Đời săn mật... đắng

Vụ mật ong rừng chỉ mới giữa mùa nhưng tại vùng núi cao A Lưới, đã có 2 người chết và bị thương vì tai nạn. Người thợ săn 'lộc rừng' kỹ năng đầy mình là vậy, thế mà chỉ một lần sẩy tay là không có cơ hội để làm lại…

 Một tổ ong cỡ lớn được nhóm thợ rừng phát hiện

Một tổ ong cỡ lớn được nhóm thợ rừng phát hiện

Trời thương, trời cho…

Chiếc xe máy cà tàng dừng lại cạnh QL 49, anh Hồ Văn Hiếu (36 tuổi, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới) lấy tay khua một vòng để tôi dễ mường tượng lộ trình cuộc săn tìm mật ong sẽ như thế nào. Nghĩ chỉ vài tiếng đồng hồ cuốc bộ sẽ đến được địa điểm ong về làm mật, ấy vậy mà càng đi càng xa. Chúng tôi đi qua biết bao cây lớn ong từng về nhưng vẫn không thấy tăm hơi của đàn ong. Đoạn dừng lại để quan sát, Hiếu kể: “Nghề này trời thương, trời cho thôi. Cũng một cung đường đó, nhưng người trước đi không thấy mà người sau đi lại thấy”.

Sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn Trường Sơn, anh Hiếu làm đủ nghề gắn bó với rừng xanh. Anh trở thành thợ săn mật ong rừng lành nghề cũng bởi bản tính thích khám phá và nhờ cái tài leo trèo có từ thuở nhỏ. Nhưng chỉ chừng đó thôi chưa đủ, để thành người thợ giỏi đòi hỏi nhiều kỹ năng, như: đánh giá đúng khối lượng, chất lượng mật; nắm biết tập tính làm tổ để tìm vị trí chính xác của đàn ong… Hồi mới vào nghề, anh Hiếu không ít lần trèo lên ngọn cây cao chót vót mà chỉ lấy được tổ ong với số mật bán ra chỉ bằng… một tô bún. Khi đã dày dạn kinh nghiệm, anh Hiếu sẵn sàng bỏ những tổ ong rất lớn vì anh biết, tổ chủ yếu chứa phấn hoa.

 Thợ rừng thiết kế thang bằng cây rừng để trèo lên lấy mật ong

Thợ rừng thiết kế thang bằng cây rừng để trèo lên lấy mật ong

“Đứng trước cây cao, anh em thường nghiên cứu thế cây để làm sao đặt thang trèo lên cho thuận tiện. Có 2 cách làm thang, đơn giản nhất là đóng đinh loại 10 cm trở lên vào thân cây. Cách thứ 2 là làm thang bằng cây rừng, cầu kỳ một chút nhưng an toàn khi không may bị ong đốt…”, anh Phan Xuân Giang (36 tuổi, trú tại xã Hồng Thượng) nói. Sau 15 phút, anh Hiếu trở về với bó cây rừng cùng 5 ống nứa. Nhóm thợ rừng nhanh chóng đặt cành nhỏ áp vào thân cây lớn rồi từ đó dùng dây được chẻ từ ống nứa buộc các bậc thang. Hiếu thường làm thang cao đúng 20 bậc. Cây cao quá thì bỏ…

Cách tạo khói cũng khá đơn giản. Người thợ chỉ cần chẻ cây rừng để làm con cúi sao cho nhiều khói. Sẵn sàng mọi thứ, anh Hiếu cùng các bạn nghề mang đồ bảo hộ tự chế là bộ áo quần dày và đội mũ có mặt nạ lưới rồi thoăn thoắt leo lên cây. Đàn ong bị khói hun vỡ tổ bay dáo dác. Sau khoảng 15 phút, nhóm thợ “tác nghiệp” xong và trở lại mặt đất.

Đắng...

