Tọa đàm 'Phong cách sáng tác của đạo diễn Đặng Nhật Minh' trong khuôn khổ LHP châu Á Đà Nẵng lần thứ hai

Sáng 4/7, tại Furama Resort Danang, UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam tổ chức Tọa đàm 'Phong cách sáng tác của đạo diễn Đặng Nhật Minh' trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ hai.

Tham dự tọa đàm có PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Nguyên UVBCH TƯ Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam; bà Lê Thị Hà, Viện trưởng Viện Phim Việt Nam; bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh; bà Ngô Đặng Trà My, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam; ông Hà Vỹ - Phó GĐ Sở Văn hóa & Thể thao Đà Nẵng; cùng các diễn giả, nhà biên kịch, nhà nghiên cứu, đạo diễn, diễn viên, nhà làm phim…

Quang cảnh tọa đàm “Phong cách sáng tác của đạo diễn Đặng Nhật Minh”.

Quang cảnh tọa đàm “Phong cách sáng tác của đạo diễn Đặng Nhật Minh”.

Theo đó, nội dung buổi tọa đàm gồm 2 phiên. Phiên 1 với chủ đề "Tham luận về Phong cách sáng tác của đạo diễn Đặng Nhật Minh". Phiên 2 với chủ đề "NSND- đạo diễn Đặng Nhật Minh trong lòng đồng nghiệp và các nghệ sĩ điện ảnh".

Theo bà Lê Thị Hà, Viện trưởng Viện Phim Việt Nam, Viện Phim Việt Nam là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có chức năng lưu chiểu, lưu trữ và bảo quản các tư liệu điện ảnh, nghiên cứu lý luận, công nghệ điện ảnh, khai thác phổ biến các tư liệu điện ảnh theo quy định của pháp luật. Viện Phim Việt Nam - nơi đang lưu trữ rất nhiều những tác phẩm của điện ảnh Việt Nam, trong đó có các tác phẩm của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh.

Trong những năm qua, Viện Phim Việt Nam với chức năng, nhiệm vụ của mình đã cung cấp nhiều tác phẩm điện ảnh và những thước phim tư liệu quý giá cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nhằm phục vụ cho công tác quảng bá tác phẩm điện ảnh có giá trị của điện ảnh Việt Nam tới đông đảo công chúng và công tác sản xuất phim, cũng như công tác nghiên cứu, đào tạo.

Đối với đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, ông cũng đã nhận được những thành quả xứng đáng cho những cống hiến không biết mệt mỏi của mình trên con đường nghệ thuật: Những bộ phim của ông không chỉ được các nhà chuyên môn đánh giá cao, được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng tại các kỳ Liên hoan phim trong nước và quốc tế; mà còn chinh phục được nhiều thế hệ khán giả.

Buổi tọa đàm với các ý kiến từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà biên kịch, đạo diễn, nghệ sĩ sẽ mang đến cho chúng ta thêm những thông tin hữu ích để hiểu hơn giá trị nội dung và nghệ thuật trong các tác phẩm điện ảnh của NSND Đặng Nhật Minh, cùng những đóng góp của ông cho nền điện ảnh nước nhà.

Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh có sự nghiệp sáng tác kéo dài hơn nửa thế kỷ, đạt nhiều thành tựu nổi bật tại các liên hoan phim ở Việt Nam và quốc tế. Bộ phim truyện đầu tiên của ông là Những ngôi sao biển (1973) chưa được nhiều người biết đến, Đặng Nhật Minh bắt đầu nổi tiếng từ phim truyện Thị xã trong tầm tay về những đổ nát hữu hình trong cuộc sống và vô hình trong tâm hồn sau chiến tranh biên giới phía Bắc (1983, Bông Sen vàng LHPVN).

Bộ phim đưa tên tuổi của Đặng Nhật Minh nổi danh trong và ngoài nước là Bao giờ cho đến tháng mười (1984, Bông Sen vàng LHPVN, Giải Đặc biệt của BGK LHPQT Hawaii, Top 18 bộ phim Châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại theo bình chọn của CNN).

Phong cách sáng tác của Đặng Nhật Minh bộc lộ rõ nét ở sự tinh tế, sâu lắng, làm rung động khán giả, ở bản sắc Việt Nam trong sự kết nối số phận người phụ nữ với số phận đất nước, tâm hồn con người với tâm linh dân tộc. Bộ phim đoạt nhiều giải tại quốc tế nhất là Thương nhớ đồng quê (1995), Giải Đạo diễn LHPVN và nhiều giải thưởng tại các LHPQT: Giải NETPAC tại LHP Rotterdam, Giải Montgolfiere vàng tại LHP Ba châu lục Nantes, Khán giả tại các LHP Nantes, Fribourg, Versoul, Giải KODAK tại LHP Châu Á TBD, Giải ACCT tại LHP Namur…).

Sáng tác của Đặng Nhật Minh phong phú khi ông có cơ hội làm nhiều phim về đề tài chiến tranh cách mạng như Hà Nội mùa đông 1946 (1997), Đừng đốt (2009). Bên cạnh đó là những nét khác biệt trong bộ phim ông làm từ khi Việt Nam bước vào thời đổi mới là Cô gái trên sông (1987). Đặng Nhật Minh cũng có duyên nợ với đề tài Hà Nội. Ngoài phim Hà Nội mùa đông 1946, ông làm Trở về (1994), Mùa ổi (2000), Hoa nhài (2022).

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh tại buổi tọa đàm.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh tại buổi tọa đàm.

NSND Đặng Nhật Minh được Nhà nước Việt Nam trao "Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật" năm 2007. Trước đó, vào năm 1999, ông nhận "Giải thưởng lớn về văn hóa" của Nikkei (Nhật Bản) cho những tác phẩm điện ảnh. Và, năm 2022 ông nhận Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và văn học của Bộ Văn hóa Pháp.

Trong đêm khai mạc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ hai, Ban tổ chức đã trao giải Thành tựu điện ảnh cho đạo diễn, NSND Đăng Nhật Minh vì những đóng góp của ông cho nền điện ảnh Việt Nam.

Đ.Hoàng

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/toa-dam-phong-cach-sang-tac-cua-dao-dien-dang-nhat-minh-trong-khuon-kho-lhp-chau-a-da-nang-lan-thu-hai-20240704142712507.htm
Zalo