉ phát triển kinh tế ổn định, người dân Hát Tình còn làm tốt việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mông và gìn giữ an ninh, trật tự, nhiều năm nay trong thôn không có người nghiện ma túy, không có người vi phạm pháp luật. Đặc biệt hơn là giờ đây trẻ em từ mẫu giáo đến tiểu học trong bản đã có ngôi trường khang trang, không phải vượt núi, trèo đồi đi học nhờ ở thôn bên như trước.

Nói về các tiềm năng và phương án phát triển kinh tế - xã hội ở Hát Tình thời gian tới, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ken Vũ Thanh Nguyên phân trần: Nút thắt lớn nhất đối với Hát Tình bây giờ là cây cầu treo cũ bắc qua suối Nhù, nó cần được thay thế bằng cầu bê tông. Vì trước nay, cây cầu treo chỉ có thể cho xe máy đi qua, trong khi bây giờ nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, đi lại của người dân bằng ô tô đang rất cần. Hơn nữa, tới đây, xã có kế hoạch vận động người dân thực hiện dự án mở rộng đường trục của thôn, nếu không có cầu thì việc vận chuyển hàng chục nghìn mét khối vật liệu sẽ vô cùng khó khăn. Thực ra mong ước có cây cầu bê tông kiên cố nối tuyến đường từ trung tâm xã vào Hát Tình đã được người dân ở đây đặt ra từ rất lâu, hy vọng thời gian tới, Nhà nước sẽ quan tâm đầu tư xây dựng.

Qua câu chuyện với người dân ở Hát Tình, chúng tôi thấy ai cũng tự hào về quê hương mới của mình, họ luôn đau đáu mong muốn xây dựng bản làng giàu đẹp, bình yên. Đi đến chỗ nào cũng thấy người dân bàn về chuyện hiến đất mở rộng đường giao thông, bởi họ luôn tin tưởng cuộc sống sẽ có nhiều đổi thay khi giao thông được cải tạo. Có đường lớn sẽ mở ra nhiều cơ hội giúp Hát Tình phát triển kinh tế, thậm chí làm du lịch sinh thái...

Chia tay Hát Tình, chúng tôi thong dong xe máy trên tuyến đường bê tông qua cánh đồng của thôn để trở về trung tâm xã Chiềng Ken. Trên đường đi, xe của mấy anh em liên tục phải dừng lại để tránh đàn trâu kéo lúa từ đồng về. Trong không gian buổi chiều ngày mùa rộn rã, tiếng loa phát thanh của thôn vang lên lời bài hát “Người Mèo ơn Đảng” của tác giả Thanh Phúc:

Đây sườn núi lưng đèo người Mèo ca hát

Sao còn có trên trời người Mèo ơn Đảng…

Nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi…

Bản Mèo vui trong tiếng khèn...”

Bài hát khiến chúng tôi lâng lâng niềm vui. Tin rằng với sự đoàn kết, quyết tâm của người dân và sự quan tâm của các ngành, các cấp, bản Hát Tình sẽ có tuyến đường và cây cầu bê tông mới, để cuộc sống của người dân bước sang trang mới.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/doi-thay-hat-tinh-post386206.html
Zalo