Trở lại QL 49 khi trời đã nhá nhem tối, chúng tôi theo đường chính tìm xe máy để về nhà. Cả nhóm mang mật đến một đại lý thu mua. Với mức giá 180.000 đồng/kg, số mật được mua vào với giá gần 2 triệu đồng. Nhóm của Hiếu, ngoài Giang còn có Võ Văn Lai (35 tuổi), Phan Văn Thuận (38 tuổi) chia nhau số tiền rồi ai về nhà nấy. “Ở vùng núi A Lưới này, có được chừng ấy tiền là mừng lắm… Vui nhất là ngày đi rừng lấy được mật, tối về kịp cơm nước với vợ con”, anh Lai chia sẻ: “Bởi không phải ai đi lấy mật rồi cũng may mắn trở về một cách lành lặn…”.

Nhớ hôm nắng nóng đỉnh điểm cuối tháng 4 vừa qua, khi có mặt tại huyện A Lưới, tôi nhận được thông tin, cánh rừng tại tiểu khu 292 cạnh QL 49 thuộc địa phận xã Sơn Thủy cháy lớn. Lúc đến gần hiện trường, tôi nghe rõ tiếng kêu cứu thảm thiết của một người đàn ông đang kẹt trên một ngọn cây cao. Ông là N.V.C (42 tuổi, xã Sơn Thủy) – một thợ săn mật ong vô tình gây ra vụ cháy rừng. Lực lượng chức năng cùng người dân đã nhanh chóng dập tắt ngọn lửa, đồng thời đưa ông C. đến bệnh viện cấp cứu vì bỏng nặng.

Nhóm thợ săn của Hồ Văn Hiếu kể, nhiều trường hợp khác gặp nạn ở rừng sâu, khi đưa được ra ngoài thì đã tắt thở. Tháng 3 vừa qua, giới thợ rừng ở A Lưới nhận tin dữ khi đồng nghiệp của mình là ông N. (thôn Ky Ré, xã Hồng Thượng) tử vong vì ngã từ cây cao xuống. “Xui rủi là ông N. trúng ngay đàn ong lũ rất dữ. Trong khi đó, ông N. không mang đồ bảo hộ, thang được đóng bằng đinh nên không thể tụt xuống nhanh được. Ông N. bị ong đốt đến cả trăm mũi. Đau quá, ông thả tay rồi rơi tự do xuống bãi đất. Tôi vào đưa ông ra, ông trăng trối được mấy câu rồi đi…”, Hiếu rưng rưng nước mắt.

Nhiều thợ rừng kể, gần như vụ mật năm nào cũng có người tử vong vì té ngã từ trên cao xuống. Mỗi lần nghe tin anh em bị nạn, thợ rừng lo sợ lắm nhưng vì mưu sinh lại lao mình săn tìm mật ong. “Nghề này kiểu gì cũng phải mang bảo hộ đầy đủ, phải giữ nguyên tắc “cao quá thì không lấy”. Mật ong A Lưới nổi tiếng là mật tốt, mật ngọt… nhưng chỉ cần sơ suất một chút thì hóa mật đắng…”, anh Hiếu chiêm nghiệm.

Lấy mật ong rừng là hoạt động hợp pháp

Theo luật sư Phạm Thảo (Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng), việc lấy mật ong rừng phải đảm bảo không gây hại cho rừng, trường hợp lấy mật ong rừng bằng những cách thức gây hại sẽ bị xử lý trách nhiệm hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật. Về trách nhiệm hành chính, tại điểm b, khoản 5, Điều 16 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 quy định phạt tiền từ 1,5 – 3 triệu đồng đối với hành vi đốt lửa, sử dụng lửa để săn bắt động vật rừng, lấy mật ong…

“Nếu sử dụng khói bằng các bình xịt khói (còn gọi là bình hun khói, xông khói) mà vẫn đạt được hiệu quả, không gây hại cho rừng thì đó là giải pháp mà người lấy mật cần nghiên cứu và tham khảo để không gây ra những hệ lụy đáng tiếc… Nếu lấy mật ong an toàn, hiệu quả, không gây hại đến tài nguyên môi trường, không ảnh hưởng tiêu cực thì là hoạt động bình thường góp phần khai thác các sản vật từ thiên nhiên ban tặng, rất đáng được duy trì, phát triển”, luật sư Phạm Thảo phân tích thêm.

Thái Châu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/doi-san-mat-dang-142870.html
Zalo