Đời sống thường nhật ở Nam Kỳ: tranh mỹ thuật quý hiếm về quê hương
Ấn phẩm sách tranh in bằng ba thứ tiếng Việt - Pháp - Anh Đời sống thường nhật ở Nam Kỳ do Nguyễn Quang Diệu sưu tầm và định bản làm 'sống lại' kho dữ liệu mỹ thuật - lịch sử quý báu có từ cuối thập niên 1930.
Nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Quang Diệu cho biết ông tuyển chọn 99 tranh vẽ với nhiều chủ đề của Trường Mỹ thuật Gia Định (École d’Art de Giađịnh) đưa vào ấn phẩm Đời sống thường nhật ở Nam Kỳ “trên tinh thần gạn đục khơi trong và nâng niu ký ức, góp phần hé mở một khe cửa đi vào miền quá khứ cho độc giả hậu sinh ngày nay”. Sách phù hợp cho nhiều đối tượng độc giả như: những nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử trong và ngoài nước, nghiên cứu sinh và sinh viên, du khách quốc tế lẫn bạn đọc phổ thông.
Thanh âm đời sống Nam Kỳ
Xuất xứ của 99 tranh vẽ Đời sống thường nhật ở Nam Kỳ thuộc bộ sách Chuyên khảo vẽ về Đông Dương (tựa tiếng Pháp: Monographie dessineé de l’Indochine) - Ấn bản của Trường Mỹ thuật Gia Định, xuất bản bằng tiếng Pháp ở Paris năm 1935 và 1938. Bộ sách này là một dự án quy mô lớn do Jules-Gustave Besson cùng các cộng sự trẻ gồm cả bậc thầy và thợ học việc thực hiện.
Jules-Gustave Besson chính là Giám đốc Trường Mỹ thuật ứng dụng Gia Định từ năm 1926-1940. Ông thực hiện bộ sách chuyên khảo vẽ nhằm quảng bá tác phẩm của sinh viên, đồng thời cung cấp những tranh vẽ kết hợp giữa sở trường phản ánh dân tộc học với chất lượng nghệ thuật bấy giờ.
Tất cả các bản khắc trong Chuyên khảo Đông Dương đều do Trường Mỹ thuật Gia Định và công ty liên kết sản xuất. Đó là một công ty gồm các nghệ nhân, nghệ sĩ và người học việc, được tổ chức giống như một hội thợ thủ công thời trung cổ.
Chuyên khảo là một công trình tập thể, trong đó mỗi bức tranh được vẽ theo phong cách tự nhiên, sau đó được khắc trong xưởng và in dưới máy in. Mỗi bước được thực hiện bởi một thành viên của công ty, cùng nhau cho ra đời những tác phẩm minh họa cho phong cảnh, sinh hoạt, văn hóa nông nghiệp, những nghề thủ công khác nhau và cuộc sống đời thường vốn chưa tiếp xúc nhiều với phương Tây và thế giới hiện đại.
“Bộ tranh bao gồm cảnh sinh hoạt thường nhật, đời sống văn hóa tinh thần, đời sống bình dân nơi thôn dã, đời sống nông nghiệp, những ngành nghề thủ công… giúp cho độc giả hiểu hơn về phong tục, nghi lễ và tập quán của vùng đất Nam Kỳ, là tiếng gọi từ phương Đông huyền ảo có thể thôi thúc một ai đó xách ba lô lên đường tìm đến, hoặc gây thương nhớ cho những ai đã quen thuộc xứ sở trót lỡ rời xa miền đất vàng Đông Dương” - nhà sưu tầm, tác giả NGUYỄN QUANG DIỆU cho biết.
“Mùi đất” quê hương xứ sở
Bộ sách gốc trước đây chia thành các phần về Cochinchine (Nam Kỳ, 6 tập), Annam (Trung Kỳ, 1 tập), Tonkin (Bắc Kỳ, 4 tập) và Cambodge (Cao Miên, 2 tập), trong đó phần Cochinchine (xuất bản năm 1935) có dung lượng lớn nhất, mỗi tập gồm 40 tranh vẽ bằng bút chì (phần lớn được tô màu).
Từ 240 bức tranh của phần Cochinchine, ông Nguyễn Quang Diệu tuyển chọn 99 tranh nhiều chủ đề tập trung về khung cảnh làng quê, ruộng đồng, sông ngòi, kênh rạch, đất đai, xây dựng nhà cửa, trồng lúa, đánh bắt cá, trồng rau, buôn bán, chơi nhạc, thờ cúng, kéo xe thổ mộ...
Độc giả có thể tìm thấy qua những bức tranh chân phương, dung dị song không kém phần tinh tế “mùi ruộng đồng, mùi rơm rạ, mùi đất của quê hương xứ sở… của đời sống Nam Kỳ xưa” - ông Nguyễn Quang Diệu nói.
Như nhà khảo cổ học Louis Malleret (1901-1970) lúc sinh thời từng nhận xét “những cảnh đời sống Á châu này còn lưu giữ cả những vết tích xa xưa của một chiều dài lịch sử và một nền văn minh”, bộ tranh Đời sống thường nhật ở Nam Kỳ tái hiện một bức tranh nhiều màu sắc, đầy sinh động về đời sống nguyên bản của vùng đất và cư dân Nam Kỳ.
Làm bột.
Từ ruộng cau đến chợ chuối; từ tranh về trồng rau đến người phụ nữ bán gà vịt; từ chân dung nhạc công mù đến kẻ ăn mày rách rưới; từ cảnh làm guốc mộc đến người thợ xẻ gỗ, chạm khắc; từ làm nông cụ xay xát lúa đến bện lá cọ lợp mái nhà… - tất cả tái hiện một thuở sinh hoạt, lao động mưu sinh không ngừng nghỉ của cư dân Nam Kỳ.
Không ngạc nhiên khi độc giả được nhìn ngắm khá nhiều bức tranh về ruộng đồng, cày bừa, bón phân, thóc lúa, vụ mùa, đường mía, xay gạo, làm bánh, bột bún, cơm nước… Bởi Việt Nam có nền văn minh lúa nước lâu đời và hạt gạo là biểu tượng cho thành quả lao động, cho miếng cơm manh áo và cuộc sống thịnh vượng. Chính những bàn tay khối óc nhẫn nại, chịu khó và trí khôn của bao tiền nhân đã góp công cho sự phát triển mạnh mẽ của vùng đất này.
C.Đ